Cùng với việc hỗ trợ nhân dân khắc phục kịp thời hậu quả mưa, lũ gây ra để bảo đảm sớm ổn định cuộc sống, các địa phương trên địa bàn đã tăng cường gia cố các đoạn đê xung yếu, đồng thời hỗ trợ sơ tán người dân tại các vùng hạ du bị ngập sâu.
Thực hiện phương châm "bốn tại chỗ"
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tại (PCTT) - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, mưa lũ đã làm sáu người chết và một người mất tích. Mưa lớn, lũ dâng cao đã khiến nhiều vùng dân cư bị chia cắt, làm ngập lụt hơn 13.500 ngôi nhà; trong đó huyện Quỳnh Lưu hơn 6.800 nhà, Hưng Nguyên 2.800 nhà, Yên Thành hơn 1.900 nhà, Thanh Chương hơn 1.300 nhà... Các địa phương phải di dời hàng trăm hộ dân do ảnh hưởng của nước lũ và sạt lở đất; hàng nghìn ha lúa và rau, hoa màu bị ngập; gần 9.000ha lúa và rau, hoa màu bị thiệt hại; hơn 65.000 con gia cầm chết; nhiều điểm trường bị ảnh hưởng. Các công trình thủy lợi, đê điều bị hư hỏng, đặc biệt ở đập Hóc Cối, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu, bị sạt lở đập gần 20m; đê Hội Tinh đoạn qua xóm 7, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị vỡ... Hơn 61km đường các loại bị sạt lở, nhiều cầu cống nhỏ bị hư hỏng, hai cống bị trôi; nhiều đoạn trên các tuyến quốc lộ 1A, 7, 48, 15... và các tỉnh lộ bị ngập lụt, sạt lở gây ách tắc giao thông.
Mưa, lũ cũng gây ngập úng và cô lập một số địa bàn dân cư khiến hàng nghìn hộ dân tại các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Đức Thọ... (Hà Tĩnh) bị ngập lụt. Tuyến kè biển xã Cẩm Nhượng vốn đã hư hỏng, nay càng xuống cấp nghiêm trọng, các chân móng, ống giếng, mái ngoài ghép bê-tông bị bào mòn, sạt lở cục bộ tại nhiều vị trí với chiều dài 250m, có đoạn bị hư hỏng, sạt lở nặng với chiều dài 15m, rộng 10m.
Trước tình hình mưa, lũ lớn, làm ngập trên diện rộng, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã huy động các lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, phát huy "bốn tại chỗ", chỉ đạo các địa phương dừng các cuộc họp không cần thiết để xuống cơ sở giúp người dân ứng phó, khắc phục hậu quả sau mưa, lũ... Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho biết trong hai ngày 29 và 30/9, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã có mặt tại các "điểm nóng", trắng đêm chỉ đạo lực lượng xung kích sơ tán người già, trẻ em đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân đưa tài sản lên cao; tổ chức ứng trực 24/7 các tuyến đê xung yếu, các hồ đập.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Hà Tĩnh, nhờ chủ động điều tiết mực nước tại các hồ đập, nhất là các công trình hồ đập xuống cấp nên đợt mưa, lũ vừa qua không xảy ra sự cố. Người dân vùng hạ du cũng đã chủ động phương án ứng phó, sơ tán, nhờ đó các địa phương đã hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại do mưa, lũ gây ra. Đối với các điểm sạt lở gây ách tắc trên quốc lộ 8A, các đơn vị đã huy động nhân lực, máy móc tổ chức san gạt và thông tuyến trong chiều 29/9, dự kiến trong một vài ngày tới, việc khắc phục các điểm sạt lún sẽ được hoàn tất.
Tại tỉnh Nghệ An, sau khi nước rút, sáng 30/9, các địa phương, đơn vị huy động lực lượng tại chỗ cùng bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ... để nước rút đến đâu thau rửa, vệ sinh môi trường đến đó; giúp đỡ các gia đình già cả, neo đơn, gia đình chính sách sửa chữa nhà bị hư hại, vệ sinh nhà cửa bị ngập lụt.
Lực lượng chức năng xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An sơ tán người dân khi nước lũ dâng cao. (Ảnh VĂN TRƯỜNG) |
Chủ động ứng phó mọi tình huống
Tại huyện Yên Thành, từ đêm 29/9 đến sáng 30/9, mưa đã giảm, tuy nhiên nước từ thượng nguồn và các hồ chứa liên tục đổ về khiến các xã phía bắc của huyện vẫn ngập sâu. Huyện đang triển khai sơ tán khẩn cấp người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân. Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành Nguyễn Văn Dương cho biết, toàn huyện có gần 2.000 hộ bị ngập. Huyện chỉ đạo các lực lượng sơ tán hơn 200 hộ dân đến nơi an toàn, cung cấp nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị ngập sâu, không để xảy ra tình trạng người dân vùng lũ bị thiếu đói.
