Ðua nhau khai thác
Sau một thời gian dài tạm lắng, mới đây tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép lại diễn ra khá rầm rộ tại khu vực suối Pháp, xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh. Các đối tượng tham gia đã dùng hóa chất, xe máy lật tung nhiều ha đất, đào hầm ăn sâu trong lòng đất để đãi vàng sa khoáng. Ông Trần Thanh Ðịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết, mặc dù các đơn vị, ban, ngành của huyện liên tục truy quét ngăn chặn, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia đào đãi vàng, nhưng vì lợi nhuận trước mắt, họ bất chấp nguy hiểm, không cần biết đến tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái.
Tại huyện miền núi Sơn Hòa, tình trạng khai thác vàng ở các xã Sơn Xuân, Cà Lúi và dọc sông Ba đã diễn ra liên tục nhiều năm nhưng chưa được ngăn chặn triệt để. Thậm chí việc khai thác vàng trái phép còn ngang nhiên diễn ra gần trụ sở UBND xã Suối Trai mà không bị ngăn chặn. UBND huyện Sơn Hòa phải tổ chức truy quét, đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan và chính quyền địa phương tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, không để tái diễn. Cũng tại huyện miền núi Sơn Hòa, trong tháng 10 vừa qua, lợi dụng việc cấp phép của UBND tỉnh Phú Yên về khai thác, chế biến các loại đá mỹ nghệ và vật liệu xây dựng, một số doanh nghiệp "biến tướng" trục lợi, tổ chức thỏa thuận với dân mua đá trên đất sản xuất với giá từ 300 đến 500 nghìn đồng/m3. Sau khi thỏa thuận, các doanh nghiệp đã lật tung mặt bằng, tìm khoáng sản, đá quý gây tác động xấu đến môi trường và thất thoát tài nguyên. Nhiều đối tượng ở tỉnh Khánh Hòa còn tổ chức mua, thu gom loại đá xanh ở các xã Sơn Nguyên và Suối Bạc với giá từ 1.500 đến 17.000 đồng/kg khiến nhiều người đổ xô đi tìm kiếm, đào bới loại đá này. Thấy lợi nhuận cao từ việc bán đá nhiều người đã "tranh thủ", công khai đào bới nương rẫy, chẻ đá bán trái phép cho các công trình xây dựng, dân sinh...
Tại khu rừng Suối Lạnh, xã Phú Mỡ, huyện miền núi Ðồng Xuân, mỗi ngày có hàng nghìn người đổ về đào bới hàng trăm ha đất rừng để tìm trầm bì, gây mất an ninh, làm gia tăng nạn phá rừng và nguy cơ trôi rửa đất.
Cần chấn chỉnh kịp thời
Ðể xử lý dứt điểm nạn khai thác vàng sa khoáng, cát, đá trái phép, chủ yếu là địa bàn các huyện Sơn Hòa và Sông Hinh, tỉnh Phú Yên đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bản đồ khoanh vùng cấm các hoạt động khoáng sản đến năm 2020. Ðồng thời ban hành và quán triệt thực hiện Chỉ thị 02 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản. Triển khai thực hiện Kế hoạch số 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị và các tổ chức, cá nhân có hoạt động khoáng sản phải quán triệt và thực hiện tốt các nội dung sau: Khoáng sản là tài nguyên không tái tạo phải được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả; mọi hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản phải có chủ trương đầu tư của UBND tỉnh. Chế biến khoáng sản phải sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Việc xuất khẩu khoáng sản phải tuân thủ theo quy định của Chính phủ, không xuất khẩu khoáng sản thô; quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của tỉnh phải phù hợp với quy hoạch khoáng sản chung của cả nước và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện chủ trương thăm dò, khai thác, xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng như: quặng diatomit, vàng, đá hoa trắng, đá granit, khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, quặng bauxit, quặng sắt, quặng titan, nước khoáng và các loại khoáng sản khác.
Trước mắt, trong năm 2013 tỉnh Phú Yên sẽ tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản; kiểm soát chặt chẽ việc cấp phép và quản lý khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với các yêu cầu bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý các hành vi sai phạm.
Bài và ảnh: TRÌNH KẾ