Ngăn ngừa hàng giả, hàng kém chất lượng trong dịp Tết

Dịp Tết, khi sức mua trên thị trường tăng cao, thường là thời điểm những đối tượng xấu lợi dụng đẩy mạnh sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng nhằm trục lợi. Vì vậy, công tác đấu tranh, ngăn chặn đã được cơ quan chức năng các tỉnh miền trung hết sức chú trọng bằng việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tiêu dùng (NTD) kiên quyết không tiếp tay cho hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng,…

Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra chất lượng hàng hóa ở các chợ trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế kiểm tra chất lượng hàng hóa ở các chợ trên địa bàn tỉnh.

Hàng giả, hàng nhái tràn lan

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Bính Thân, không khí mua bán hàng hóa Tết ở tất cả các chợ, siêu thị trên địa bàn các tỉnh miền trung đang rất nhộn nhịp và tấp nập. Hàng hóa phong phú, đa dạng về chủng loại, giá cả tăng không đáng kể so ngày thường. Bên cạnh các mặt hàng sản xuất trong nước, có thương hiệu, tại các chợ, nhất là chợ vùng nông thôn, miền núi, các khu công nghiệp,… bày bán khá nhiều mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, không rõ nguồn gốc, xuất xứ như giày dép, mỹ phẩm, quần áo,... Tại chợ Thuận, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), chúng tôi quan sát thấy hàng giả, hàng nhái bày bán khá nhiều. Các loại hàng mỹ phẩm, áo quần, túi xách gắn các nhãn hiệu nổi tiếng: Nike, Gucci, Hermes, Channel,... bày tràn lan ở dưới đất với giá rất “bèo”. Chị Nguyễn Thị Hoa, trú tại xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong cho biết: “Tôi thấy một hộp kem trang điểm của Lancome tại chợ Thuận chỉ có giá 50 nghìn đồng. Với mức giá chừng ấy, cũng đủ khẳng định đó là hàng giả, kém chất lượng, bởi mỹ phẩm Lancome là sản phẩm nổi tiếng, khi bán ở thị trường Việt Nam chí ít cũng phải hàng triệu đồng”.

Có mặt tại kho chứa hàng hóa chờ tiêu hủy của Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Thừa Thiên - Huế những ngày cuối năm, đập vào mắt chúng tôi là cảnh hàng hóa vi phạm xếp chật cứng kho hàng. Những thùng các-tông dán keo cẩn thận cùng với bao tải chứa mứt trái cây, quần áo, sữa giả và các sản phẩm phục vụ Tết như lạp xường, bánh kẹo, thuốc lá lậu chất thành từng đống. Trưởng phòng nghiệp vụ Chi cục QLTT tỉnh Ngô Quốc Toản cho biết, sau hơn hai tuần triển khai đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán, lực lượng QLTT tỉnh đã phát hiện, thu giữ hàng chục vụ vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng. Trong đó, đã xử phạt vi phạm 24 triệu đồng đối với bốn vụ vận chuyển, buôn bán giày dép, áo quần (trị giá hơn 30 triệu đồng), chủ yếu là các loại giày dép giả nhãn hiệu: Adidas, Nike,… Cơ quan QLTT hiện đang tạm giữ để xử lý theo quy định đối với các lô hàng giả, hàng nhái và nhập lậu từ nhiều nơi đưa về TP Huế để bán trong dịp Tết, như: lô hàng 150 chiếc quần Jean giả nhãn hiệu Levi’s trị giá gần 50 triệu đồng; lô hàng 36 chai rượu Chivas 18 giả,…

