Của hiếm trên đất quê nghèo
Bà Ba Dừa (Thạch Thị Thơm, 89 tuổi, ấp Văn hóa Chông Nô 1, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè, Trà Vinh) bỏm bẻm nhai trầu, mắt nhìn ra con đường làng mát rượi bóng dừa nằm giữa hai dòng sông Hậu và sông Cầu Kè, hồi tưởng: "Dừa sáp được trồng ở xứ nầy cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng cũng chỉ để con nít, nhà vườn hái ăn chơi vì dừa có phần cơm rất dày, mềm và dẻo do nước dừa sánh lại tạo thành, khi ăn rất thơm béo. Tui buôn bán dừa cũng đã ngấp nghé trọn đời, chỉ thấy xứ Cầu Kè mà đặc biệt là xã Hòa Tân mới có giống dừa quý này, nghe nói hồi xưa, các sư sãi đã đem giống từ Nam Vang (Phnôm Pênh, Cam-pu-chia) về trồng". Ðưa chúng tôi ra hàng dừa trước căn nhà của mình, bà Ba Dừa chỉ cách phân biệt thế nào là dừa sáp tròn, dừa sáp dài, thế nào là dừa sáp có cạnh, dừa sáp xanh (vỏ xanh), dừa sáp vàng (vỏ vàng). Lột vỏ một trái dừa bằng dao, bà Ba Dừa gõ sống dao vào thì vang lên tiếng trầm đục, bà bảo: "Ðó là có sáp. Còn nghe tiếng trong trẻo, thanh nhẹ là dừa không có sáp".
Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền nam cho biết, dừa ở vùng đất Hòa Tân cũng trổ bông, kết trái như nhiều giống dừa khác, nhưng trên cùng một buồng có 20%-25% là trái cho sáp. Ở huyện Cầu Kè, dừa sáp được trồng rải rác ở các xã Ninh Thới, Hòa Ân, Thông Hòa, Phong Phú, Phong Thịnh nhưng nhiều nhất vẫn là xã Hòa Tân với số lượng hiện lên đến 17.000 cây.
Theo UBND xã Hòa Tân, cách đây 10 năm, dừa sáp lúc mới "ra sạp" (2004) chỉ có giá 40.000 đồng/trái, thì hiện nay, do lượng cầu vượt cung, giá dừa sáp đã lên đến gần 200.000 đồng/trái (1-1,4 kg/trái). Tuy nhiên, do là xã nghèo vùng sâu, lại là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nên dừa sáp mới chỉ được bà con quan tâm nhân giống vài năm gần đây.
"Cứu tinh" của dừa sáp
Theo sự giới thiệu của UBND xã Hòa Tân, chúng tôi tìm đến nhà anh Thạch Phu My, Trưởng ấp Văn hóa Chông Nô 2, người được ví như "cứu tinh" của dừa sáp. Nhà anh nằm trên đường bê-tông nông thôn mới làm phẳng phiu. Dọc con đường, điện lưới đã tỏa vào từng nhà. Nhà ai cũng có hố xí hợp vệ sinh, hàng rào cây xanh thẳng tắp. Người đàn ông Khmer gãi gãi đầu, cười xòa: "Dừa sáp có giá cao gấp vài chục lần dừa thông thường nên tui thử ươm giống theo cách thông thường bằng trái để bán, không ngờ thành công quá. Ðến năm 2006, Sở Khoa học và Công nghệ Trà Vinh đã phối hợp với Trung tâm Thực nghiệm Ðồng Gò (Bến Tre) nghiên cứu và thử nghiệm thành công phương pháp thụ phấn trợ lực cho cây dừa sáp, làm tăng tỷ lệ sáp trên buồng dừa. Sau đó, Sở còn hỗ trợ nông dân chúng tôi trồng hơn 950 cây dừa sáp đầu dòng. Các hộ tham gia đã được cung cấp cây giống và chuyển giao kỹ thuật trồng".
