Ghi nhận của phóng viên ở các vựa trồng lớn khu vực phía nam cho thấy, hiện nay có hàng nghìn héc-ta thanh long đang bị bà con nông dân chặt bỏ vì thua lỗ.
Giá bán bấp bênh
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cây thanh long hằng năm tạo việc làm thường xuyên cho 70.000 đến 80.000 lao động vùng nông thôn. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhất là từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều nông dân đã chặt bỏ thanh long, chuyển sang trồng các loại cây khác. Vừa qua, gia đình anh Ung Thanh Thiện, xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc đã thuê phương tiện và nhân công để nhổ bỏ hơn 3.000 gốc thanh long. Anh cho biết: “Tôi trồng 3 ha thanh long được hơn 5 năm. Lúc trước, thanh long được giá, khoảng từ 15.000 đến 16.000 đồng/kg, hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá thanh long xuống thấp, có lúc thương lái không mua, gia đình thất thu, vốn không còn nên buộc phải nhổ bỏ. Dự định gia đình sẽ chuyển sang trồng cỏ chăn nuôi bò để có nguồn thu nhập”. Tại xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam, anh Nguyễn Thế Anh cũng thuê phương tiện nhổ bỏ 3.000 trụ thanh long đang trong giai đoạn ra trái nhiều nhất. Anh chia sẻ: “Trong ba lứa thanh long gần nhất, vườn cây ra trái rất tốt, thế nhưng lứa nào cũng rớt giá thê thảm, giá bán không quá 5.000 đồng/kg. Tiền bán thanh long không đủ trả tiền điện chong đèn, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công chăm sóc. Sau khi nhổ bỏ, gia đình tôi dự tính chuyển sang trồng mít, mãng cầu hay dừa xiêm. Chứ như giá bán hiện nay và giá vật tư đầu vào tăng thì không thể giữ nổi vườn thanh long nữa”.
Theo những nhà vườn ở tỉnh Bình Thuận, năm nay, giá thanh long liên tục xuống thấp và gần như không có thương lái hay doanh nghiệp xuất khẩu thu mua khiến bà con nông dân không mặn mà sản xuất. Ông Phạm Hải ở xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam có 1.700 trụ thanh long hiện nay cũng đã phá bỏ 1.000 trụ để chuyển qua trồng mít và mãng cầu, còn 700 trụ vẫn giữ nhưng chỉ bơm nước tưới và bón ít phân cầm chừng để duy trì vườn với hy vọng giá tăng trở lại.
Thanh long từng được xem là cây xóa đói, giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống người dân ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Đông, Gò Công Tây (Tiền Giang). Tuy nhiên, thời gian qua, giá bán bấp bênh, chi phí sản xuất tăng cao, người trồng thanh long thua lỗ nên nhiều nông dân cũng đã chặt bỏ để chuyển sang trồng loại cây khác. Ông Nguyễn Văn Trực, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo trồng 0,3 ha thanh long được 7 năm tuổi. Hiện nay, gia đình ông đã chặt bỏ toàn bộ để chuyển sang trồng cỏ nuôi bò. Ngồi thẫn thờ trên bờ vườn thanh long, ông Trực tâm sự: “Lúc trước, người dân chúng tôi chủ yếu trồng lúa, rau màu.
Thấy nhiều người trồng thanh long mang lại hiệu quả cao nên ai nấy đều chuyển sang trồng loại cây này. Những năm đầu, vườn thanh long của gia đình tôi cho năng suất khá, giá bán cao nên lợi nhuận mang lại nhiều. Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, chẳng bao lâu, giá bán thanh long luôn ở mức thấp, chi phí sản xuất tăng cao nên hai năm qua gia đình thua lỗ hơn 50 triệu đồng”. Không riêng gia đình ông Trực, nhiều hộ ở các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây cũng phá bỏ những khu vườn trồng thanh long kém hiệu quả, để chuyển sang các loại cây trồng khác hoặc trồng cỏ nuôi bò.
Thận trọng khi chặt bỏ thanh long
Theo quy hoạch, vùng trồng thanh long tập trung của Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025 là 30.000 ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có diện tích hơn 33.750 ha trồng thanh long, vượt gần 4.000 ha so với quy hoạch. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, từ đầu năm 2022 đến nay diện tích thanh long trên địa bàn giảm 2.171 ha, trong đó nhiều nhất tại ba huyện: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình và Hàm Thuận Nam. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Bắc Lê Kim Luân cho biết, toàn huyện có hơn 9.300 ha trồng thanh long. Hiện nay, bà con nông dân chủ yếu chăm sóc cầm chừng duy trì cây, chờ thị trường ổn định mới tiếp tục đầu tư.
