Năng suất lao động cải thiện nhưng vẫn thấp so với khu vực

NDO -

NDĐT - Tổng cục Thống kê vừa cho biết, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước đạt 93,2 triệu đồng/lao động. Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Các thí sinh Việt Nam tham gia thi tay nghề ASEAN.
Các thí sinh Việt Nam tham gia thi tay nghề ASEAN.

Ông Trương Văn Phước, Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định, tăng trưởng kinh tế năm 2017 vượt mục tiêu một phần là nhờ năng suất lao động dần được cải thiện, việc sử dụng các nguồn lực sản xuất dần hiệu quả hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng NSLĐ cao trong khu vực ASEAN. Theo Ngân hàng Thế giới, tính chung giai đoạn 10 năm 2007-2016, NSLĐ của Việt Nam tăng trung bình hàng năm 4,2%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân của Singapore (1,5%/năm); Malaysia (1,9%/năm); Thái-lan (2,5%/năm); Indonesia (3,5%/năm); Philippines tăng (2,8%/năm); Campuchia (4,1%/năm), nhưng thấp hơn Lào (5,3%/năm) và Myanmar (14,6%/năm).

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê lưu ý, mức NSLĐ của Việt Nam hiện vẫn rất thấp so với khu vực. Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái-lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% NSLĐ của Lào. Đáng chú ý là chênh lệch về NSLĐ giữa Việt Nam với các nước vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo Tổng cục Thống kê, có nhiều nguyên nhân dẫn đến năng suất lao động của Việt Nam thấp và còn khoảng cách xa so với các nước trong khu vực ASEAN như: Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, lao động trong nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, trong khi năng suất lao động ngành nông nghiệp ở nước ta còn thấp; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng, cơ cấu và hiệu quả sử dụng lao động chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, một số yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua như xuất phát điểm của nền kinh tế thấp; trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động, đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) còn thấp; còn một số “điểm nghẽn” về cải cách thể chế và thủ tục hành chính.