Còn tại TP Đà Nẵng, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 1-2016, cơ quan chức năng đã phát hiện 125 vụ vận chuyển, tàng trữ, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả,... tổng giá trị hàng hóa bị thu giữ, xử phạt lên tới hơn 2,6 tỷ đồng. Chi cục phó QLTT Đà Nẵng Nguyễn Nho Hậu cho biết: “Do tính chất đô thị, trung tâm, cho nên tại thị trường Đà Nẵng đã xảy ra vi phạm nhiều nhất trong lĩnh vực hoạt động kinh doanh và gian lận thương mại. Hàng giả, kém chất lượng xuất hiện chủ yếu ở các vùng nông thôn, miền núi, hoặc vận chuyển từ phía bắc qua Đà Nẵng rồi đưa đi tiêu thụ ở các địa phương khác. Điển hình như vụ phát hiện 252 chai rượu Ballantines không dán tem nhập khẩu, không hóa đơn chứng từ, hoặc vận chuyển hơn 15 nghìn thố thủy tinh của In-đô-nê-xi-a không có hóa đơn, chứng từ,…

Quyết ngăn chặn hàng giả

Để hạn chế, ngăn chặn tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển hàng cấm hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, vi phạm trong hoạt động kinh doanh, ngay từ đầu tháng 12-2015, cơ quan chức năng các tỉnh miền trung đã lên kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán theo chỉ đạo của Chính phủ. Tại Đà Nẵng, đợt cao điểm kiểm tra bắt đầu từ ngày 1-1-2016, đến nay đã phát hiện 1.490 vụ vi phạm. Theo Giám đốc Sở Công thương TP Đà Nẵng Phan Văn Kha, để góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, găm hàng tăng giá, Đà Nẵng đã triển khai chương trình bán hàng bình ổn giá dịp Tết Nguyên đán Bính Thân. Từ đó, lựa chọn những doanh nghiệp (DN) có uy tín, nguồn hàng dồi dào, chất lượng, hỗ trợ DN vốn tạm ứng không tính lãi, tổ chức đưa hàng đến các khu công nghiệp, địa bàn miền núi phục vụ NTD với giá bằng hoặc thấp hơn thị trường. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng yêu cầu các DN phải chủ động dự trữ hàng hóa phục vụ bình ổn giá vào dịp Tết, trong đó 11 DN chủ lực dự trữ hàng hóa thiết yếu với tổng trị giá 192 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ kinh doanh cá thể ở tám chợ lớn trên địa bàn cũng đã chuẩn bị lượng hàng Tết tổng trị giá hơn 500 tỷ đồng, cam kết ổn định nguồn hàng, bảo đảm chất lượng và không tăng giá.

Chi cục phó QLTT tỉnh Quảng Trị Nguyễn Thị Mai cho biết: Để tăng cường quản lý hàng giả, hàng nhái và kém chất lượng tại các cơ sở kinh doanh và chợ trên địa bàn trong dịp Tết, Chi cục QLTT cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các hộ kinh doanh, không tự ý gắn nhãn, mác giả cũng như buôn bán hàng giả, hàng nhái. “Khi phát hiện hàng giả, hàng nhái, NTD cần thông báo, tố giác những cơ sở có hành vi vi phạm tới các cơ quan chức năng để cùng ngăn chặn,... Chi cục phó phụ trách QLTT tỉnh Thừa Thiên - Huế Dương Đắc Hoan cũng khẳng định: Không chỉ kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng QLTT còn chủ động làm tốt công tác dự báo tình hình, thường xuyên phối hợp các DN tổ chức tập huấn, tuyên truyền theo hướng đi sâu vào cộng đồng dân cư, nâng cao hiểu biết, nhận thức của NTD, của hộ kinh doanh cá thể, DN về cách nhận biết và phân biệt hàng thật, hàng giả, kém chất lượng. Ban quản lý các chợ tổ chức tuyên truyền, vận động, yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết không buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và tích cực hưởng ứng, tham gia Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Tết Nguyên đán Bính Thân đang đến gần, việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng cũng như tình trạng gian lận thương mại sẽ còn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi để trục lợi. Vì thế, cơ quan chức năng các tỉnh miền trung nói riêng, cả nước nói chung cần tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát thường xuyên, liên tục ở các tuyến đường trọng điểm, các trung tâm thương mại lớn, nhằm bảo đảm cho người dân mua sắm hàng Tết đúng giá, bảo đảm chất lượng, an toàn, tiết kiệm, góp phần giúp nhân dân đón Tết đầm ấm, vui tươi, an toàn và phấn khởi.