Nâng cao hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Tiếp theo và hết ) (*)

Bài 2: Tập trung khắc phục những bất cập, hạn chế

Sau hai năm triển khai đề án Chương trình OCOP tại Hà Nội và các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng, kết quả đạt được rất phấn khởi, nhưng việc triển khai bộc lộ một số hạn chế, bất cập, cũng như các khó khăn, vướng mắc. Những trở ngại này cần sớm được tháo gỡ để việc triển khai đạt hiệu quả cao hơn.

Các sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp tư nhân Phú Long (khu 20, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định. Ảnh: TRẦN KHÁNH
Các sản phẩm chế biến từ đông trùng hạ thảo của doanh nghiệp tư nhân Phú Long (khu 20, thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu, Nam Định) được công nhận sản phẩm OCOP của tỉnh Nam Định. Ảnh: TRẦN KHÁNH

Kết quả chưa tương xứng với tiềm năng

Mặc dù Chương trình OCOP nhận được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các địa phương, sự tham gia, đồng lòng ủng hộ, sự nỗ lực của các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và người dân và đã đạt kết quả bước đầu, nhưng so với tiềm năng, lợi thế, kết quả này vẫn chưa tương xứng. Sau hai năm triển khai chương trình, có 392 sản phẩm được Hà Nội và các tỉnh phân hạng, là kết quả quá khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế của một vùng có địa bàn rộng, đất đai màu mỡ, bằng phẳng, nhân lực dồi dào, nhiều làng nghề truyền thống.

Trong các địa phương của vùng, tỉnh Thái Bình triển khai chương trình này chậm nhất. Đến nay, tỉnh mới khảo sát xong 16 sản phẩm tham gia OCOP. Trong thời gian đầu thực hiện, tỉnh rất lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Mãi đến cuối năm 2019, tỉnh mới thuê đơn vị tư vấn ở Hà Nội và Quảng Ninh hỗ trợ xây dựng Đề án. Đầu năm nay lại bị tác động bởi dịch Covid-19, cho nên đến tháng 4-2020 tỉnh mới triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020. Chính vì thế, số tiền hỗ trợ 500 triệu đồng cho mỗi sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, mặc dù được tỉnh phê duyệt từ năm 2018, đến nay vẫn chưa giải ngân được. Chủ thể sản xuất 16 sản phẩm vừa được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh khảo sát để tham gia OCOP rất ít. Chỉ có một số ít là mô hình HTX hoặc công ty TNHH, còn hầu hết là hộ sản xuất gia đình, quy mô hoạt động nhỏ lẻ. Đồng chí Nguyễn Đăng Dần, Chủ tịch UBND xã Nguyên Xá (huyện Đông Hưng), nơi có sản phẩm bánh cáy làng Nguyễn cho biết, làng Nguyễn có 150 hộ sản xuất mặt hàng này quanh năm, khoảng 1.200 hộ làm theo mùa vụ. Nhưng địa phương chỉ chọn được một hộ là Xưởng chế biến thực phẩm bánh kẹo đặc sản Thiên Đức tham gia Chương trình OCOP. Các hộ dân còn lại, mặc dù đã tuyên truyền nhiều nhưng cũng không mặn mà tham gia. Một số địa phương còn thờ ơ trong triển khai chương trình này.

