Dân làng nghề mê... xuất khẩu
Dẫu không lam lũ ruộng đồng, bốn thành viên trong gia đình nghệ nhân làm hàng mây tre đan Nguyễn Văn Trung vẫn đầu tắt mặt tối suốt mấy tuần qua chuẩn bị lô hàng mới.
Mồ hôi ướt đẫm áo, khệ nệ xếp mấy bộ bàn ghế mây vào kho, người từng là nghệ nhân đầu tiên và trẻ nhất miền bắc, cho biết, gia đình đang chuẩn bị hàng xếp đủ container kịp giao cho bạn hàng ở Tây Ban Nha.
Ông Trung nói: Hợp đồng đã được thỏa thuận qua mạng rồi, chờ đối tác mở LC chuyển tiền về là tôi mời cán bộ hải quan, nhân viên kiểm dịch về làng làm thủ tục. Xong, tôi xuống cảng Hải Phòng trước vài ngày làm hợp đồng chuyên chở. Hàng lên tàu thì mới là lúc thở phào.
Người nông dân này đã hơn 30 năm đeo đuổi nghề thủ công mà cha ông để lại, giờ đây nói chuyện bán hàng sang bên "Tây" nghe cứ nhẹ như đèo bao thóc ra chợ Ngã Tư Sở vậy!
Làng nghề mây tre Phú Vinh lâu đời nhất trong số bảy làng nghề truyền thống thuộc xã Phú Nghĩa, Chương Mỹ (Hà Tây). Vào thời vụ, làng thu hút hơn 1.000 lao động. Hàng chục năm qua, lực lượng lao động ở Phú Vinh quanh năm dành hết thời gian sản xuất hơn 500 mẫu hàng bán sang thị trường hàng chục nước trên thế giới. Giữa bộn bề rơm rạ bên đường mùa gặt, ít ai biết, hầu hết nông dân gánh gồng trên những cánh đồng kia, là bà con các xã lân cận Trường Yên, Ðông Phương Yên, Ðại Yên, Thủy Xuân Tiên...
Những năm gần đây, gần chục nông dân làng nghề Phú Vinh đã mạnh dạn lập công ty, doanh nghiệp gia đình. Mô hình tổ hợp, cơ sở của ông Nguyễn Văn Trung thu hút hơn 300 lao động địa phương tham gia "mạng lưới" liên kết làm ăn. - "Với đà này, thành công ty tư nhân rồi, chúng tôi phấn đấu doanh thu năm nay đạt ba tỷ đồng, thu nhập người lao động trung bình từ 700 nghìn đến một triệu đồng/tháng". Ông Trung nói đầy tự tin
Ông Trung tự coi mình là một nông dân bám nghề đi lên, và gần như thành đạt với nghề. Ông đã đoạt gần 40 giải thưởng lớn ở trong nước và quốc tế dành cho "nghệ nhân có bàn tay vàng". Hiểu được sự thăng trầm của làng nghề, ông cho biết, gia đình và nhiều bà con rất quan tâm tìm hiểu những cơ hội cũng như thách thức khi Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). "Hàng" "made in Phu Vinh" sẽ xuất khẩu được nhiều hơn" - Ông Trung giải thích, các cơ sở kinh doanh sẽ có cơ hội làm ăn trực tiếp với đối tác nước ngoài.
Ông cho biết, hàng mây tre trên thế giới không nhiều, và sản phẩm ở nước ta thường có lợi thế về tính độc đáo, mẫu mã đa dạng. Từng tham dự nhiều hội chợ, Festival làng nghề khu vực, ông Trung nhận xét: Hàng Việt Nam mẫu mã thanh nhã, bền chắc, họa tiết tinh xảo, bán được giá hơn so với hàng của một số nước. Nhưng Indonesia có nguồn nguyên liệu dồi dào, còn doanh nghiệp Trung Quốc xúc tiến thị trường chuyên nghiệp, bài bản hơn ta. Tại Nhật Bản, các doanh nghiệp ngành thủ công mỹ nghệ liên kết làm ăn chặt chẽ, xây dựng thành hệ thống tổ chức, tập đoàn quy mô lớn.
Tìm sự độc đáo và hấp dẫn
Tác phẩm Chân dung Chủ tịch F.Castro
hoàn thành cách đây 20 năm.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, cũng như các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, sản phẩm làng nghề sẽ được hưởng mức thuế như các thành viên WTO khác, thấp hơn mức hiện nay. Qua việc thông thương trao đổi, nông dân có cơ hội nắm bắt được kỹ thuật, bí quyết sản xuất, đổi mới công nghệ, máy móc, mang lại hiệu quả cao.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tiêm, Giám đốc Trung tâm Tư vấn phát triển nông nghiệp, nông thôn, phân tích: Trong "cuộc chơi" mới, tầm quan trọng của lợi thế cạnh tranh truyền thống như tài nguyên thiên nhiên, chi phí lao động rẻ đang giảm sút. Thay vào đó, tri thức, công nghệ và kỹ năng lao động giỏi trở thành yếu tố quyết định sự thành công trong cạnh tranh trên thị trường. Sản phẩm mang ra sân chơi lớn phải là món có hàm lượng văn hóa, hàm lượng chất xám cao, thật độc đáo, hấp dẫn mới mong "ăn tiền" người ta được!
