NATO thoát khỏi tình trạng "chết não"?

Lo bảo vệ sườn phía Đông
0:00 / 0:00
0:00
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid 29/6/2022. Ảnh | REUTERS
Quang cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Madrid 29/6/2022. Ảnh | REUTERS

Trong ba ngày cuối tháng 6 vừa qua, tại các sảnh số 9 và 10 khu tổ hợp hội chợ IFEMA ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhóm họp Hội nghị thượng đỉnh thường niên để bàn thảo các vấn đề liên quan đến an ninh khu vực và thế giới. Những bất ổn an ninh trên phạm vi khu vực châu Âu và toàn cầu mà cuộc chiến ở Ukraine, hiện đã bước sang tháng thứ năm, mang tới đã khiến các thành viên NATO đưa ra những quyết định mang tính lịch sử.

Gần ba tuần trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh NATO, ngày 10/6, Nhóm Bucharest gồm 9 nước Bulgaria, Cộng hòa Czech, Estonia, Hungary, Latvia, Lithuania, Ba Lan, Romania và Slovakia ra Tuyên bố chung kêu gọi NATO tăng cường năng lực phòng thủ ở sườn phía Đông của khối này. Tại Hội nghị thượng đỉnh, NATO quyết định tăng quân số của Lực lượng phản ứng nhanh của NATO từ 40.000 người lên hơn 7 lần, tới 300.000 người. Thủ tướng Estonia, bà Kaja Kallas, bày tỏ hy vọng NATO sẽ tăng cường sự hiện diện lên một sư đoàn từ 20.000 đến 25.000 quân tại mỗi nước cộng hòa vùng Baltic.

Trong khi đó, đại diện của nước chủ nhà Tây Ban Nha bày tỏ mong muốn NATO cân nhắc vấn đề an ninh ở sườn phía Nam của khối để đối mặt với những thách thức như dòng người di cư bất hợp pháp từ châu Phi, hoạt động của các nhóm Hồi giáo cực đoan từ khu vực Sahel...

Trong ngày thứ hai của Hội nghị thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ J.Biden thông báo Mỹ sẽ thiết lập một cơ sở quân sự thường trực ở Ba Lan, phân bổ thêm hai phi đội máy bay F-35 tại Anh, tăng thêm quân số đóng quân ở Romania, bố trí các hệ thống phòng không ở Italy và Đức. Nhà Trắng cũng thông báo tăng gấp rưỡi số khu trục hạm (từ 4 chiếc lên 6 chiếc) lớp Arleigh Burke tại căn cứ hải quân Rota ở Tây Ban Nha. Số binh sĩ Mỹ ở châu Âu dự kiến sẽ tăng lên mức 100.000 người, kể từ mốc 80.000 người ở thời điểm cuối tháng 2 năm nay.

Ngày 30/6, ngày cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh NATO, Thủ tướng Anh Boris Johnson thông báo Anh đã quyết định tăng ngân sách quốc phòng từ mức 2,3% GDP trong năm 2022 này lên mức 2,5% GDP vào năm 2030. Anh cũng bổ sung thêm 1.000 quân và một hàng không mẫu hạm lớp Queen Elizabeth để tăng cường năng lực phòng thủ ở sườn phía Đông của NATO.

Có thể thấy là ở Hội nghị thượng đỉnh Madrid lần này, NATO đã thoát ra khỏi tình trạng "chết não", như Tổng thống Pháp từng đánh giá, để tăng cường mạnh mẽ khả năng tác chiến của liên minh này nhằm đối phó với cái mà NATO gọi là "mối đe dọa" từ phía Nga do cuộc chiến ở Ukraine gây ra.

Nước cờ lợi hại của Ankara

Như là một hệ quả của chiến dịch quân sự đặc biệt mà Nga tiến hành ở Ukraine, hai quốc gia Bắc Âu là Phần Lan và Thụy Điển bất ngờ bày tỏ mong muốn trở thành thành viên NATO. Cả hai nước chính thức đệ đơn xin gia nhập NATO vào ngày 18/5/2022.

Tuy nhiên, triển vọng Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO đã sớm bị đặt dấu hỏi khi Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ ngăn cản lá đơn của hai nước, do Ankara tức giận trước việc hai quốc gia này có quan hệ với Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) mà Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng là chi nhánh Syrie của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Ankara liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.

Với động thái này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đặt toàn bộ NATO vào tình thế phải "mặc cả" để có thể đưa hai nước Bắc Âu gia nhập NATO. Cả Mỹ lẫn Phần Lan, Thụy Điển cùng nhiều đồng minh khác trong NATO cấp tập lao vào các cuộc đàm phán mà thế thượng phong thuộc về chính quyền của Tổng thống Erdogan.

