Nghiên cứu kỹ càng, bảo đảm thống nhất trong việc đặt tên phố, số nhà

Do nhu cầu giải quyết công việc gia đình, anh Lê Thanh Hải, ở tỉnh Hưng Yên bật ứng dụng GoogleMaps trên điện thoại để tìm đến phố Trần Phú, Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00

Sau khi đi theo chỉ dẫn, hệ thống ứng dụng đã đưa anh đến phố Trần Phú thuộc quận Hà Đông. Trong khi đó, địa chỉ anh cần đến là phố Trần Phú thuộc quận Ba Đình. Sau một hồi loay hoay hỏi đường và tìm kiếm trên ứng dụng, GoogleMaps lại chỉ dẫn anh đến phố Trần Phú thuộc huyện Thường Tín.

Năm 2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 91 về việc ban hành quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng. Tiếp đó, năm 2006, “Quy chế đánh số và gắn biển số nhà” đã được Bộ Xây dựng ban hành.

Các văn bản quy phạm pháp luật nêu trên được xây dựng và thực hiện với mục đích thống nhất việc đặt tên đường phố và đánh số nhà theo phương pháp khoa học gắn với thực tế của địa phương, bảo đảm thuận lợi trong công tác quản lý và phục vụ nhu cầu của người dân trong việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến nhà, đất…

Tuy nhiên, sau 18 năm triển khai, thực tế cho thấy việc thực hiện chưa được nghiêm túc, cả từ phía chính quyền và người dân. Mới đây, trong Nghị quyết số 164/NQ-CP, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Xây dựng thống nhất giải pháp quản lý số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

Trên thực tế, việc đường phố trùng tên như trường hợp của anh Hải nêu trên đã tồn tại nhiều năm qua sau khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội. Hiện nay, ở Hà Nội có hàng chục đường phố trùng tên như Lương Văn Can, Nguyễn Thái Học, Hoàng Văn Thụ, Quang Trung… mà chưa được đổi tên vì nhiều lý do khác nhau.

Cùng với đường phố trùng tên, việc đánh số nhà lộn xộn ở nhiều nơi đã gây khó khăn cho công tác quản lý cũng như đời sống người dân. Tại nhiều khu vực thuộc quận hoặc khu đô thị mới thành lập, những đường phố mới mở, luôn tồn tại hai địa chỉ cho cùng một số nhà.

Chị Hoàng Thu Nga, sinh sống tại phố Lý Sơn, tổ 31, phường Ngọc Thụy, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, trên hộ khẩu và giấy tờ tùy thân của mọi người sống trong gia đình đều ghi địa chỉ tại tổ 31, phường Ngọc Thụy. Tuy nhiên, tại tổ 31 có hàng trăm hộ sinh sống và nhiều người trùng họ, tên với nhau.

Do vậy, khi kê khai giấy tờ làm thủ tục hành chính, mọi người đều khai địa chỉ ở tổ 31, còn khi thông báo địa chỉ cho người thân, họ hàng, bạn bè, hoặc hệ thống giao hàng, thì khai ở đường Lý Sơn để dễ tìm kiếm.

Hiện nay, Bộ Xây dựng đang chuẩn bị các điều kiện để thống nhất giải pháp quản lý số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, hướng dẫn UBND tỉnh, thành phố triển khai thực hiện.

Tuy nhiên trên thực tế, thời gian qua, các ngành chức năng trong đó có ngành công an đã tích hợp thông tin cá nhân của người dân trên hệ thống điện tử từ những thông tin hiện có.

Vì thế, đánh lại số nhà hoặc đổi tên phố nhằm bảo đảm tính thống nhất là việc cần thiết bảo đảm yêu cầu quản lý, nhưng điều này sẽ khiến thông tin cá nhân của người dân trên hệ thống tích hợp tiếp tục bị thay đổi.

Theo các chuyên gia xã hội học, đây là công việc phức tạp, đòi hỏi sự vào cuộc của các bộ, ngành và địa phương với sự nghiên cứu thấu đáo, chuẩn bị kỹ càng các điều kiện để bảo đảm tính thống nhất, tính khả thi và phù hợp thực tế.