Trước đó, từ ngày 1 đến 4-3, nảy sinh hiện trạng ngao nuôi trên diện tích 3,8 ha của năm hộ ở phường Hải Ninh và phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn bị chết, tỷ lệ ngao chết tới 20-25%. Cùng với việc lấy mẫu nước, mẫu ngao gửi cơ quan chuyên môn phân tích, cán bộ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành liên quan, UBND thị xã Nghi Sơn và các phường Hải Ninh, Hải Châu tiến hành kiểm tra thực địa tại đồng nuôi có ngao chết.
Lực lượng chức năng ghi nhận, ngao bị chết là ngao thương phẩm, cỡ 70-120 con/kg, mật độ nuôi 2.000 con/m2 trong khi theo hướng dẫn, khuyến cáo kỹ thuật nuôi, mật độ thả giống phù hợp là 500 con ngao/m2 với cỡ 400-500 con/kg và 250-300 con/m2 với cỡ 300 con/kg. Nước tại bãi nuôi ngao có màu đỏ theo từng vệt, một số khu vực ở chân cọc vây lưới có màu đỏ đậm đặc. Màu đỏ này được xác định là xác chết của tảo và ngao tiếp tục chết tại thời điểm kiểm tra.
Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I phân tích các chỉ tiêu dịch bệnh mẫu ngao chết cho kết quả: Vi khuẩn Vibrio, bệnh Perkinsus SP đều âm tính. Các chỉ tiêu môi trường nước nuôi ngao: Độ mặn, N-NH3, P-PO42, COD, H2S và chlorophyll-a đều có giá trị trong khoảng phù hợp nuôi thủy sản. Chỉ tiêu N-NO2 của hai mẫu kiểm tra đều có giá trị cao, vượt ngưỡng cho phép 2,6 lần.
Căn cứ kết quả phân tích mẫu nước, mẫu ngao cùng kết quả kiểm tra hiện trạng đồng nuôi, mật độ ngao nuôi, các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa kết luận: Ngao chết là do mật độ nuôi quá dày dẫn đến ngao cạnh tranh thức ăn và nơi trú ẩn, ngao bị yếu sau quá trình sinh sản. Điều kiện môi trường biến động đột ngột, N-NO2 vượt ngưỡng 2,6 lần; tảo nở hoa sinh ra độc tố, gây thiếu hụt oxy trong nước có thể khiến động vật dưới nước chết hàng loạt (trong đó có ngao) bao gồm cả tầng đáy và tầng trên.
Cũng theo Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, ngoài ngao nuôi ở hai phường nêu trên bị chết, hiện ngao nuôi trên bãi triều ở các huyện: Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương đang phát triển bình thường.