Tại thị xã Hoàng Mai, do mưa to, thủy triều lên và hồ thủy lợi Vực Mấu xả lũ nên đến trưa 30/9, nhiều đoạn trên tuyến quốc lộ 1A đoạn qua huyện Quỳnh Lưu và thị xã Hoàng Mai nhiều đoạn bị ngập sâu với chiều dài khoảng 3km, gây ách tắc giao thông trong nhiều giờ. Các địa phương đã huy động công an, bộ đội, dân quân tự vệ bám chốt, phân luồng giao thông; ngăn không cho các phương tiện qua điểm ngập sâu...
Tối 29/9, đê Hội Tinh đoạn qua xóm 7, xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên bị vỡ. Đây là tuyến đê xung yếu, bảo vệ cho gần 1.700 hộ dân. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu, lực lượng quân và dân huyện Hưng Nguyên đã xuyên đêm khắc phục xong sự cố vỡ đê vào sáng 30/9, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho nhân dân. Trước đó, 150 người gồm cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 16, bà con Giáo xứ Phú Xuân, công an, quân sự xã, nhân dân... đã kịp thời gia cố đập Hóc Cối, xã Quỳnh Tam, huyện Quỳnh Lưu bị sạt lở 20m... Sáng 30/9, tại xóm Liên Khai, xã Thanh Liên (Thanh Chương) hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy quân sự huyện, lực lượng dân quân tự vệ và người dân sử dụng bao đất để gia cố 170m bờ đê sông Giăng, bảo đảm an toàn cho hơn 520 hộ dân trong vùng ảnh hưởng.
Do mưa, lũ lớn đã khiến nhiều cơ sở y tế ở các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu... bị ngập trong nước và bị chia cắt. Giám đốc Sở Y tế Nghệ An Dương Đình Chỉnh cho biết: Tại những vùng bị ngập lụt, nguy cơ dịch bệnh bùng phát đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người dân. Vì vậy, ưu tiên lớn nhất của ngành y tế tỉnh hiện nay là phối hợp với các cấp chính quyền địa phương nhanh chóng khôi phục, sửa chữa lại các cơ sở y tế bị hư hỏng, hỗ trợ các đơn vị trong vùng mưa, lũ về nhân lực, trang thiết bị, hóa chất để vệ sinh phòng, chống các loại dịch bệnh sau lũ...
Do ảnh hưởng mưa, lũ, toàn tỉnh có gần 400 trường phải cho học sinh nghỉ học để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên. Một số huyện bị ngập sâu như Quỳnh Lưu, Yên Thành, Tân Kỳ, Nghi Lộc cho học sinh nghỉ học hoàn toàn. Hiện các trường học đang huy động phụ huynh cùng lực lượng cán bộ, giáo viên để nước rút đến đâu, tổ chức vệ sinh trường lớp đến đó, nhằm đón học sinh đến lớp sớm nhất.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT tỉnh Nghệ An đã ban hành công điện để chủ động ứng phó với mưa lớn, ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất; đồng thời, chỉ đạo các địa phương khẩn trương huy động lực lượng trên địa bàn giúp nhân dân khắc phục kịp thời hậu quả mưa, lũ để bảo đảm sớm ổn định cuộc sống...
Tập trung khắc phục hậu quả bão số 4
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 875/CĐ-TTg ngày 30/9/2022 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục hậu quả bão số 4 và chủ động ứng phó thiên tai trong thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có người bị nạn, chia sẻ với những khó khăn, mất mát, vất vả của cấp ủy, chính quyền địa phương và các hộ dân bị ảnh hưởng do đợt bão, lũ vừa qua.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương bị ảnh hưởng của bão, lũ vừa qua tập trung chỉ đạo, triển khai công tác khắc phục nhanh hậu quả bão, lũ; tìm kiếm người còn mất tích; hỗ trợ cứu chữa người bị thương; tổ chức hỗ trợ, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với các gia đình bị thiệt hại do bão, lũ, nhất là các gia đình có người chết, mất tích, gia đình chính sách, hộ khó khăn. Bên cạnh đó, tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do bão, lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, trôi, hộ ở vùng bị ngập sâu, sạt lở chia cắt, bảo đảm không để người dân bị đói, rét, khát; bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà ở do bão, lũ; huy động các lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau bão, lũ.
Các địa phương cần tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu; sửa chữa, khắc phục nhanh công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trường học, trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, đê điều, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với những đợt thiên tai mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống cho người dân; chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để tiếp tục xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người…
Mưa dông ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 3/10
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mưa đông ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng kéo dài từ ngày 2 đến 3/10. Mưa dông ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng còn kéo dài trong nhiều ngày tới; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1. Từ ngày 1/10, mưa vẫn xuất hiện trên diện rộng, cường độ mưa có xu hướng giảm, số điểm mưa to ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chỉ xảy ra cục bộ. Để chủ động ứng phó với lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt, người dân nằm trong vùng có nguy cơ lũ quét cần theo dõi sát thông tin cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt; sẵn sàng sơ tán khi được yêu cầu.
Trên địa bàn Nghệ An hiện có tám nhà máy thủy điện, hai hồ thủy lợi đang xả lũ. Trong đó, một số nhà máy thủy điện xả lũ với lưu lượng từ 1.000m3/s đến 1.600m3/s. Việc xả lũ bảo đảm đúng quy định và có xu hướng giảm.