Đó là không ngừng đổi mới về tư duy đối ngoại; chú trọng làm tốt công tác nghiên cứu dự báo, tham mưu chiến lược về công tác đối ngoại; phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại, ngoại giao trong tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ chế độ XHCN; đối ngoại phải tiếp tục đi đầu trong huy động các nguồn lực bên ngoài để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước; phải phát huy tối đa thế và lực để nâng cao vị thế, uy tín của đất nước; phải kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại.
Vận dụng sáng tạo nội dung cuốn sách và các bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại, ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, thời gian qua, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện tốt công tác biên giới lãnh thổ, góp phần củng cố vững chắc đường biên giới hòa bình và hợp tác, phát triển. Ngoại giao kinh tế đã được tỉnh triển khai mạnh mẽ, hiệu quả hơn. Năm 2023 kinh tế-xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước phát triển khá, nhất là phát triển mạnh về số doanh nghiệp. Toàn tỉnh có thêm 623 doanh nghiệp đăng ký mới, với tổng vốn 5.662 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 4.130 doanh nghiệp với tổng vốn 49.300 tỷ đồng, 785 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động. Hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục được duy trì và phát triển tại 6 cửa khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tỉnh năm 2023 ước đạt hơn 4.600 triệu USD, tăng 70,6% so với cùng kỳ. Kết quả PCI do VCCI công bố năm 2022 tỉnh đạt 67,88 điểm, tăng 21 bậc so với năm 2021, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, nằm trong top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất Việt Nam.
Lạng Sơn là điểm nối quan trọng trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc)-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, đồng thời là cầu nối, cửa ngõ không chỉ của Việt Nam mà cả các nước ASEAN với thị trường Quảng Tây và miền Nam Trung Quốc trong Khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc (CAFTA).
Là công dân của tỉnh Lạng Sơn, tôi mong muốn đối ngoại địa phương cần tiếp tục tranh thủ tối đa các yếu tố thuận lợi, các mối quan hệ đối ngoại rộng mở, các cam kết, thỏa thuận quốc tế để góp phần mở rộng không gian phát triển cho tỉnh trong thu hút đầu tư công nghệ, tri thức, du lịch, các nguồn lực khác phục vụ cho phát triển nhanh, bền vững của địa phương.
Để phát huy vai trò tiên phong của đối ngoại phục vụ phát triển bền vững, tỉnh cần phát triển đối ngoại theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, trong đó then chốt là nâng cao chất lượng năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại địa phương.
Cơ quan đối ngoại của tỉnh cần chủ động hơn trong công tác tham mưu cho các cấp chính quyền, cụ thể hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển của địa phương, phát huy tốt thế và lực mới của đất nước để đẩy mạnh đối ngoại địa phương một cách đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả, làm cho tỉnh Lạng Sơn ngày càng hấp dẫn, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư, thật sự là điểm sáng đầu tư ở khu vực đông bắc của nước ta.
HOÀNG VĂN ĐÔNG (Xã Cao Lâu, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn)