Câu chuyện về cách thức sáng tác và dẫn dắt trẻ nhỏ vào thế giới của văn học đã được nhà văn chia sẻ trong buổi gặp gỡ với bạn đọc Việt Nam nhân dịp bà có mặt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nhà văn Lê Phương Liên, Phó trưởng ban Văn học Thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, khi hòa bình lập lại ở Việt Nam, các nhà văn đã dần dần thể hiện cuộc sống của trẻ em giai đoạn này qua các tác phẩm văn học, theo cách truyền thống là đưa các bài học giáo huấn vào, và thời gian thay đổi cũng khiến cho những bài học giáo huấn ấy trở nên khiên cưỡng trong các tác phẩm dành cho thiếu nhi. Bà chia sẻ: “Khi chúng tôi “gặp” các tác phẩm của Hwang Sun mi, thấy cách viết, cách thể hiện thế giới trẻ thơ trong sách của chị rất khác. “Cô gà mái xổng chuồng” kể về niềm khao khát được làm mẹ, được thoát ra ngoài thế giới chuồng trại của cô gà công nghiệp thật mãnh liệt, nhưng cũng thật buồn.
Nhà văn Hwang Sun mi chia sẻ, những năm 1970-1980 ở Hàn Quốc, các tác phẩm văn học cũng phân biệt rạch ròi thiện ác, tốt xấu như vậy, cái thiện luôn thắng cái ác và kết thúc thì luôn có hậu. Khi đó, những bài học mang tính chất giáo huấn như vậy không chỉ có ở trong sách dành cho trẻ nhỏ, mà ở nhà hay ở trường, các em cũng đều được hướng tới điều này. Bà nói: “Tôi cho rằng bản chất của văn học là phải đa chiều. Một tác phẩm văn học có giá trị phải vượt qua được sự giáo huấn như vậy. Trong cuốn “Cô gà mái xổng chuồng”, tôi đã xây dựng cả hai nhân vật cô gà Mầm Lá và mụ Chồn đều không phải là những nhân vật hoàn toàn tốt hoặc hoàn toàn xấu. Mầm Lá có tình mẫu tử thì mụ Chồn cũng vậy”. Bà cho rằng, thế giới vô cùng đa dạng và nhiều sắc màu, nên để trẻ em nhìn nhận thế giới theo đúng nhãn quan của mình. “Khi viết, tôi thường đặt mình vào vị trí, suy nghĩ của các em để viết. Một tác phẩm không cứng nhắc sẽ dễ dàng gần gũi với các em nhỏ hơn”.
Nữ nhà văn và một bạn đọc Việt Nam.
Không khó để nhận ra hầu hết các tác phẩm của Hwang Sun mi đều có kết thúc buồn, thậm chí có cả những cái chết. Nữ nhà văn cho biết, đã từng có nhiều phụ huynh phản ứng về những cái chết trong tác phẩm của Hwang Sun mi, và cho rằng cách bà viết như vậy làm ảnh hưởng đến cái nhìn tươi sáng của con trẻ. Ngay trong buổi giao lưu, một nữ độc giả Việt Nam cũng cho biết con gái nhỏ của chị đã khóc và bị ám ảnh rất nhiều sau khi đọc sách của bà. Tuy nhiên, bà cho rằng, trong cuộc sống, cái chết, sự chia ly, nhưng giọt nước mắt là một phần của cuộc sống. “Chúng ta không thể né tránh nếu một ngày nào đó chúng ta sẽ phải đối đầu với những chuyện này. Đây không chỉ là những trải nghiệm của bản thân tôi mà là thực tế mà các em sẽ phải trải qua, có thể là cái chết của con vật cưng, hoặc sự chia ly với người thân… Nếu tôi không đề cập đến, các em cũng vẫn phải trải qua. Vì vậy nhắc đến những điều này trong văn học khiến cho các em nhận thấy cuộc sống có rất nhiều mặt, và chúng ta phải sống, phải gạn lọc bằng những giọt nước mắt của chúng ta như thế nào để cuộc sống trở nên tích cực hơn”.
Nữ nhà văn Hwang Sun mi có một tuổi thơ không êm ả gì. Bố của bà bảo lãnh nợ cho bạn, và gia đình bà trở nên k hánh kiệt. Bảy tuổi, bà đã phải đi làm kiếm tiền và mẹ bà đã từng ném cặp sách của con gái vào bếp lửa. Những vết thương hằn sâu mãi trong tâm hồn nữ tác giả và phần nào ảnh hưởng đến những gì bà viết. Văn học đã phần nào hàn gắn những vết thương đó, và trở niềm tự hào khi những tác phẩm của bà đã vượt ra khỏi biên giới Hàn Quốc, được dịch ra chín thứ tiếng và bán được hàng triệu bản. Bây giờ, cuộc sống của bà như một nữ nông dân: trong tuần ở thành phố viết lách, cuối tuần về ngôi nhà nhỏ ở ven thành phố cuốc đất trồng rau. Có lẽ chính vì thế, các tác phẩm của bà mới gần gũi và đậm chất thiên nhiên, điều đem lại sức hấp dẫn lớn nhất với con trẻ.