Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh (1-7-1915 - 1-7-2015)

Người cầm lái số một những năm đầu đổi mới

Đồng chí Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta thời đổi mới. Ngay từ buổi đầu, đồng chí đã ghi đậm dấu ấn về một nhà lãnh đạo giàu bản lĩnh và có phong cách rất độc đáo. Phát biểu khai mạc Đại hội VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí nêu rõ: "Đại hội lần này phải đánh dấu sự đổi mới của Đảng ta về tư duy, phong cách, tổ chức và cán bộ. Đó là đòi hỏi bức thiết của đất nước".

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm và nói chuyện với bà con nông dân Hợp tác xã Tùng Phong, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh (từ ngày 23 đến 27-5-1990). Ảnh: XUÂN LÂM (TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh về thăm và nói chuyện với bà con nông dân Hợp tác xã Tùng Phong, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh (từ ngày 23 đến 27-5-1990). Ảnh: XUÂN LÂM (TTXVN)

Được bầu làm Tổng Bí thư, đồng chí nói: "Trình độ của Tổng Bí thư so với nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị, trong Ban Chấp hành Trung ương không xa cách nhau bao nhiêu, ly lai như sợi tóc, điều cốt yếu là phát huy được trí tuệ của tập thể, bổ sung cho nhau mặt mạnh, khắc phục mặt yếu, giữ vững nguyên tắc tập thể lãnh đạo cá nhân phụ trách".

Đại hội VI nêu lên quan điểm đánh giá tình hình và xử lý công việc là: "Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật". Đồng chí Nguyễn Văn Linh nêu lên một tấm gương tiêu biểu về việc thực hiện quan điểm đó, được mến mộ gọi là "ông nói thẳng, nói thật".

Chỉ ba tháng sau Đại hội VI, tại Hội nghị Trung ương lần thứ hai bàn và giải quyết những vấn đề cấp bách về phân phối lưu thông, khi phân tích tình hình lạm phát phi mã đang diễn ra, đồng chí nói: "Không cần phải suy nghĩ nhiều, mỗi người chúng ta đều thấy rõ, hiện nay lạm phát đang là vấn đề nghiêm trọng nổi lên trong nền kinh tế nước ta. Nó được biểu hiện trên bề mặt xã hội đến mức mà mỗi bà nội trợ, mỗi người dân đều cảm nhận được hằng ngày".

Đến Hội nghị Trung ương lần thứ tư bàn về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội ba năm 1988 - 1990 và năm 1988, ngày 8-12-1987, đồng chí nói thẳng với các đồng chí Trung ương: "Tuy không nói công khai, nhưng chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận là nước ta đang lâm vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng".

Mười ngày sau, ngày 19-12-1987, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa VIII, thì đồng chí nêu công khai điều đó: "Nếu chúng ta không có nỗ lực lớn, không có biện pháp mới quyết liệt mà cứ tiếp tục làm theo đường mòn thì từ tình hình đang xuống dốc hiện nay, chúng ta sẽ lăn xuống đáy dốc. Như vậy thì tình hình nước nhà sẽ khó khăn lắm. Chủ nghĩa tư bản gọi đó là "phá sản", còn chủ nghĩa xã hội thì không được quyền nói như thế. Nhưng chúng ta coi chừng đó, xuống đáy dốc rồi thì leo lên khó lắm". Đồng chí còn nhấn mạnh: "Những sai lầm do duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp làm cho nhà nước ta làm ăn thua lỗ, chẳng những ăn hết vốn tự có mà còn ăn cả vào vốn cho vay và giúp đỡ, cả vào vốn đi vay bằng đô-la của một số nước. Nói nôm na như là nấu nồi cơm, ăn hết cơm rồi vét cháy ăn, rồi ăn luôn cả nồi. Bây giờ cái túi ta rỗng và thủng, ta phải thấy tình hình này, nhưng không bi quan, phải tìm con đường giải quyết".

Vậy đấy! Đồng chí Nguyễn Văn Linh cái gì cũng nói thẳng, nói thật, nói tận gốc rễ vấn đề. Nói thẳng, nói thật về các vấn đề kinh tế - xã hội để rồi dẫn dắt đất nước từng bước khắc phục khủng hoảng, ra khỏi "đường hầm không lối thoát". Nói thẳng, nói thật về các vấn đề chính trị, về xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước, về xử lý các vấn đề phức tạp trong quan hệ quốc tế để làm cho Đảng và Nhà nước ta vững mạnh hơn, nước ta có vai trò ngày càng xứng đáng trên trường quốc tế.

Giữa lúc cải tổ, cải cách ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu có biến động dữ dội, chao đảo trong xu hướng đa nguyên, đa đảng, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng Trung ương kiên trì thực hiện đổi mới có nguyên tắc - đổi mới nhưng luôn giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra"...

Đồng chí Nguyễn Văn Linh tiêu biểu cho phong cách gần dân, sát dân, nghe dân nói và nói cho dân nghe, nói đi đôi với làm. Đồng chí đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, lý luận, báo chí, văn học nghệ thuật.

