Phóng viên Nhân Dân điện tử có mặt tại nơi được gọi là thủ phủ tôm hùm - xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên, chứng kiến một cảnh tượng đau lòng. Cả một bãi biển rộng lớn tan tác cảnh lồng bè nuôi tôm bị sóng đánh tả tơi.
Bà Nguyễn Thị Ngân ở thôn Vịnh Hòa xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu nghẹn ngào cố moi móc những gì còn sót lại trong các lồng tôm mới được vớt lên từ biển, hy vọng kiếm được con nào còn sót lại trong lồng đỡ con nấy. Với 20 nghìn con tôm hùm các loại, bà Ngân đã bỏ tiền đầu tư hơn hai tỷ đồng, nhưng chỉ sau một đêm, tất cả đã bị bão lũ cuốn trôi ra biển. Bà Ngân đau xót: “Lồng rách tan, trôi ra biển. Giờ phải cào mót, chẳng biết làm sao nữa, mất hết rồi”.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Linh và ông Nguyễn Thanh Quang cũng ở thôn Vĩnh Hòa, mỗi người nuôi khoảng 10 nghìn con tôm hùm. Trước bão, ông Quang và bà Linh đã dùng nhiều bao cát đè, chèn giữ lồng tôm, nhưng vẫn không thoát được sự tàn phá khốc liệt của thủy thần, mất trắng hoàn toàn. “65 lồng, 9.100 con tôm hùm; trong đó 4.000 tôm lớn gần xuất bán và 5.100 tôm nhỏ, tuổi bốn - năm tháng. Chỉ trong một đêm, bão lũ cuốn đi tất cả, tìm ba ngày rồi, lồng rách hết, còn có mười mấy con, giờ trắng tay rồi”, bà Linh khóc nức nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Quang cho hay: “Nuôi tôm hùm đã thấm thoắt 10 năm. Năm nay, tôi thả 10 nghìn con, nửa tôm xanh, nửa tôm sao. Bão ập tới, phòng chống cỡ nào cũng không chịu nổi. Mất hết rồi”.
Thiệt hại ít hơn, những ngày này, ông Trần Xuân Long lầm lũi tìm kiếm, khiêng từng chiếc lồng bị sóng biển đánh méo về sửa sang lại. 4.000 con tôm hùm xanh trôi theo dòng nước lũ ra biển, trắng tay 250 triệu đồng. Như đứt từng khúc ruột, ông Long nói: “Biết là bão lớn, mỗi lồng tôi giằng 50 bao cát, nhưng cũng bị nuốt trắng".
Thị xã Sông Cầu có 29 nghìn lồng, 1.300 bè nuôi trồng thủy sản, lớn nhất tỉnh Phú Yên. Trước bão số 12, hầu hết các lồng, bè đều được gia cố, chằng chống. Tuy nhiên, do gió giật mạnh, lũ đổ về, đã có 97 bè nuôi trồng thủy sản ở đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài bị vỡ, hư hỏng nặng, thiệt hại hơn 394.360 con tôm hùm, chủ yếu ở xã Xuân Thịnh.
Chia sẻ mất mát với bà con ngư dân nuôi tôm hùm, ông Lương Công Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thị xã Sông Cầu tâm sự: “Lượng mưa quá lớn, mất mát nhiều. Hiện chỉ căn cứ số liệu người dân báo, chứ thực tế thiệt hại còn cao hơn. Nước lũ gây ngọt hóa còn nhiều, người dân không dám đưa lồng lên, nên chưa thể đánh giá số lượng chính xác. Chúng tôi sẽ kiến nghị các cấp, ngành tiếp tục khoanh, giãn nợ và tiếp tục cho vay để người dân tái thả nuôi vụ tới, khôi phục sản xuất”.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, đợt bão lũ vừa qua, toàn tỉnh có hàng nghìn lồng, bè nuôi tôm hùm thương phẩm, 23 bè tôm hùm giống bị cuốn trôi, thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Đối với thị xã Sông Cầu, từ năm 2016 đến nay, nghề nuôi tôm hùm liên tục bị thiệt hại do mưa lũ, dịch bệnh. Tỉnh Phú Yên và ngành ngân hàng đã nhiều lần giãn nợ vay để người dân có cơ hội tái thả nuôi, nhưng không mang lại kết quả; trong đó, mưa lũ gây thiệt hại nặng nề nhất, người dân liên tục gặp khó khăn, mất mát lớn, nhiều hộ không còn khả năng trả nợ ngân hàng.
Người dân xã Xuân Thịnh vớt vát từng con tôm hùm chết, sửa sang lại lồng bè để tiếp tục thả nuôi vụ tới.