Nguy cơ từ dịch cúm gia cầm

Trong khi cả thế giới còn đang quay cuồng với sự bùng phát của biến thể Omicron thì trong hoang dã, cúm gia cầm H5N1 cũng đang lây lan nhanh chóng và có nguy cơ trở thành "đại dịch" đối với các loài chim, đe dọa các đàn gia cầm trên toàn cầu và thậm chí làm gia tăng rủi ro sức khỏe đối với con người.

Các nhân viên người Anh tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.
Các nhân viên người Anh tiêu hủy gia cầm mắc bệnh.

Tổ chức Thú y thế giới (OIE) mới đây đã đưa ra cảnh báo dịch cúm gia cầm tại châu Á và châu Âu tiềm ẩn nguy cơ lây lan sang người do có số lượng biến thể cao. Sự lây lan của dịch cúm gia cầm H5N1, nhất là biến thể độc lực cao (HPAI), đã làm dấy lên những lo ngại cho các chính phủ và ngành chăn nuôi gia cầm trên toàn thế giới trong bối cảnh những đợt bùng phát dịch từ cuối năm 2021 đã buộc các nhà chức trách phải tiêu hủy hàng chục triệu con gia cầm và dẫn đến các lệnh hạn chế buôn bán, nhập khẩu các sản phẩm gia cầm ở nhiều quốc gia.

Theo thống kê của OIE, trong quý IV/2021, trên thế giới đã có 15 nước bùng phát dịch cúm gia cầm, trong đó hầu hết là chủng H5N1. Italia là quốc gia bùng phát dịch mạnh nhất ở châu Âu với 285 ổ dịch, khiến gần 4 triệu con gia cầm bị tiêu hủy. Ðầu tháng 2/2022, các nhà chức trách Tây Ban Nha cho biết đã tiêu hủy hơn 130 nghìn con gà sau khi phát hiện một ổ dịch cúm gia cầm và cũng đã áp đặt khu vực cách ly 10 km chung quanh các trang trại. Các đợt bùng phát cúm gia cầm, thường do chim di cư hoang dã truyền sang vật nuôi, cũng đã được ghi nhận ở Pháp, Ðức, Anh, Séc, Hà Lan… Tại Hàn Quốc, tổng số gia cầm bị ảnh hưởng bởi dịch H5N1 đã lên tới hơn 4,8 triệu con tính từ tháng 11/2021.

Cơ quan giám sát an toàn thực phẩm của Canada mới đây thông báo, việc phát hiện bệnh cúm gia cầm trong một đàn gia cầm ở bang Nova Scotia đã dẫn đến các hạn chế thương mại quốc tế đối với một số sản phẩm gia cầm. Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc đã áp đặt các hạn chế đối với các sản phẩm gia cầm từ Canada, bao gồm gia cầm sống, thịt gia cầm và trứng.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), các loài chim hoang dã thường truyền bệnh cúm cho nhau qua tiếp xúc trực tiếp. Trong khi các loài chim hoang dã sẽ không có dấu hiệu khi mắc bệnh cúm, thì H5N1 có thể gây tử vong hàng loạt cho gia cầm. Trong bối cảnh dịch cúm gia cầm đang gia tăng trên khắp nước Mỹ, các chuyên gia nhấn mạnh việc lây truyền sang người là rất hiếm, nhưng có thể gây tử vong. Giáo sư Carol Cardona (C.Ca-đô-na) của Ðại học Minnesota cho biết, vi-rút cúm gia cầm thường có xu hướng chỉ lây lan trong khu vực bán cầu nơi chúng khởi phát. Do đó, các ca lây nhiễm xuất hiện tại Mỹ là điều khá bất ngờ, vì các biến chủng vi-rút ở châu Âu và châu Á hiếm khi lây lan đến Bắc Mỹ.

Các đợt bùng phát dịch cúm gia cầm thường bắt đầu vào mùa thu, với nguồn lây truyền chủ yếu là do các loài chim hoang dã di cư. H5N1 là một trong số ít các chủng cúm gia cầm đã lây truyền sang người. Tính đến đầu năm 2022, thế giới ghi nhận khoảng 850 người mắc H5N1, trong đó có 50% trường hợp mắc bệnh đã tử vong. Cúm gia cầm ở người có thể gây ra nhiễm trùng đường hô hấp từ nhẹ như chỉ sốt và ho, đến nặng như viêm phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tính, sốc và thậm chí tử vong. Viêm kết mạc (mắt đỏ), các triệu chứng liên quan tới đường tiêu hóa, viêm não cũng đã được báo cáo ở các mức độ khác nhau ở người.

Tổng Giám đốc OIE Monique Eloit (M.Ê-loa) nhấn mạnh, tình hình hiện nay rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn bởi sự xuất hiện của nhiều biến thể cúm gia cầm mới, khiến công tác kiểm soát dịch bệnh gặp nhiều khó khăn. Ðiều đáng lo ngại là những biến thể mới có thể biến đổi hoặc kết hợp với vi-rút gây bệnh cúm ở người, vốn có thể lây truyền nhanh chóng giữa người và người, để tạo ra những chủng vi-rút nguy hiểm hơn nữa ■

ÐOÀN HIẾU