Ngư dân Quảng Bình đăng ký vay vốn đóng mới 454 tàu cá

NDO -

NDĐT - Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản do UBND tỉnh Quảng Bình tổ chức sáng 12-9, tại TP Đồng Hới.

Ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) đóng mới tàu xa bờ.
Ngư dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình) đóng mới tàu xa bờ.

Theo đó, sau khi Nghị định 67 được ban hành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Quảng Bình phối hợp với các địa phương trong tỉnh tuyên truyền để ngư dân nắm bắt nội dung và đăng ký nhu cầu vay vốn.

Đến ngày 10-9, ngư dân Quảng Bình đăng ký vay vốn đóng mới 444 tàu khi thác và mười tàu dịch vụ khai thác hải sản, với số vốn hơn 1.865 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo quyết định của Bộ NNPTNT, thì số tàu được đóng mới theo Nghị định 67 của tỉnh Quảng Bình là 85 chiếc. Do vậy, tỉnh Quảng Bình quy định các tiêu chí ưu tiên để xét chọn: Đối với tàu khai thác thì ưu tiên đối tượng có tiềm lực hơn về kinh tế, đối tượng đóng tàu có kích thước và công suất lớn hơn, đối tượng đã có tàu hoạt động hiệu quả ở vùng biển xa.

Đối với tàu dịch vụ thì ưu tiên đối tượng đóng tàu vỏ sắt, từng hoạt động dịch vụ khai thác hải sản, có năng lực tài chính hơn và ưu tiên địa bàn có tàu cá phát triển mạnh.

Để Nghị định 67 sớm đi vào cuộc sống, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Trần Văn Tuân chỉ đạo sớm thành lập ban chỉ đạo thực hiện các chính sách phát triển thủy sản cấp tỉnh và tổ thẩm định phương án vay vốn sản xuất kinh doanh của chủ tàu.

Sở NNPTNT Quảng Bình tổng hợp nội dung chính của Nghị định thành cẩm nang để tuyên truyền cho ngư dân. Rà soát lại danh sách đăng ký của ngư dân để lựa chọn thực hiện trên cơ sở các tiêu chí ưu tiên và xét duyệt từ cấp cơ sở.

Do Nghị định 67 và các thông tư hướng dẫn không quy định thống nhất mức giá trần đối với các loại tàu, do vậy, UBND tỉnh Quảng Bình giao cho Sở Tài chính và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu để ban hành quy định nội bộ áp dụng mức thống nhất giá trần cho đầu tư các tàu đóng mới, để tránh tình trạng chủ tàu thỏa thuận với đơn vị đóng tàu tự nâng khống giá trị con tàu nhằm trục lợi.

“Trong năm 2014, cố gắng lựa chọn đối tượng để thí điểm đóng mới khoảng 10 tàu cá theo chính sách hỗ trợ của Nghị định 67, sau đó sơ kết rút kinh nghiệm, khắc phục các hạn chế rồi mới nhân rộng”, ông Trần Văn Tuân nhấn mạnh.