Đến ngày 28/6, ngày đầu tiên của Hội nghị thượng đỉnh NATO, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tuyên bố không ngăn cản hai nước Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO, đồng thời ký một Bản ghi nhớ ba bên với hai nước Bắc Âu. Theo Bản ghi nhớ này, hai quốc gia Bắc Âu cam kết sẽ hợp tác cùng Ankara trong cuộc chiến chống khủng bố "dưới mọi hình thức và biểu hiện của nó", coi Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) là tổ chức khủng bố, thực hiện yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ về việc dẫn độ và trục xuất các nhà hoạt động người Kurd, đồng thời sửa đổi luật để tạo điều kiện dẫn độ các nghi phạm khủng bố.

Nội dung Bản ghi nhớ ba bên khẳng định Phần Lan và Thụy Điển ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào PESCO, một dự án hợp tác quốc phòng của EU cho phép di chuyển tự do các đơn vị quân đội trong nội bộ châu Âu, đồng thời đồng ý dỡ bỏ lệnh cấm vận chuyển giao vũ khí đối với Thổ Nhĩ Kỳ. Như một "phần thưởng" cho sự nhượng bộ của Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ cũng đồng ý bán 40 máy bay chiến đấu F-16 cho Ankara.

Khi rào cản từ phía Thổ Nhĩ Kỳ được dỡ bỏ, ngày 29/6, ngày thứ hai của hội nghị, NATO chính thức mời Phần Lan và Thụy Điển gia nhập liên minh. Quyết định kết nạp Phần Lan và Thụy Điển cần phải được quốc hội của cả 30 nước thành viên NATO chấp thuận và theo Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, quy trình này sẽ được đẩy nhanh hơn so với bình thường.

Cuối cùng thì với việc hai nước Bắc Âu gia nhập NATO - một biến động địa chính trị có thể nói là lớn nhất do hậu quả cuộc xung đột ở Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ là bên được hưởng lợi lớn nhất.

Phản ứng trước động thái mở rộng NATO mới nhất này, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố phía Nga "không có vấn đề gì" với việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO nhưng nhấn mạnh rằng: "Nếu lực lượng và cơ sở hạ tầng quân sự được triển khai ở đó, chúng tôi có nghĩa vụ phải phản ứng tương xứng và đưa ra các mối đe dọa tương tự với những vùng lãnh thổ gây nguy hiểm cho chúng tôi".

Một cơ cấu hợp tác an ninh phiên bản NATO châu Á?

Ở Hội nghị thượng đỉnh Madrid, không chỉ có mặt 30 nhà lãnh đạo các nước thành viên NATO mà còn có đại diện ngoại giao của các nước hiện không phải thành viên như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, New Zealand, những quốc gia thuộc về châu Á.

Trong khi NATO là một liên minh quân sự với các thành viên nằm ở hai bờ Đại Tây Dương, sự xuất hiện của bộ trưởng ngoại giao các quốc gia châu Á tại một Hội nghị thượng đỉnh của khối này cho thấy tính nhất quán trong chính sách của Mỹ dưới chính quyền của Tổng thống J.Biden: thiết lập các liên minh rộng lớn nhằm đối phó với những đối thủ hùng mạnh của Mỹ ở bất cứ đâu trên thế giới. Với việc mời bộ trưởng ngoại giao một số quốc gia châu Á tới hội nghị, Mỹ và NATO đã xác định các lợi ích an ninh của khối này mở rộng sang không gian Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Khi công bố Khái niệm chiến lược mới ở Hội nghị thượng đỉnh Madrid, lần đầu tiên NATO đã xác định Trung Quốc là một "thách thức mang tính hệ thống" của liên minh quân sự này. Tài liệu về Khái niệm chiến lược mới của NATO đề cập các mối đe dọa hiện nay là "toàn cầu và liên kết với nhau", trong khi những chuyển động tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng, có những tác động tới an ninh của NATO.

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg kêu gọi "nhận thức sâu sắc về các thách thức nghiêm trọng" mà Trung Quốc đang đặt ra đối với NATO. Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như quan hệ gắn kết giữa Trung Quốc và Nga đã khiến NATO thấy rằng mối quan tâm của họ không chỉ còn giới hạn ở hai bờ Đại Tây Dương nữa.

Liệu có chăng trong tương lai sẽ xuất hiện một NATO phiên bản châu Á? Không một ai biết chắc được nhưng các cuộc tập trận chung giữa Mỹ với một số quốc gia ở châu Á đang diễn ra; tháng 4 năm 2022, các thành viên NATO đã nhất trí tăng cường hợp tác chính trị thiết thực với Australia, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Tờ Thời báo Eo biển của Singapore đưa tin Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc tiết lộ, họ đã gia nhập Trung tâm phòng thủ không gian mạng tập thể của NATO với tư cách "bên tham gia đóng góp" và trở thành cơ quan đầu tiên ở châu Á có chức năng này...

Một cơ cấu hợp tác an ninh mới ở châu Á đang dần ló dạng.