Những cô gái Dao đỏ từ bé đã được truyền dạy may vá, thêu thùa. Trước khi về nhà chồng, các cô sẽ hoàn thành bộ trang phục của riêng mình. Bộ trang phục nữ Dao đỏ gồm thường phục và lễ phục. Thường phục gồm khăn đội đầu, áo, yếm, dây lưng. Lễ phục gồm khăn, áo dài, dây lưng, quần, váy thêu được cắt, khâu, thêu thùa công phu. Khăn đội đầu cô dâu trong ngày cưới gọi là “Trùm Phả” làm bằng vải tự dệt, nhuộm chàm, trên nền thêu nhiều loại hoa văn.
Trang trí trên áo dài và hai bên tà đính dây hạt cườm có đeo tua chỉ mầu đỏ, vàng ở đầu. Đầu tay áo có dải hoa văn thêu sẵn hoặc bằng vải xanh. Dây lưng làm bằng vải chàm, ở hai đầu thêu nhiều hoa văn hình cây cỏ, dấu chân hổ, chung quanh là hình dấu chân mèo mầu xanh, cây hoa, ngôi sao, cây thông, trẻ em. Quần được trang trí chủ yếu nằm ở hai ống với các băng hoa văn nằm ngang từ gấu trở lên ống quần. Váy thêu là một dải vải mầu đỏ, ở giữa có hai hàng hoa văn bằng vải ghép hình răng cưa mầu trắng, dưới đính một hàng tua rua mầu đỏ, xanh, vàng. Yếm được thêu trang trí bằng chỉ mầu sáng, đỏ, vàng, xanh, đính bạc. Quanh cổ yếm, dọc trước ngực yếm trang trí các bông hoa bạc, miếng bạc hình chữ nhật nối tiếp nhau được chế tác thủ công.
Để bảo tồn nghệ thuật trang trí trên trang phục người Dao đỏ, tỉnh Bắc Cạn đã điều tra, khảo sát, hỗ trợ bảo tồn tại cộng đồng người Dao đỏ ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn. Hiện nay, không chỉ trong dịp lễ, Tết mà cả ngày thường, phần lớn phụ nữ vẫn duy trì mặc trang phục của dân tộc mình.
Bà Triệu Thị Sỉnh ở thôn Bản Cuôn 2, xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đã có hơn 60 năm dệt, thêu trang phục dân tộc mình. Bà cho biết, để hoàn thành một bộ trang phục phụ nữ Dao đỏ phải mất gần một năm, người làm chậm phải mất hai năm. Chính sự cầu kỳ, tỉ mỉ trong các công đoạn đã tạo nên bản sắc riêng biệt của trang phục dân tộc Dao đỏ không lẫn với các dân tộc khác.
Trưởng Phòng Văn hóa, Thông tin huyện Chợ Đồn Hà Thị Khánh cho biết: Huyện hỗ trợ người dân bảo tồn, phục dựng nguyên bản nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục dân tộc, duy trì truyền dạy cho thế hệ trẻ để bảo đảm kỹ thuật thêu, trang trí không bị mai một. Thời gian tới, huyện tiếp tục hỗ trợ kinh phí để người dân mua sắm nguyên liệu, vật phẩm phục vụ trang trí và mua sản phẩm cho người dân mang đi trưng bày, giới thiệu để hướng tới có thể trở thành một sản phẩm văn hóa mang lại giá trị kinh tế cho người dân.
Với những nỗ lực gìn giữ, nghệ thuật trang trí hoa văn trên trang phục của người Dao đỏ ở xã Ngọc Phái, huyện Chợ Đồn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.