Dự lễ khai giảng lớp nâng cao trình độ khóa VIII của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, ngày 6-5-1987, đồng chí nói: "Để tiến hành công cuộc đổi mới ở bất cứ lĩnh vực nào, cần phải chuẩn bị trước về cơ sở lý luận. Sự khám phá về lý luận phải là tiền đề và điều kiện cơ bản làm cơ sở cho sự đổi mới trong hoạt động thực tiễn". "Nói đổi mới tư duy, điều căn bản là phải đổi mới tư duy lý luận". Đồng chí khen Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc "đã tham gia nghiên cứu, tổng kết những vấn đề thực tiễn phức tạp, tích cực ủng hộ những cách nghĩ, cách làm đổi mới đúng đắn ngay từ lúc mới nảy sinh", nhưng lại nói: "Có lẽ hiện nay, chúng ta nên khen nhau ít thôi vì những điều chúng ta tự vừa lòng còn quá nhỏ mà những điều chưa tự vừa lòng thì quá lớn".

Tại cuộc gặp thân mật với một số văn nghệ sĩ và nhà hoạt động văn hóa, ngày 6 và 7-10-1987, khi nghe văn nghệ sĩ yêu cầu được "cởi trói", đồng chí bày tỏ sự thông cảm. Và nói: "Hãy tự cứu lấy mình trước khi trời cứu. Mình phải chặt chẽ với mình. Khi thấy mình là đúng, có ý thức xây dựng thì phải kiên quyết bảo vệ chân lý, phải dũng cảm"."Tôi nghĩ dù thế nào các đồng chí cũng không nên uốn cong ngòi bút của mình". "Phải lên án mạnh mẽ và làm sao cho toàn xã hội căm ghét cái xấu". "Tả chân xã hội chủ nghĩa nếu không làm cho con người hướng tới tương lai tốt đẹp với một niềm tin lớn để vượt qua khó khăn trong hiện tại thì không đúng với lòng mong muốn của chúng ta. Công chúng khi thưởng thức tác phẩm của chúng ta không chỉ thấy tối sầm mà phải thấy được ánh sáng để nhảy qua bóng tối".

Tại cuộc làm việc của Ban Bí thư Trung ương Đảng với các nhà báo trong nước ngày 25-5-1988, đồng chí nói thẳng quan điểm của mình về hai loại ý kiến "tô hồng" và "bôi đen". "Báo chí không nên một chiều ca ngợi, tô hồng, chỉ toàn nói cái hay, cái đẹp. Báo chí chống tiêu cực không phải bôi đen chế độ mà là đẩy lùi bóng tối, làm cho ánh sáng chói chang hơn. Như người trồng lúa phải nhỏ cỏ, bắt sâu thì lúa mới lên xanh được".

Với Báo Nhân Dân , đồng chí Nguyễn Văn Linh có sự chăm sóc chân tình, đã nhiều lần đến thăm cơ quan báo và làm việc với Ban Biên tập. Phát biểu tại lễ kỷ niệm 40 năm Báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1991), đồng chí "mong muốn đội ngũ những người làm Báo Nhân Dân kiên trì học tập tư tưởng và phong cách làm báo của Bác Hồ", "mong muốn Báo Nhân Dân cố gắng vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, vững vàng trong mọi tình thế, tiếp tục đổi mới, làm cho tờ báo của Trung ương Đảng tiếp tục xứng đáng là vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng và là người bạn gần gũi, đáng tin cậy của nhân dân".

Không phải ngẫu nhiên mà một ngày cuối tháng 5-1987, trong tư cách một cộng tác viên, đồng chí đã đích thân mang bài báo đầu tiên dưới bút danh N.V.L đến tòa soạn, mở ra chuyên mục "Những việc cần làm ngay", nghiêm khắc phê phán những việc làm tiêu cực trong xã hội, cả trong bộ máy quản lý và lãnh đạo, từng gây chấn động dư luận trong thời kỳ đầu đổi mới.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà theo tư tưởng chỉ đạo của đồng chí, Báo Nhân Dân đã kiên trì phấn đấu cho phương hướng, mục tiêu và nhiệm vụ đổi mới của Đảng, kiên quyết phê phán các luận điệu sai trái; và trong quá trình chuẩn bị Đại hội VII, đã mở một cuộc thảo luận dài ngày trên mặt báo, khẳng định "đổi mới nhưng không đổi màu", "định hướng chứ không đổi hướng", "hòa nhập mà không hòa tan", v.v.

Suốt cả nhiệm kỳ Đại hội VI, với vai trò là người cầm lái số một, đồng chí Nguyễn Văn Linh đã cùng tập thể Trung ương và Bộ Chính trị, vững tay chèo lái con thuyền đổi mới vượt qua mọi sóng cả gió to, tiến thẳng về phía trước. Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội VII, đồng chí đã có "mấy lời về cá nhân": "... Hơn bốn năm qua, tôi đã nhận được sự cộng tác, phối hợp, giúp đỡ chân tình của các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, của các cấp ủy đảng, các tập thể và cá nhân đồng chí, đồng bào. Dù biết mình có nhiều cố gắng, song tôi vẫn cảm thấy chưa làm được nhiều hơn nữa, có hiệu quả hơn nữa cho dân tộc, cho đất nước. Đó là điều tôi vẫn băn khoăn".

Thật là một lời nói thẳng, nói thật, khiêm nhường mà cao quý!

HÀ ĐĂNG

(Tháng 7-2015)