Một trong những điểm sáng của bức tranh kinh tế năm 2021 là thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, hỗ trợ tốt cho công tác điều hành kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên về cuối năm, nhiều mặt hàng đang trên đà tăng giá, tạo áp lực lớn đối với sản xuất, tiêu dùng.
Xăng, dầu liên tiếp lập đỉnh
Giá xăng, dầu tăng cao đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp. Trong đợt điều chỉnh ngày 10/11, giá bán lẻ xăng RON95 đã gần chạm mức 25.000 đồng/lít.
Theo Tổng cục Thống kê, đây là mức tăng cao nhất của giá xăng dầu trong vòng 7 năm qua. Trong 10 tháng năm 2021, giá bán lẻ xăng, dầu có 18 đợt điều chỉnh khiến giá xăng RON95 tăng tổng cộng 7.860 đồng/lít, giá dầu diesel tăng 6.340 đồng/lít. Như vậy so cùng kỳ năm 2020, giá bán lẻ xăng, dầu đã tăng bình quân 27,23%, tác động làm CPI chung tăng 0,98 điểm phần trăm.
Giá gas trong nước cũng có 10 đợt điều chỉnh với 8 lần tăng giá, 2 lần giảm giá khiến giá bình quân 10 tháng tăng 23,81% so cùng kỳ, tác động làm CPI chung tăng 0,35 điểm phần trăm.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, giá xăng là yếu tố đầu vào của nhiều lĩnh vực quan trọng nên tăng giá xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp.
Các ngành sử dụng nhiều nhiên liệu như ngành vận tải, logistics, đánh bắt cá… sẽ chịu tác động trực tiếp. Ảnh hưởng gián tiếp là các ngành sản xuất do quá trình vận chuyển hàng hóa lưu thông phát sinh chi phí vận tải. Vì vậy, nếu giá xăng tăng 10% sẽ tác động làm GDP giảm 0,5 điểm phần trăm và làm tăng giá cả dịch vụ hàng hóa khiến CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
“Việc triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về kiểm soát dịch Covid-19 trong 1 tháng qua đã giúp kinh tế phục hồi khá nhanh và mạnh nhưng đà phục hồi có thể bị ảnh hưởng vì hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch rất lớn khi số ca nhiễm mới trong nước đã lên đến 9.000 – 10.000 người/ngày.
Trong khi đó, sức khỏe của cộng đồng doanh nghiệp đã cạn kiệt, chi phí sản xuất lên rất cao do phải đáp ứng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phòng, chống dịch. Vì vậy, tác động của giá xăng dầu lúc này sẽ có ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ cũng như sự phục hồi của doanh nghiệp”, chuyên gia Ngô Trí Long nói.
Bộ Công thương cũng nhận định, xu hướng tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất và khiến giá thành phẩm cao hơn, qua đó đẩy giá hàng tiêu dùng trong nước tăng cao. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam khi chúng ta xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác.
Rủi ro nhập khẩu lạm phát
Là nền kinh tế định hướng xuất khẩu, độ mở cao, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát. Trong xu hướng phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, giá dầu đã tăng rất mạnh, cùng với xu hướng tăng giá lương thực, thực phẩm và các hàng hóa khác vì đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Đối mặt với lạm phát cao, hàng loạt ngân hàng trung ương trên thế giới đã phải dừng chính sách nới lỏng tiền tệ.
Tiến sĩ Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia nhận định, rủi ro nhập khẩu lạm phát đối với nền kinh tế Việt Nam là rất lớn, có thể ảnh hưởng đến 1 điểm phần trăm lạm phát trong năm 2022. Các yếu tố khiến lạm phát toàn cầu leo thang là xu hướng tăng cao của giá dầu, chi phí vận chuyển logistics, giá kim loại, giá lương thực, thực phẩm.
Trong đó, tăng giá dầu thế giới có tác động tương đối lớn đến kinh tế Việt Nam từ quý IV/2021 và kéo dài đến quý II/2022.
Giá các mặt hàng kim loại mặc dù chỉ ảnh hưởng khoảng 0,2 điểm phần trăm đến lạm phát nhưng đối với các ngành sản xuất liên quan lại là vấn đề lớn vì sắt, thép là đầu vào cho nhiều ngành công nghiệp quan trọng, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào nếu như phải nhập khẩu. Trong khi đó, giá lương thực, thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân nhưng có thể tăng nhanh, giảm nhanh.
Do đứt gãy chuỗi cung ứng trong đại dịch, giá vận chuyển logistics toàn cầu đã tăng hơn 20 lần trên các tuyến đường, ảnh hưởng lớn đến kinh tế thế giới và Việt Nam. Đây là thành tố tác động rất lớn đến lạm phát và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam năm 2022 và có ảnh hưởng tương đối dài vì dự kiến năm 2023 có thể chưa trở về mặt bằng giá thiết lập trước đại dịch. Đây là vấn đề cần lưu tâm.
“Thời điểm này, vấn đề kiểm soát lạm phát ở Việt Nam là cực kỳ quan trọng. Nếu chỉ nhìn vào khả năng kiềm chế được lạm phát năm 2021 ở mức dưới mục tiêu đề ra sẽ không đánh giá hết được tình hình. Đặc điểm hiện nay là lạm phát thấp chủ yếu do cầu tiêu dùng thấp, không phải do giá thấp. Nếu không đánh giá đầy đủ về tình hình lạm phát, chúng ta sẽ phải đối mặt với vấn đề lạm phát cao ngay trong quý II, quý III/2022 do ảnh hưởng từ giá nhập khẩu sang giá sản xuất, từ đó đẩy vào giá tiêu dùng”, Tiến sĩ Trần Toàn Thắng phân tích.
Giải pháp điều hành được Tiến sĩ Trần Toàn Thắng đề xuất là thực hiện giảm phí BOT đường bộ, dừng thu phí môi trường đang ở mức khá cao trong mỗi lít xăng, dầu. Các giải pháp này có tác động nhanh hơn đến cộng đồng doanh nghiệp so với giải pháp giảm thuế, giảm tiền thuê đất đang được áp dụng.
Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh Trần Hoàng Ngân kiến nghị Chính phủ sớm xem xét can thiệp, hỗ trợ, bình ổn giá xăng dầu vì hiện giá mặt hàng này tăng rất nhanh. Trong khi đó còn có dư địa để điều hành như công cụ thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường.
Đề cập đến khả năng nới lỏng chính sách tiền tệ, tài khóa để phục hồi kinh tế dự kiến đưa ra cuối năm nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, nguồn lực được tung ra sẽ có ảnh hưởng nhất định đến lạm phát. Cơ quan chức năng cần có những đánh giá cụ thể về tác động của chính sách đến khả năng lạm phát để kịp thời có biện pháp thích hợp. Cùng với đó là làm tốt công tác tổ chức, quản lý thị trường để ngăn chặn tình trạng đầu cơ, tích trữ hàng hóa khi xuất hiện lạm phát kỳ vọng.