Thực trạng hiện nay ở những làng nghề như Phú Vinh ra sao? Năm ngoái, qua một công ty trung gian ở miền nam, gia đình ông Trung bán hết hai công-ten-nơ gồm 33 mặt hàng như đĩa, cốc, chân đèn, bàn ghế... sang Ðức với số tiền gần 50 nghìn USD. Tuy nhiên, ông nói, mình vẫn chưa biết nhiều về các đối tác, nhu cầu thị trường nước bạn, mà buôn bán vẫn theo cách "mò mẫm, dò dẫm".
Riêng xã Phú Nghĩa, năm ngoái, giá trị xuất khẩu sản phẩm từ làng nghề đạt 30,5 tỷ đồng. Theo lời của Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Văn Hồng, Nghị quyết Ðảng ủy xã ấn định mức phấn đấu từ nay đến năm 2010, giá trị sản phẩm của bảy làng nghề mang đi xuất khẩu là 50 tỷ đồng!
Tuy nhiên, một khó khăn lớn của các doanh nghiệp nông thôn nói chung, doanh nghiệp làng nghề nói riêng là thiếu thông tin, thiếu sự hỗ trợ về luật pháp quốc tế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nói một cách hình ảnh: Giữa biển cả thương trường thế giới, doanh nghiệp đành "tự bơi, chơi vơi giữa cuộc chơi" vì thiếu... nhạc trưởng! Như thế, hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất ở làng nghề như cơ sở của ông Trung phải tự trang bị kiến thức, kể cả bỏ tiền túi "mua" thông tin, thuê tư vấn luật kinh doanh ngoại thương tìm hiểu thông lệ quốc tế.
Hướng mở cho làng nghề
Trước khó khăn của các doanh nghiệp làng nghề, Hiệp hội làng nghề Việt Nam đã chủ động xúc tiến một số công việc bước đầu. Ông Lưu Duy Dần cho biết, vừa qua, Hiệp hội gặp gỡ, tiếp xúc gần 30 đại sứ, thương vụ nước ta tại các quốc gia, nhất là khu vực châu Phi, Mỹ la-tinh, EU, Mỹ, Nhật Bản... để tìm hiểu về thông tin thị trường, môi trường luật pháp nước bạn.
Làng nghề truyền thống như Phú Vinh, theo kế hoạch sẽ được quy hoạch quy củ, và tập trung hơn. Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Văn Hồng cho biết, làng nghề tập trung xây dựng vài doanh nghiệp đầu tàu để tổ chức mạng lưới liên doanh, liên kết, từ khâu sản xuất, xúc tiến thương mại đến tiêu thụ sản phẩm.
Vừa qua, xã đã được phê duyệt xây dựng điểm khu công nghiệp diện tích 10 ha. Trong số gần 20 doanh nghiệp ở địa phương, ai đăng ký vào đây sẽ được xem xét giải quyết mặt bằng nhà xưởng, miễn thuế đất...
Ðây chính là vấn đề ông Nguyễn Văn Trung quan tâm lâu nay. - "Lực lượng lao động thì đủ rồi, nhưng mặt bằng đặt văn phòng, rồi kho bãi còn căng lắm". Ông Trung nói thêm, muốn làm lớn phải liên doanh, liên kết, tổ chức lại sản xuất theo hướng chuyên nghiệp hơn. Khi khu công nghiệp đi vào hoạt động, các doanh nghiệp trong và ngoài xã Phú Nghĩa sẽ hợp tác, mở rộng sản xuất, chủ động liên kết tham gia xuất khẩu khi có hợp đồng lớn.
Như lẽ tự nhiên, sắp tới, từ sức ép của đời sống hội nhập và cạnh tranh gay gắt, sẽ thức tỉnh khả năng, năng lực nội sinh tiềm ẩn trong các doanh nghiệp. Ðiều đó đã và đang diễn ra với hàng nghìn nông dân dám nghĩ, dám làm khác tại hơn 1.100 làng nghề trong tỉnh Hà Tây.
Hẳn thế, từ năm ngoái, gia đình ông Trung họp bàn quyết định nối mạng internet ADSL (tốc độ cao) với niềm hy vọng tìm thêm nhiều cơ hội làm ăn. Tối tối, ông Trung và cậu con trai cả là sinh viên Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp lúi húi vào mạng tìm kiếm thông tin.
- Tôi đang xem xét hợp đồng với một đối tác mới từ Tây Ban Nha. Nếu họ "OK", sang năm phải huy động con em, bạn bè, học trò từ các nơi làm đủ hàng để "xuất" tầm 15-20 công-ten-nơ. Họ hứa tháng tới sang Hà Nội về Phú Vinh xem mẫu hàng. Nghệ nhân làng nghề từng sang Cu-ba năm năm truyền nghề cho nông dân nước bạn phấn khởi nói như vậy khi chia tay.