Nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, đưa tàu bè đi sâu vào bờ sông và bến cảng

Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 theo phương thức đối tác công tư PPP.
0:00 / 0:00
0:00
Nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4, đưa tàu bè đi sâu vào bờ sông và bến cảng

Đây là một trong năm cây cầu nằm trong quy hoạch của Thành phố Hồ Chí Minh bắc qua sông Sài Gòn tạo đà phát triển kinh tế-xã hội, góp phần khai thác tiềm năng du lịch.

Theo phương án đề xuất mới, cầu Thủ Thiêm 4 có thiết kế tĩnh không độc đáo, có thể nâng hạ nhịp chính thông thuyền với tĩnh không 45m. Thiết kế cây cầu này cũng nhận được nhiều ý kiến và sự quan tâm của chuyên gia kinh tế, đô thị tại Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn”, do Báo Nhân Dân tổ chức.

Nguồn vốn 6.000 tỷ đồng, thi công năm 2025

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 thực hiện theo hình thức BOT, có tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay). Trong đó, vốn ngân sách thành phố khoảng 2.826,3 tỷ đồng (chiếm 49,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay); vốn BOT khoảng 2.883,4 tỷ đồng (chiếm 50,5% tổng mức đầu tư không bao gồm lãi vay).

Thời gian thực hiện dự án trong giai đoạn 2024-2028. Thời gian xây dựng từ năm 2025-2028. Thu phí BOT trong vòng 18 năm 8 tháng (năm 2028 đến 2048). Cầu Thủ Thiêm 4 có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,16 km (phần cầu dài 1.635m, phần đường dẫn hai đầu cầu dài 525m). Quy mô mặt cắt ngang cầu gồm sáu làn xe.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải Trần Quang Lâm cho biết, hiện nay Khu đô thị mới Thủ Thiêm chỉ kết nối giao thông với khu trung tâm hiện hữu tại địa bàn Quận 1 và quận Bình Thạnh, chưa kết nối được với Quận 4, Quận 7 và khu đô thị nam thành phố.

Do vậy, dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 được thành phố xác định là dự án trọng điểm, cấp bách, cần ưu tiên đầu tư để dần đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung toàn khu theo đúng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời khi dự án hoàn thành sẽ tạo thêm một trục giao thông mới theo hướng đông-nam thành phố, kết nối khu vực nam thành phố với khu trung tâm và thành phố Thủ Đức ở phía đông. Qua đó sẽ giảm áp lực giao thông cho các trục đường Nguyễn Tất Thành-cầu Khánh Hội, cầu Kênh Tẻ, cầu Ông Lãnh, cầu Nguyễn Văn Cừ.

Theo ông Trần Quang Lâm, cầu Thủ Thiêm 4 với kiến trúc độc đáo, hài hòa, chưa từng có ở Việt Nam và giống mô hình cây cầu Jacques Chaban-Delmas bắc qua dòng sông Garonne ở thành phố cảng Bordeaux (Pháp). Khi hoạt động bình thường cầu có tĩnh không 15m, khi có tàu lớn đi qua tĩnh không 45m nên tạo điều kiện cho các tàu cỡ lớn, tàu du lịch ra vào thuận tiện.

Do đó, khi cầu hình thành sẽ giúp phát triển về du lịch cho Thành phố Hồ Chí Minh, vốn là lợi thế của thành phố với sông Sài Gòn, bến cảng Nhà Rồng, các công trình nằm dọc hai bên bờ sông. Công trình còn làm gia tăng hiệu quả kinh tế và mang lại các tiện ích, phúc lợi cho cộng đồng xã hội, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Nối nhịp bờ vui, tàu bè đi sâu vào thành phố

Thiết kế tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 vừa được Sở Giao thông vận tải trình Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải trước những góp ý, hiến kế của các chuyên gia kinh tế, đô thị đầu ngành tại Hội thảo “Ảnh hưởng của tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 đến tiềm năng phát triển du lịch khu vực cảng Sài Gòn” do Báo Nhân Dân tổ chức vào trung tuần tháng 8/2023.

Tại hội thảo này các chuyên gia cho rằng, nếu với thiết kế tĩnh không thông thuyền của cầu Thủ Thiêm 4 (thiết kế cũ dưới 15m) sẽ ảnh hưởng đến tiềm năng phát triển du lịch của Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng tĩnh không cầu không chỉ nhìn ở góc độ quy hoạch, mỹ quan mà còn góp phần tạo thêm những loại hình du lịch đặc sắc, thúc đẩy sự phát triển du lịch thành phố đúng với tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, Thành phố Hồ Chí Minh chính là thành phố cảng xuất hiện sớm nhất của Việt Nam theo những tiêu chí phổ quát của thế giới. Do đó nếu thành phố không quan tâm đến độ tĩnh không của các cây cầu, thì sông Sài Gòn - “vốn đi sâu vào trong lòng thành phố” sẽ có khả năng bị đứt đoạn, qua đó “khai tử không gian cốt lõi” cũng như danh vị “Thành phố Cảng”.

Ông Phan Xuân Anh, Giám đốc Công ty Du lịch thuyền Sài Gòn chia sẻ sự phấn khởi khi biết thông tin Sở Giao thông vận tải đã điều chỉnh nâng tĩnh không cầu Thủ Thiêm 4 bởi lẽ rằng có sông là có cảng, có tàu. Tàu chạy là cảng “sống” và tàu đã tiến sát vào thành phố.

“Sông Sài Gòn chính là nền văn minh Nam Bộ. Chúng ta cần tính toán kỹ phương án thiết kế cầu Thủ Thiêm 4, bởi chỉ cần tĩnh không sai sẽ làm ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động vận tải du lịch trên sông. 90% du khách của tôi vào Vũng Tàu đều về Thành phố Hồ Chí Minh hết, vì về thành phố chính là về cảng...”, ông Xuân Anh từng trình bày quan điểm tại hội thảo.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cảng Sài Gòn - Một vị trí có tính lịch sử, văn hóa đã từng là thương cảng quốc tế sầm uất thì nên chuyển thành một trung tâm dịch vụ tàu biển quốc tế hay “giết chết” nó để biến nơi đây thành chỗ ở, những biệt thự, chung cư, đây là một câu hỏi cần thành phố phải có lời giải nghiêm túc.

Do đó, Thành phố Hồ Chí Minh nên tận dụng vị trí của cảng Nhà Rồng-Khánh Hội để xây dựng một cảng du lịch tàu biển đón du khách trong và ngoài nước với mục tiêu biến nơi đây thành trung tâm hoạt động thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế đêm của thế giới. Làm được như vậy, trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ trở thành trung tâm du lịch quốc tế với thế mạnh là du lịch tàu biển.

Dự án cầu Thủ Thiêm 4 nằm trên địa bàn thành phố Thủ Đức và Quận 7 với diện tích thực hiện dự án khoảng 16,7 ha. Điểm đầu kết nối với đường Nguyễn Văn Linh tại khu vực giao với đường dẫn cầu Tân Thuận 2, Quận 7; điểm cuối kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch tại nút giao thông đường R4, thành phố Thủ Đức.

Dự kiến khoảng 134 trường hợp bị ảnh hưởng dự án với kinh phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khoảng 1.387,6 tỷ đồng.