Trước thành công buổi đầu, năm 2008, Tỉnh ủy Trà Vinh đã có nghị quyết về phát triển vùng trồng dừa sáp đặc hữu và trên cơ sở đó đã chỉ đạo UBND tỉnh Trà Vinh, UBND huyện Cầu Kè xây dựng Dự án trồng chuyên canh 50 ha dừa sáp (tương đương 9.000 cây) tại xã Hòa Tân. 78 hộ nông dân, hầu hết là người dân tộc Khmer được dự án hỗ trợ 60% tiền cây giống và hướng dẫn khoa học kỹ thuật trồng dừa. Nhờ đó, toàn huyện Cầu Kè hiện đã có hơn 22.000 cây dừa sáp.
Cả xã cùng làm giàu
Ðảng viên Thạch Sol kể câu chuyện vui: "Cuối năm 2008, Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân được thành lập với 19 xã viên, trong đó có 17 xã viên người Khmer. Bà con làm ăn rất chuyên nghiệp, uy tín, làm cho nhiều nông dân khác phải tròn mắt học tập. Nhờ trong hợp tác xã có 31,58% số xã viên là đảng viên nên các chủ trương, chính sách, diễn biến thị trường... đều được cập nhật. Bình quân mỗi tháng, Hợp tác xã Dừa sáp Hòa Tân thu mua khoảng 700 - 1.000 trái dừa sáp để cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh mà vẫn thiếu hàng, doanh thu năm 2013 là 199 triệu đồng, tăng hơn so với năm 2012 là 66 triệu đồng, trong khi vốn góp của xã viên chỉ 35 triệu đồng".
Chị Thạch Thi Suôi (xã viên, ấp Chông Nô 2) nói: "Hiệu quả kinh tế rất cao, ước tính một ha dừa sáp mỗi năm cho thu hoạch từ 80 đến 100 triệu đồng. Lần đầu tiên trong đời nông dân, tôi được làm xã viên, biết trồng dừa theo tiêu chuẩn VietGap. Ở ấp nầy, nhiều nông dân nhờ trồng vài mươi gốc dừa cho trái sáp đã dần thoát được cảnh nghèo vì tính ra mỗi cây dừa cũng cho 30 trái sáp/năm".
Dạo trong vườn dừa xanh mát ven bờ sông Hậu, chúng tôi vui lây với niềm hạnh phúc của những người nông dân Khmer chân chất. Số vốn góp vào hợp tác xã của họ tuy nhỏ (35 triệu đồng/xã viên) nhưng qua đó, tinh thần làm ăn tập thể, vươn lên học hỏi khoa học kỹ thuật, xây dựng nông thôn mới, cọ xát thị trường... là những chuyện rất mới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Những anh, chị Lâm Ninh, Thạch Sol, Thạch Hiền, Thạch Cộng... xưa nay chỉ biết bờ vườn, bờ thửa, thì nay đã gõ máy vi tính "rôm rốp" để dọ giá, liên hệ bạn hàng làm ăn.
Những người nông dân Khmer ở Hòa Tân đã thật sự vươn lên đổi đời từ dừa sáp, đó là một minh chứng rõ nét cho "sức sống" của một nghị quyết được bắt nguồn từ thực tiễn sinh động của nhân dân, rồi trở lại giúp cuộc sống của nhân dân ngày càng sung túc hơn.
DƯƠNG MINH ANH
"Phải chọn cây giống bố mẹ có độ tuổi trên 15 năm trở lên, thu hoạch trái giống sớm. Sau đó, phơi dừa giống từ 15 đến 25 ngày (nắng) rồi bắt đầu dạt cạnh mặt bên trái của trái dừa (6 cm), đặt xuống rãnh đất, tưới nước mỗi ngày kích trái lên mộng. Khi cây dừa con ra khoảng 2-3 lá, cần phải dùng sơ dừa trộn với phân chuồng, trấu mục rồi tiến hành đặt vô bầu để cho cây phát triển nhanh". (Kinh nghiệm của anh Thạch Phu My) |