Các kế hoạch về chuyển đổi số EVN SPC đang thực hiện nhằm thực hiện lộ trình chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 và phấn đấu đưa EVN SPC trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025.
Chuyển đổi số hỗ trợ công tác quản trị
Thời gian qua, Viettel và EVN SPC đã triển khai nhiều dự án trọng điểm về công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Có thể kể đến như: EVN SPC đã hoàn thành thiết lập hạ tầng công nghệ thông tin để kết nối tới hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Kết nối với Tổng cục Thuế và hơn 28 ngân hàng triển khai dịch vụ hóa đơn điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt; kết nối liên thông trục hệ thống văn bản điện tử nội bộ với trục liên thông văn bản Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và sẵn sàng hạ tầng để kết nối với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố phía nam.
Đối với quản trị điều hành, đơn vị đã triển khai áp dụng hệ thống văn phòng số đến toàn bộ 374 đơn vị trực thuộc; 100% cán bộ, công nhân viên có chức trách đã được cấp chữ ký số để thực thi công tác hằng ngày, 100% hồ sơ được lập và lưu trữ trên môi trường điện tử.
Đối với lĩnh vực kỹ thuật, ngành điện miền nam đã hoàn thiện dữ liệu của hệ thống phần mềm quản lý kỹ thuật PMIS với dữ liệu đã được số hóa trên 1,7 triệu hồ sơ thiết bị lưới, trạm; ứng dụng AI trong công nghệ xử lý và nhận diện hình ảnh quản lý vận hành lưới điện 100kV,... trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, EVN SPC đã áp dụng 100% gói thầu qua hệ thống đấu thầu điện tử; hơn 80% dự án triển khai áp dụng quản lý hồ sơ điện tử, ứng dụng AI trong phân tích hình ảnh và áp dụng camera giám sát thông minh trên các công trường.
Tính đến nay, EVN SPC đã hoàn thành hơn 97% khối lượng thực hiện của năm lĩnh vực chuyển đổi số trọng tâm: Sản xuất, Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng, Đầu tư xây dựng, Quản trị nội bộ, Nâng cao năng lực hạ tầng số viễn thông.
Nỗ lực vì khách hàng
Tiếp theo những gì làm được, các giải pháp chuyển đổi số được Viettel nghiên cứu, tư vấn và “may đo” theo nhu cầu thực tế và đặc thù của EVN SPC. Tận dụng những lợi thế sẵn có của từng đơn vị, Viettel sẽ đẩy mạnh ứng dụng các công nghệ mới và hiện đại nhất như: giải pháp triển khai các mô hình hạ tầng dữ liệu và điện toán đám mây với cơ chế bảo mật, an toàn phù hợp giúp EVN SPC triển khai nhanh các hệ thống, giải pháp và tối ưu chi phí, đồng thời chia sẻ các kinh nghiệm chuyển đổi từ hạ tầng dữ liệu vật lý truyền thống sang nền tảng điện toán đám mây.
Sự kiện này đánh dấu bước phát triển quan trọng của ngành điện miền nam. Đồng thời một lần nữa khẳng định quyết tâm đẩy mạnh ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số toàn diện của ngành điện miền nam. Theo các điều khoản ký kết giữa hai đơn vị, Viettel sẽ thực hiện tư vấn, đánh giá kiến trúc và xây dựng các giải pháp chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Kinh doanh và dịch vụ khách hàng; hạ tầng số và ứng dụng công nghệ trong vận hành khai thác hệ thống; khai thác dữ liệu lớn; xây dựng hệ thống an toàn thông tin và nâng cao kỹ năng số cho EVN SPC.
Theo ông Nguyễn Phước Đức, đối với công tác Kinh doanh và dịch vụ khách hàng, lĩnh vực được EVN SPC chú trọng nên công tác chuyển đổi số cũng đang được thực hiện quyết liệt. Theo đó, khi trở thành doanh nghiệp số vào năm 2025, nhiều tiện ích của lĩnh vực này sẽ giúp khách hàng hưởng lợi trong các dịch vụ liên quan đến đăng ký sử dụng dịch vụ điện nhanh chóng và thuận lợi.
Với định hướng và cách tiếp cận theo lộ trình được Chính phủ, EVN đề ra, EVN SPC mong muốn đưa các ứng dụng công nghệ vào mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất, kinh doanh, tăng năng suất lao động, tiết kiệm chi phí trong công tác sản xuất, kinh doanh và cải cách hành chính đồng bộ ở các cấp nhằm phục vụ khách hàng một cách nhanh chóng, hiệu quả tốt nhất.
Hợp tác, trao đổi thông tin với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia
EVN SPC và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (EVNNLDC) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác, hỗ trợ và trao đổi thông tin, thúc đẩy sự phát triển của hai đơn vị, góp phần vào sự phát triển của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nói riêng cũng như ngành điện Việt Nam nói chung.
Theo đó, việc hợp tác giữa hai đơn vị dựa trên cơ sở bình đẳng, thiện chí vì sự phát triển với các nội dung gồm: phối hợp trong quản lý và vận hành nguồn năng lượng phân tán; lập phương thức và phối hợp vận hành điện mặt trời mái nhà và các nguồn phân tán khác thuộc phạm vi quản lý của EVN SPC; quản lý nhu cầu phụ tải điện cho giai đoạn cao điểm mùa khô hằng năm; hợp tác, chia sẻ các ứng dụng công nghệ, giải pháp/sáng kiến được áp dụng trong công tác vận hành hệ thống điện; hợp tác trong công tác truyền thông, hợp tác tổ chức các hội thảo, chương trình đào tạo trong các vấn đề hai bên cùng quan tâm.