Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Chiến lược phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 đã khẳng định phải đổi mới mô hình tăng trưởng của nước ta theo hướng "chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo".
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, ở cấp quốc gia, từ năm 2017, Chính phủ đã sử dụng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố hằng năm, nhằm xác định các điểm mạnh, điểm yếu của quốc gia để từ đó đưa ra các giải pháp, biện pháp cải thiện phù hợp, cũng như để kịp thời xây dựng, ban hành các chính sách có liên quan.
Thời gian qua, tại Nghị quyết hằng năm, Chính phủ đã phân công cụ thể đến từng bộ, ngành để chủ trì theo dõi và cải thiện các chỉ số Việt Nam còn yếu kém, đồng thời giao Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối điều phối, theo dõi chung. Những năm qua, kết quả chỉ số GII của Việt Nam luôn có sự cải thiện tích cực. 12 năm liền, Việt Nam luôn có kết quả đổi mới sáng tạo cao hơn so với mức độ phát triển, là một trong số ít quốc gia thu nhập trung bình thấp được WIPO ghi nhận có tốc độ bắt kịp về đổi mới sáng tạo nhanh nhất.
Năm 2022, Việt Nam tiếp tục được WIPO ghi nhận là quốc gia có điểm số cao hơn nhiều so với mức trung bình của các nước cùng nhóm thu nhập, xếp thứ 48/132 quốc gia, nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu, thuộc nhóm quốc gia đạt được những tiến bộ lớn nhất trong thập kỷ qua. Việt Nam vẫn giữ vị trí thứ 3 khu vực Ðông Nam Á, sau Singapore và Thái Lan.
Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, qua theo dõi thực tế cho thấy, một số địa phương còn lúng túng khi thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về cải thiện chỉ số GII cấp quốc gia. Một trong những lý do là chỉ số GII đánh giá ở cấp quốc gia, nhưng nhiều số liệu thống kê tương tự ở cấp địa phương không có, đồng thời phương pháp đánh giá theo quy chuẩn quốc tế còn mới lạ, có những điểm không phù hợp cấp địa phương của Việt Nam. Mặt khác, sự khác biệt về quy mô kinh tế-xã hội; dân số, đất đai; cơ cấu kinh tế, định hướng phát triển... làm cho các địa phương không nắm được thực trạng mô hình phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo của địa phương mình, do đó kiến nghị cần có bộ chỉ số đổi mới sáng tạo dành riêng cho địa phương để căn cứ vào đó có thể chỉ đạo điều hành tốt hơn, sát với thực tiễn hơn.
Từ đầu năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp WIPO và các cơ quan liên quan xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương và tổ chức triển khai thử nghiệm tại 20 tỉnh, thành phố ở 6 vùng kinh tế, có mức thu nhập khác nhau, cơ cấu kinh tế khác nhau, đủ tiêu chí để đại diện cho tất cả 63 tỉnh, thành phố trên phạm vi toàn quốc. Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng bộ chỉ số cấp địa phương theo 10 bước như hướng dẫn của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cho xây dựng bộ chỉ số tổng hợp, phù hợp bối cảnh thực tiễn, đặc điểm của các địa phương ở Việt Nam. Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương của Việt Nam có 51 chỉ số, chia làm 7 trụ cột theo nguyên lý của bộ chỉ số GII (5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế-xã hội dựa trên khoa học- công nghệ và đổi mới sáng tạo gồm: Thể chế, nguồn nhân lực và nghiên cứu, cơ sở hạ tầng, trình độ phát triển của thị trường và trình độ phát triển kinh doanh; 2 trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm: Sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ, tác động).
Theo kết quả phân tích, đánh giá, các địa phương tham gia thử nghiệm được chia thành bốn nhóm, nhóm dẫn đầu gồm hai địa phương; nhóm thứ hai là gồm bốn địa phương; nhóm thứ ba gồm tám địa phương, và bốn địa phương thuộc nhóm cuối cùng. Thứ trưởng Bùi Thế Duy phân tích, các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương phát triển kinh tế-xã hội và có hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo mạnh mẽ. Nhóm cuối là các địa phương có hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội và trong hoạt động khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Với mỗi địa phương, kết quả đánh giá, xếp hạng của từng chỉ số, nhóm chỉ số và trụ cột được trình bày trong một bảng thông tin tổng hợp. Ðồng thời, năm điểm mạnh và năm điểm yếu của mỗi địa phương cũng được chỉ rõ. Trên cơ sở các thông tin chi tiết này, địa phương có thể nhận diện được các vấn đề cần chú trọng để chỉ đạo, điều hành xây dựng và thực hiện các biện pháp, giải pháp thúc đẩy kinh tế-xã hội dựa trên khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần nâng cao năng lực kinh doanh, năng lực cạnh tranh, năng lực đổi mới sáng tạo của địa phương và của quốc gia.
Vừa qua, chuyên gia quốc tế độc lập do WIPO chỉ định đã kiểm định độc lập bộ chỉ số do Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng. Kết quả, khung chỉ số và các chỉ số thành phần được thiết kế phù hợp, phản ánh được hiện trạng của đối tượng được đo lường; các bước xử lý dữ liệu, tính toán điểm số và thứ hạng đều được thực hiện đầy đủ, chính xác, minh bạch và đáng tin cậy...