Ngôn ngữ ký hiệu giúp trẻ điếc sẵn sàng tới trường

NDO -

NDĐT- Những kết quả ban đầu của Dự án "Giáo dục trẻ điếc tuổi đến trường" cho thấy việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu đã giúp trẻ điếc trước tuổi đến trường cải thiện khả năng phát triển ngôn ngữ và nhận thức cũng như khả năng giao tiếp, giúp các em có sự chuẩn bị tốt để vào lớp 1, sẵn sàng hòa nhập môi trường giáo dục phổ thông.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng các đại biểu trải nghiệm Ngôn ngữ ký hiệu
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cùng các đại biểu trải nghiệm Ngôn ngữ ký hiệu

Trang bị Ngôn ngữ ký hiệu như một phương pháp can thiệp sớm

Theo số liệu được đưa ra tại Hội thảo tổng kết dự án "Giáo dục trẻ điếc tuổi đến trường" chiều 16-6 tại Hà Nội, Việt Nam hiện có 15.500 trẻ từ 0-6 tuổi là trẻ điếc hoặc nghe kém.

Việc can thiệp sớm rất quan trọng đối với sự phát triển tương lai của trẻ điếc. Tuy nhiên, phần lớn trẻ điếc không tiếp cận được với hệ thống giáo dục mầm non hiện tại. Các em gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển tối đa năng lực. Bên cạnh đó, cha mẹ các em cũng thiếu những hỗ trợ chuyên môn để cải thiện tình trạng của con.

Theo nhận định từ dự án, can thiệp sớm đối với trẻ điếc ở Việt Nam chỉ bao gồm kiểm tra lâm sàng, can thiệp y tế, trị liệu bằng lới nói, chưa chú trọng việc sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu. Do vậy, khả năng phát triển toàn diện về tinh thần, nhận thức, tình cảm...trong những năm đầu đời bị giảm sút và khi lớn kên các em thường không được trang bị kiến thức và không có việc làm.

Dự án "Giáo dục trẻ điếc tuổi đến trường" (IDEO) được triển khai từ năm 2011 đến 2016 đã áp dụng mô hình xây dựng các nhóm hỗ trợ gia đình, bao gồm: một hướng dẫn viên người điếc, một phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu và một giáo viên người nghe để dạy Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ em điếc và gia đình tại nhà.

Trong vòng 5 năm, dự án đã giúp 255 trẻ điếc dưới 6 tuổi tại Hà Nội, Thái Nguyên, Quảng Bình, TP Hồ Chí Minh được học Ngôn ngữ ký hiệu và kiến thức cơ bản tại nhà.

Hàng trăm cha mẹ trẻ điếc đã có hiểu biết về Ngôn ngữ ký hiệu và tích cực tham gia vào các hoạt động của cộng đồng người điếc.

Trong năm học 2015-2016, 45 trẻ điếc từ 5-7 tuổi đã tham gia một lớp học thí điểm của dự án do giáo viên người điếc và giáo viên nghe phối hợp giảng dạy. Đánh giá ban đầu cho thấy việc sử dụng Ngôn ngữ ký hiệu đã giúp trẻ cải thiện khả năng phát triển ngôn ngữ, nhận thức cũng như khả năng giao tiếp. Điểm số phát triển ngôn ngữ của các em là 7,6/10 so với điểm số 8/10 của trẻ nghe ở lứa tuổi lên 5.

Thông qua Ngôn ngữ ký hiệu, khả năng giao tiếp hiệu quả trong gia đình sẽ giúp trẻ sẵn sàng trong việc học ở trường cũng như chia sẻ kiến thức và sự hiểu biết cùng cộng đồng trong tương lai.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng: "Ngôn ngữ ký hiệu giúp trẻ điếc được giao tiếp, học hành, hòa nhập trong môi trường giáo dục phổ thông" và đánh giá "Đây là một dự án nhân văn".

Nguồn nhân lực giáo dục trẻ điếc

Tầm quan trọng của việc trang bị Ngôn ngữ ký hiệu cho trẻ điếc ở giai đoạn sớm đặt ra vấn đề xây dựng nguồn nhân lực chuyên môn giáo dục cho trẻ điếc. Bên cạnh việc đào tạo và hỗ trợ trẻ điếc cũng như cha mẹ trẻ điếc, dự án đào tạo cho 55 người điếc trưởng thành trở thành hướng dẫn viên người điếc được cấp chứng nhận. Khoảng 200 giáo viên người nghe được tập huấn Ngôn ngữ ký hiệu để trợ giúp trẻ điếc, hơn 50 người nghe được đào tạo thành phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu.

Ông Achim Fock, Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới ở Việt Nam cho biết:" Những kết quả tích cực của dự án IDEO khẳng định sự hỗ trợ tại trường học của những giáo viên người điếc và người nghe đã qua đào tạo cùng phiên dịch viên Ngôn ngữ ký hiệu là cần thiết cho sự phát triển toàn diện của trẻ điếc".

Dự án IDEO được hướng tới ngành giáo dục với kỳ vọng những sáng kiến từ dự án được đưa vào chiến lược giáo dục cho trẻ điếc ở Việt Nam, từ đó, việc đầu tư vào nguồn nhân lực giáo dục trẻ điếc sẽ được chú trọng, giúp các trường và trung tâm duy trì hoạt động, đáp ứng nhu cầu giáo dục cho trẻ điếc.

Ngày 16-6, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa và ông Achim Fock đã cùng nhấn nút khai trương website tương tác chứa nhiều tài liệu, thông tin về giáo dục cho người điếc, từ điển Ngôn ngữ ký hiệu, các video bài học và trò chơi với ngôn ngữ ký hiệu dành cho trẻ điếc.Địa chỉ website tương tác: http://ideo.org.vn

Dự án IDEO được Quỹ Phát Triển Xã hội Nhật Bản tài trợ khoảng 2,8 triệu USD, từ Chính phủ Việt Nam 130.000 USD, do Ngân hàng Thế giới quản lý, và được thực hiện bởi tổ chức Quan tâm Thế giới (World Concern).