Tuy nhiên, một thực tế là tình hình vi phạm về pháo vẫn diễn biến phức tạp, nhất là từ cuối năm 2020 đến nay, tình trạng mua bán, vận chuyển pháo trái phép có chiều hướng gia tăng, với số lượng lớn, chủ yếu qua các tuyến biên giới phía bắc giáp Trung Quốc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên giáp Lào đưa vào nội địa để tiêu thụ. Tính từ ngày 15-12-2019 đến 15-12-2020, Công an các địa phương đã vận động nhân dân giao nộp 1,4 tấn pháo các loại, phát hiện, bắt giữ hơn 3.400 vụ, gần 4.000 đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép pháo, thu hơn 35 tấn pháo các loại… Ðã khởi tố, truy tố 393 vụ, 493 đối tượng, xử lý hành chính hơn 1.300 vụ.
Ðáng chú ý, thời gian gần đây, bên cạnh các vi phạm về pháo, xuất hiện nhiều vụ việc liên quan đến chế tạo, sử dụng pháo tự chế dẫn tới những tai nạn đau lòng. Ðiển hình như đầu tháng 1 vừa qua, Bệnh viện Việt Ðức Hà Nội đã tiếp nhận nam bệnh nhân D.T.H. 15 tuổi, ở Hải Dương bị thương do pháo tự chế phát nổ. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bị nhiều vết thương nặng gây dập nát ở tay và chân. Theo lời kể của gia đình bệnh nhân, H. cùng bạn mua bột về chế tạo pháo, trong lúc chế tạo thì đột nhiên phát nổ dẫn tới thương tích. Mới đây nhất, ngày 14-1, Công an xã Pơng Drang, huyện Krông Búk (Ðắk Lắk) đã phát hiện em U.H.P. (sinh năm 2006, học sinh Trường THCS Lê Hồng Phong, trú tại thôn Ea Tút, xã Pơng Drang) sản xuất pháo nổ trái phép. Tại cơ quan Công an, em U.H.P. khai nhận đã tự học cách chế tạo thuốc nổ trên Youtube sau đó lên mạng đặt mua 1,5 kg hóa chất (gồm 1kg KCLO3 và 0,5 kg bột lưu huỳnh), ống nhựa PVC về cắt thành đoạn nhỏ khoảng 5 cm, trộn hỗn hợp hóa chất trên với bột than của gia đình để làm pháo nổ. Em U.H.P. làm được 23 quả pháo, đã đốt một quả, còn 22 quả bán cho một người dân ở thị xã Buôn Hồ (Công an đã thu hồi được). Số hỗn hợp còn lại, em P. đã cho em P.N.H. (học cùng lớp) để làm pháo. Vào ngày 11-1, em H. cũng làm pháo như trên nhưng đã bị nổ, hậu quả làm cháy sém vùng da mặt, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Hòa Bình (thị xã Buôn Hồ). Những trường hợp nêu trên chỉ là số nhỏ trong rất nhiều vụ liên quan việc sử dụng pháo nổ, đặc biệt là sử dụng pháo tự chế.
Để ngăn chặn tình trạng đốt pháo, nhiều địa phương đã có văn bản chỉ đạo kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra vi phạm về pháo trên địa bàn. Tuy nhiên, đó chưa phải là biện pháp có thể xử lý triệt để. Ðể hạn chế "tận gốc" tình trạng sản xuất, buôn bán, vận chuyển, sử dụng pháo nổ, pháo tự chế, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân, nhất là nhóm thanh, thiếu niên hiếu động, hiểu biết về sự nguy hiểm của pháo nổ, pháo tự chế. Chỉ khi ý thức của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi khu dân cư, khu phố được nâng lên… mọi người sẽ tự giác nhắc nhở, vận động nhau không sử dụng các loại pháo nổ vi phạm pháp luật và gây nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng bản thân và người chung quanh. Bên cạnh đó, để ngăn chặn tội phạm về pháo, tại các địa phương, lực lượng công an, nhất là cảnh sát khu vực cần "đi từng ngõ, gõ từng nhà", đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động ký cam kết không sản xuất, buôn bán, vận chuyển, nhập khẩu, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép; phát động phong trào vận động nhân dân giao nộp pháo và tham gia phát hiện, ngăn chặn các đối tượng có hành vi sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng pháo trái phép. Ðối với những đối tượng cố tình sản xuất, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ pháo cần khởi tố, truy tố với khung hình phạt nghiêm khắc. Ðồng thời, các ngành chức năng cần phối hợp với lực lượng công an triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt mới có thể hạn chế các vi phạm pháp luật về pháo, để không còn xảy ra những vụ việc đau lòng do pháo nổ gây ra trong mỗi dịp Tết đến, Xuân về.