Điểm thời sự

Nhiệm kỳ đầy thách thức của Tổng thống Syria al-Assad

Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư, trong bối cảnh quốc gia Trung Đông này phải đối mặt hàng loạt thách thức. Nhiệm vụ trọng tâm và ưu tiên hiện nay của Tổng thống al-Assad cùng ban lãnh đạo Syria là thực hiện các cải cách để vực dậy nền kinh tế kiệt quệ bởi chiến tranh và tái thiết đất nước.

Một khu chợ ở thủ đô Damascus của Syria. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Một khu chợ ở thủ đô Damascus của Syria. Ảnh: TÂN HOA XÃ

Với khẩu hiệu tranh cử "Hy vọng thông qua công việc", mục tiêu của Tổng thống al-Assad là thông qua công việc từng bước xây dựng lại đất nước Syria vốn đang đứng trước nhiều khó khăn, thử thách sau nhiều năm trải qua nội chiến, xung đột và trước mắt là cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Song song với đó, chính quyền Syria cũng cần đẩy mạnh các nỗ lực bảo đảm an ninh và tham gia hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế. Chính phủ Syria và phe đối lập cần nhanh chóng thu hẹp các khác biệt và xây dựng lòng tin trên cơ sở đặt lợi ích của người dân lên trên hết, từ đó thúc đẩy đàm phán với sự trung gian của quốc tế nhằm tìm giải pháp chính trị toàn diện cho Syria.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, hơn 80% người dân Syria hiện sống dưới mức nghèo khổ. Đồng nội tệ của nước này rơi tự do so với đồng USD, trong khi các dịch vụ và hàng hóa cơ bản ngày càng trở nên khan hiếm và đắt đỏ. Chính phủ Syria thường phải tăng giá nhiên liệu để giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng trầm trọng do cuộc nội chiến kéo dài một thập kỷ qua cùng với các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Lần tăng giá gần đây nhất là vào thời điểm sau khi quốc gia láng giềng Liban tăng hơn 35% giá nhiên liệu để giải quyết tình trạng thiếu nhiên liệu mà giới chức nước này cho rằng một phần nguyên nhân do nạn buôn lậu nhiên liệu sang Syria. Giá bánh mì ở Syria gần đây đã tăng gấp hai lần, giá dầu diesel tăng gần gấp ba lần so với trước đây. Cuộc khủng hoảng tài chính và sự "ốm yếu" của hệ thống ngân hàng ở Liban được cho là trở ngại chính đối với hoạt động đầu tư cũng như nỗ lực tái thiết đất nước của Syria. Tổng thống Assad nói rằng, các khoản tiền của Syria bị đóng băng tại các ngân hàng ở Liban ước lên tới 40 đến 60 tỷ USD và điều này đang làm suy yếu nền kinh tế Syria. Nhiều doanh nghiệp của Syria lâu nay đã tránh được các lệnh trừng phạt của phương Tây bằng cách sử dụng hệ thống ngân hàng của Liban để thanh toán cho hàng hóa nhập khẩu vào Syria bằng đường bộ.

Tổng thống Assad cũng cho biết, Syria sẽ tiếp tục nỗ lực để vượt qua khó khăn trước tác động tiêu cực của các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt trong một thập kỷ qua. Chính quyền Syria cáo buộc rằng, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã và đang gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân nước này, giữa lúc giá cả nhiều mặt hàng tăng vọt. Trong khi đó, tình hình an ninh ở Syria vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi các vụ tiến công, xung đột vẫn xảy ra. Quân đội chính phủ Syria, được sự hỗ trợ của Nga, tiếp tục tiến hành các chiến dịch truy quét quân nổi dậy nhằm ổn định tình hình đất nước. Chính phủ Syria phản đối việc Mỹ tiếp tục duy trì gần 1.000 binh sĩ ở Syria với danh nghĩa giúp các nhóm người Arab và người Kurd thuộc Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Damascus cáo buộc việc Mỹ can thiệp vào Syria là vi phạm chủ quyền quốc gia, làm tình hình thêm rối ren.

Vực dậy nền kinh tế bị suy thoái kéo dài, giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ Syria, chống khủng bố là những nhiệm vụ đầy thách thức đối với Tổng thống al-Assad.