Từ cuối tháng 2 đến nay, hầu như không có hộ dân nào chong đèn để cây ra trái vụ nữa. Trong khi những năm trước, thời gian này, hầu hết các vườn đều chong đèn sản xuất trái vụ. Nguyên nhân việc nông dân không giữ lại vườn thanh long, một mặt do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được, giá thanh long xuống thấp trong thời gian dài; mặt khác, vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao. Ngoài ra, một số diện tích thanh long già cỗi, sinh trưởng kém, năng suất thấp nên người dân chủ động chặt bỏ để thay thế bằng cây trồng khác như: dừa, mít, xoài, chuối hoặc trồng rừng...
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Đến cuối năm 2021, diện tích trồng thanh long của tỉnh gần 9.500 ha, sản lượng khoảng 240.000 tấn, trong đó xuất khẩu chính ngạch ước khoảng 3.000 tấn, xuất khẩu tiểu ngạch 150.000 tấn, cung cấp cho nhà máy chế biến 25.000 tấn và tiêu thụ nội địa dạng tươi khoảng 62.000 tấn. Trong năm 2021, do ảnh hưởng dịch Covid-19, tình hình tiêu thụ thanh long tương đối chậm, có thời điểm giá chỉ còn từ 1.000 đến 4.000 đồng/kg. Từ sau Tết Nguyên đán 2022 đến nay, tình hình tiêu thụ thanh long cũng không mấy khả quan”. Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh Tiền Giang đã khuyến cáo nông dân không nên vội phá bỏ vườn thanh long nhưng nhiều hộ không còn vốn đầu tư, buộc phải chuyển đổi. Qua thống kê, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 500 ha cây thanh long bị phá bỏ.
Ngành nông nghiệp Bình Thuận cũng khuyến cáo người dân cần thận trọng và tính toán kỹ trước khi nhổ bỏ thanh long; tập trung chăm sóc với chi phí thấp nhất để bảo vệ vườn cây; tỉa bỏ cành, hoa, quả phù hợp, bảo đảm duy trì, dưỡng lại vườn và chuyển sang các mô hình canh tác thanh long bền vững, an toàn theo các tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận Phan Văn Tấn cho biết, để thực hiện các giải pháp nhằm ổn định sản xuất, thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tăng cường quản lý sản xuất, phối hợp UBND các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh tăng cường thông tin tuyên truyền tránh để người dân hoang mang lo lắng, dẫn đến phá bỏ thanh long đồng loạt; đồng thời quy hoạch lại vùng trồng thanh long trên địa bàn, ưu tiên xây dựng các vùng trồng tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đối với diện tích thanh long già cỗi, đề xuất trồng mới hoặc thay thế những cây trồng khác có tiềm năng phát triển.
Bên cạnh đó, sở tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp tập trung sản xuất thanh long theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, thanh long hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường xuất khẩu. Mặt khác, phối hợp các địa phương để chỉ đạo sản xuất thanh long theo nhu cầu thị trường, trên cơ sở đó hằng tuần sẽ cập nhật tình hình sản xuất và tiêu thụ, giá cả của từng địa phương cũng như các tổ chức, cá nhân có nhu cầu hỗ trợ tiêu thụ; đẩy mạnh liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ thanh long nhằm bảo đảm đầu ra và giá bán ổn định; nghiên cứu, xây dựng và triển khai các mô hình chuyển đổi cây trồng phù hợp theo từng vùng sản xuất, phù hợp với từng địa bàn để khuyến cáo, chuyển giao cho người dân thay thế diện tích thanh long già cỗi, năng suất kém nhằm đa dạng cây trồng, hạn chế rủi ro góp phần phát triển ngành hàng thanh long ổn định, bền vững hơn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, thị trường tiêu thụ thanh long đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong những năm tới, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và một số nước như Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản… nhưng xét về nhu cầu thì sẽ không có tăng trưởng đột biến.
Mặt khác, một số nước đang đẩy mạnh sản xuất thanh long như Trung Quốc, Ấn Độ… sẽ làm thị trường tiêu thụ của chúng ta hẹp lại. Vì vậy, việc sản xuất thanh long cần tập trung nâng cao về chất lượng và giải quyết đầu ra để nâng cao chuỗi giá trị và hiệu quả sản xuất. Trong đó, tỉnh Tiền Giang sẽ chú trọng sản xuất theo mô hình liên kết, nâng cao chất lượng trái thanh long đạt tiêu chuẩn xuất khẩu; tạo điều kiện thực hiện liên kết chuỗi giá trị với các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giúp sản xuất thanh long đạt hiệu quả và bền vững.
Bài và ảnh: Phúc Châu Sự