Nghiên cứu khoa học dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp

Sau 5 năm hoạt động, với một số cơ chế đặc thù, cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ, đạt chuẩn quốc tế, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST) thu hút được các nhà khoa học tài năng để đồng hành nghiên cứu, thực hiện mục tiêu cung cấp các giải pháp công nghệ chiếm lĩnh thị trường, góp phần thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa của Việt Nam. Các nghiên cứu triển khai đều dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, xã hội, một số công nghệ đã hình thành, chuẩn bị được thương mại hóa.

Hoạt động nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.
Hoạt động nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc.

Xây dựng Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc là dự án viện trợ không hoàn lại lớn nhất của Hàn Quốc dành cho Việt Nam từ trước đến nay. Viện được thành lập theo Nghị định số 50/NĐ-CP ngày 18/5/2015 của Chính phủ hoạt động vào năm 2017. Mục tiêu của viện là phát triển mô hình viện nghiên cứu ứng dụng kiểu mới, dựa trên tham khảo khuôn mẫu của Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc (KIST). 

Điểm mới của viện là cơ chế tài chính tự chủ, tự quyết; tạo môi trường nghiên cứu thân thiện với những điều kiện tối ưu cho các nhà khoa học thỏa sức đam mê nghiên cứu; hình thành các hợp đồng, dự án nghiên cứu dựa trên nhu cầu của thị trường, đặt hàng của doanh nghiệp. Các nhân sự của viện được hưởng hai lần lương cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước hỗ trợ trong vòng 10 năm. Ngoài ra, họ còn hưởng phụ cấp thu hút từ nguồn vốn ODA được hỗ trợ bởi Chính phủ Hàn Quốc và nguồn lương từ  các đề tài, dự  án, các hợp đồng với doanh nghiệp. 

Đến nay, viện đã triển khai nhiều nghiên cứu trong các lĩnh vực trọng tâm như: Công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ điện tử, công nghệ tích hợp, công nghệ thực phẩm, môi trường... Đối với lĩnh vực công nghệ thông tin, các nhà khoa học của viện đang hợp tác với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc nghiên cứu hệ thống chụp hình đồng bộ nhiều camera Poliface và đã thử nghiệm thực tế hệ thống. 

Đối với lĩnh vực công nghệ tích hợp, viện đang tập trung phát triển hai dòng sản phẩm que thử sắc ký miễn dịch từ tính (MagLFIA) phát hiện dấu ấn ung thư vú và vi-rút cúm gia cầm. Lĩnh vực cơ điện tử đang phát triển các công nghệ lõi gồm mô-tơ hệ thống nam châm vĩnh cửu (PMSM) cho phương tiện chạy bằng điện và hệ thống điều khiển, sạc pin cho ô-tô điện. 

Năm 2019, viện đã mở một phòng thí nghiệm nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc để tận dụng trang thiết bị hiện đại cho nghiên cứu về lĩnh vực công nghệ sinh học, tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm chăm sóc sức khỏe từ nguồn tài nguyên dược liệu và tri thức sử dụng dược liệu phong phú của Việt Nam. Viện phối hợp với nhiều doanh nghiệp sản xuất dược liệu trong nước để thực hiện các nghiên cứu và có thể ứng dụng ngay kết quả nghiên cứu vào doanh nghiệp. 

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Traphaco Nguyễn Huy Văn cho biết, việc hợp tác là nhằm tận dụng thiết bị hiện đại, các chuyên gia hàng đầu, nhất là có sự tham gia của các nhà khoa học của Hàn Quốc phối hợp nghiên cứu. Công ty cổ phần Traphaco đặt nhiều kỳ vọng sẽ xác định được hoạt chất của một số loài đinh lăng tại Việt Nam để phục vụ cho việc nâng cấp chất lượng các sản phẩm hiện có và phát triển sản phẩm mới của doanh nghiệp trong thời gian tới. 

Viện cũng hợp tác với Công ty cổ phần Nam Dược để nghiên cứu nâng cao hiệu suất chiết xuất hoạt chất từ cây dây thìa canh, từ đó nâng cao chất lượng và tác dụng của sản phẩm Diabetna dùng để phòng, chống tiểu đường. Về phát triển sản phẩm mới, viện đang phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc thực hiện đề tài nghiên cứu sản phẩm phòng, chống cảm cúm từ bài thuốc cổ truyền của Việt Nam. Dự kiến trong khoảng ba năm sẽ có sản phẩm để chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất.  

PGS, TS Phương Thiện Thương, Phó Viện trưởng VKIST cho biết, sứ mệnh của viện là hỗ trợ, phục vụ nền công nghiệp để góp phần đưa công cuộc công nghiệp hóa của Việt Nam đi đến thành công. Giai đoạn đầu, viện lựa chọn cung cấp các giải pháp công nghệ phù hợp cho các doanh nghiệp Việt Nam để họ phát triển sản phẩm có tính cạnh tranh về công nghệ và thành công trên thị trường. Viện chú trọng tìm hiểu những nhu cầu của nền công nghiệp trong nước thông qua việc tổ chức các diễn đàn công nghiệp hằng năm, chủ động tìm đến doanh nghiệp để cùng chia sẻ các vấn đề cần phải giải quyết. 

Đồng thời, viện tập trung hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ vì họ thiếu công nghệ và không đủ vốn để thay đổi công nghệ và sản phẩm. Việc triển khai các nội dung hợp tác nhằm tạo niềm tin với doanh nghiệp và hướng đến hợp tác lâu dài. 

TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cho rằng, để viện hoạt động hiệu quả, cần sự chia sẻ từ doanh nghiệp, doanh nghiệp phải đặt hàng và đầu tư cho giai đoạn nghiên cứu và thương mại hóa. Nếu doanh nghiệp không quan tâm đến ứng dụng công nghệ mới trong nước mà chỉ nhập khẩu công nghệ hoặc đi mua dây chuyền của nước ngoài thì các viện nghiên cứu trong nước không thể nào phát triển lành mạnh được. Doanh nghiệp mãi chỉ gia công lắp ráp, không thể có doanh nghiệp phát triển dựa trên nền tảng công nghệ, đổi mới sáng tạo.
 
Một số doanh nghiệp cho rằng, việc hợp tác với viện nghiên cứu công lập còn nhiều bất cập, liên quan các thủ tục hành chính, trong khi doanh nghiệp cần đưa sản phẩm ra thị trường rất nhanh theo nhu cầu. PGS, TS Phương Thiện Thương thừa nhận đó là một trong những vấn đề mà viện đang cố gắng giải quyết. Trước mắt, các nhiệm vụ khoa học, công nghệ cấp cơ sở được đặt hàng và quản lý theo quy trình của viện, hạn chế đến mức thấp nhất các thủ tục hành chính, đưa dự án vào nghiên cứu nhanh, tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng vào doanh nghiệp.