Người Dao Tiền thương nhau như anh em một nhà

Việc giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn được coi là trách nhiệm của cả cộng đồng. Ðồng thời cũng rất nghiêm khắc với những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức như phá rừng, quan hệ trai gái bất chính, trộm cắp. Vì vậy, trong cộng đồng người Dao Tiền hầu như không có tình trạng vi phạm pháp luật, hoặc sa vào các tệ nạn xã hội.

Có cộng đồng cùng giúp sức

Hoàn cảnh gia đình anh Bàn Văn Thông ở xóm Tằm, xã Cao Sơn, huyện Ðà Bắc thật éo le. Chồng điếc, vợ câm. Hai con gái sinh đôi cũng bị điếc câm bẩm sinh. Do cả nhà bị tàn tật nên kinh tế gia đình khó khăn, thiếu đói quanh năm. Trước hoàn cảnh đáng thương đó, cộng đồng người Dao Tiền họp bàn, kêu gọi mọi người giúp đỡ họ. Nhiều người đã gửi tiền, gạo, quần áo  ủng hộ anh chị. Những người Dao ở xóm Tằm còn hỗ trợ giống, vốn và nhân lực để anh Thông có đủ khả năng canh tác trên diện tích 2.000 m2 ruộng lúa nước và hơn 2.000 m2 đất bãi trồng ngô. Ðoàn viên thanh niên trong xóm còn nạo vét hơn 1.000 m2 đầm lầy của xóm thành ao để anh Thông thả cá cải thiện bữa ăn hằng ngày. Nhờ sự cưu mang, đùm bọc của bà con mà gia đình anh Thông vượt qua khó khăn, từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Triệu Phúc Vinh, Ủy ban MTTQ xã Cao Sơn (Ðà Bắc) cho biết, hầu hết những người có hoàn cảnh khó khăn đều được dân làng giúp đỡ như gia đình anh Bàn Văn Thông. Năm trước, khi được tin ở xóm Bon, xã Tân Pheo (Ðà Bắc) có hai cháu nhỏ mồ côi cả cha lẫn mẹ, nhiều người đã gửi tiền, quần áo, xoong nồi đến giúp đỡ. Người Dao ở xóm Bon còn giúp hai cháu có việc làm phù hợp để ổn định cuộc sống lâu dài.

Ngoài việc giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn thì việc giữ đất, giữ rừng cũng được người Dao Tiền rất coi trọng. Người Dao Tiền coi rừng là nơi nuôi sống con người, cháy rừng là phá đi nguồn sinh sống của con người. Do vậy người nào làm nương để cháy rừng với diện tích gieo được khoảng 15 kg thóc giống (diện tích này người Dao Tiền gọi là một dậu) sẽ phải làm kiểm điểm trước cộng đồng và bị phạt một nén bạc. Do vậy người Dao rất sợ làm rừng bị cháy.

Xóa bỏ những hủ tục lạc hậu

Trước đây người Dao Tiền có quan niệm nhà nào có người chết là mang lại những điều không may cho làng nên họ rất sợ phải đi đưa ma và thăm hỏi gia đình có người mất. Vì vậy phát sinh thủ tục, mỗi khi nhà ai có người chết thì người nhà phải đến từng gia đình trong làng lạy từ ngoài cửa cầu xin mọi người đi đưa ma cho nhà mình. Và người chết không được cho vào quan tài ở trong nhà mà phải đưa ra ngoài rừng làm các thủ tục. Trước tình hình đó, khi tổ chức họp ở xóm Nánh, xã Tân Mai (Mai Châu) cộng đồng đưa ra bàn bạc và cho rằng đây là một tục lệ cổ hủ không hợp với đạo lý nên đã quyết định hủy bỏ. Do vậy, khi gia đình nào có người chết được xóm, cộng đồng thông báo trên loa đài thì mọi người đến thăm hỏi và đưa tiễn về nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong quan hệ hôn nhân trước đây, để gia đình nhà gái đồng ý cho chàng trai lấy con gái mình thì chàng trai phải đi làm công ba năm cho nhà gái. Nếu ba năm đó bố mẹ cô gái "ưng cái bụng" thì hai gia đình mới bàn đến chuyện cưới hỏi. Còn nếu bố mẹ cô gái không đồng ý thì hai người không được lấy nhau. Việc này cũng được dân làng đưa ra bàn và cho rằng đây là việc làm không hợp lý nên đã quyết định bỏ việc làm công ba năm, cho phép gái trai được tự do tìm hiểu nhau trước khi tiến tới hôn nhân.

Người có tội phải rửa tội

Ðã 30 năm trôi qua nhưng cộng đồng người Dao Tiền vẫn không quên được câu chuyện của ông Ðặng Văn Ph. ở xóm Mó Nẻ, xã Vầy Nưa (Ðà Bắc) xảy ra vào năm 1978. Ông Ph. có con cái đề huề nhưng lại quan hệ bất chính với một người đàn bà đã có chồng ở cùng xóm. Hai người chung sống với nhau như vợ chồng. Khi bị con cái của hai bên gia đình phát hiện, phản đối, họ đã cùng nhau ăn lá ngón để tự vẫn, nhưng không chết. Trước sự việc tày đình như vậy, ngoài việc xử lý của các cơ quan pháp luật thì cộng đồng người Dao cũng họp bàn và tiến hành xử theo lệ riêng của cộng đồng. Theo đó ông Ph. phải nộp phạt cho làng một nén hai bạc và phải làm lễ rửa tội. Lễ rửa tội bao gồm hai con lợn cùng rượu nhằm mục đích mong các thần linh tha thứ cho tội lỗi của mình. Người phạm tội còn phải tường trình  tội lỗi của mình trước cộng đồng và hứa không bao giờ tái phạm. Tương tự năm 1993, ông Triệu Văn H. ở xóm Tằm, xã Cao Sơn (Ðà Bắc) "quan hệ" với bà Triệu Thị H. là người cùng xóm, bị nhân dân phát giác và xử phạt. Bà H. phải trả lại số tiền mà ông H. đã đưa cho bà trong thời hai người có quan hệ. Cả hai người phải kiểm điểm, hứa trước cộng đồng chấm dứt mối quan hệ bất chính này.

Trong cộng đồng người Dao Tiền, mọi tội lỗi đều phải xử phạt và phải làm lễ rửa tội dù là tội nhỏ nhất. Mới đây, Lý Văn Q. ở xóm Tằm, xã Cao Sơn phạm tội ăn cắp 300 nghìn đồng của anh Triệu Văn Thắng là người cùng xóm. Tuy không bị pháp luật trừng phạt, cộng đồng người Dao ở xóm Tằm đã phạt 200 nghìn đồng và đưa ra trước cộng đồng kiểm điểm và làm lễ rửa tội. Ông Bàn Văn Toàn, trưởng xóm Tằm cho biết, xóm có 74 hộ dân, gần 400 người, từ khi vụ Lý Văn Q. được xử lý công khai cả xóm không xảy ra bất kỳ một vụ việc nào dù là nhỏ nhất. Bởi nhiều người rất sợ khi phải công khai tội lỗi, khuyết điểm của mình trước cộng đồng. Có thể xem đây là biện pháp răn đe, phòng ngừa tội phạm có hiệu quả trong cộng đồng người Dao Tiền ở Hòa Bình.

NGỌC OANH và VIỆT LÂM