Trong 62 sản phẩm OCOP đã được chứng nhận của tỉnh Nam Định, có 40 sản phẩm của huyện Hải Hậu, 12 sản phẩm của TP Nam Định, nghĩa là, tám huyện còn lại của Nam Định chỉ đóng góp 10 sản phẩm, trong đó có huyện không tham gia được một sản phẩm nào.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên. Về khách quan, trước hết là do nhiều cơ sở sản xuất không đáp ứng được tiêu chí nguồn nguyên liệu tại địa phương. Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ý Yên (Nam Định) Trịnh Văn Mậu cho biết: Ý Yên là địa phương có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng, như đúc đồng Vạn Điểm, đúc thép Tống Xá, sơn mài, đồ thờ Cát Đằng, đồ gỗ Yên Ninh… nhưng tất cả những sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương này đều không thể làm chu trình OCOP, do không đáp ứng được tiêu chí nguồn nguyên liệu tại địa phương. Nguyên nhân thứ hai là từ cuối năm 2019 đến nay, dịch bệnh kéo dài, ảnh hưởng sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ở địa phương có thế mạnh về đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, năm 2018, anh Nguyễn Văn Bình cùng 22 thành viên khác thành lập mới HTX Nuôi trồng, chế biến thủy sản Hải Điền (xã Hải Chính, huyện Hải Hậu) nuôi các loại cá, tôm, cua nước mặn, lợ trên diện tích 12,5 ha thuộc hai xã Hải Chính và Hải Lý. Với công suất chế biến từ một đến hai tấn/ngày, HTX đạt doanh thu hơn 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho khoảng 30 lao động lúc cao điểm. Tháng 4-2020, HTX đạt chứng nhận OCOP ba sao cho hai sản phẩm chả cá và chả mực. Sản phẩm bán khá chạy tại các gian hàng nông sản sạch các tỉnh Thái Nguyên, Yên Bái, Lào Cai…, nhưng dịch bệnh Covid-19 làm hoạt động sản xuất có phần đình trệ. Vì bán chậm, lãnh đạo HTX Hải Điền hiện tại chưa thể nghĩ đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm đã đạt OCOP, hay tiếp tục hoàn thiện thêm các sản phẩm khác.

Tuy nhiên, những nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Trước hết là do nhận thức và sự vào cuộc của hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương còn chậm, chưa xác định rõ được vai trò và vị trí của chương trình, dẫn đến quá trình triển khai chưa được quan tâm, chưa bài bản và quyết liệt. Công tác truyền thông còn hạn chế, cho nên nhiều chủ thể sản phẩm OCOP tiềm năng chưa hiểu rõ và nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định Nguyễn Sinh Tiến cho biết: Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn chưa nắm rõ ý nghĩa của sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Muốn các doanh nghiệp tham gia OCOP, ngành nông nghiệp cấp tỉnh, cấp huyện đều phải đến tận nơi vận động, thuyết phục, hỗ trợ toàn diện chu trình OCOP từ thủ tục kiểm định chất lượng, mẫu mã bao bì cho đến xây dựng câu chuyện sản phẩm. Rất ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động tìm đến để được hỗ trợ đưa sản phẩm tham gia OCOP. Chính vì vậy, chương trình triển khai có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nhiệt tình, trách nhiệm của cán bộ. Trong khi đó, bộ máy tổ chức triển khai chương trình còn thiếu đồng bộ ở các địa phương, có tỉnh, thành phố giao cho Văn phòng Điều phối nông thôn mới, có tỉnh giao cho Chi cục Phát triển nông thôn, năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ tham mưu, triển khai còn thiếu và yếu. Một số địa phương coi Chương trình OCOP là của riêng ngành nông nghiệp, cho nên thiếu sự phối hợp, vào cuộc của các ngành liên quan.

Bên cạnh đó, hệ thống các chính sách, cơ chế hỗ trợ chủ thể phát triển sản phẩm tuy khá đầy đủ, nhưng thiếu đồng bộ, chưa được xác định rõ ràng, dẫn đến sự lúng túng và khó khăn cho các địa phương. Việc huy động nguồn lực cho chương trình còn hạn chế, mới chỉ dựa vào nguồn ngân sách Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), mà chưa có giải pháp lồng ghép các chương trình, dự án và nguồn lực xã hội và cộng đồng. Thực tế triển khai Chương trình OCOP ở các địa phương cho thấy, nhiều chủ thể sản xuất còn có tâm lý trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Quy mô sản xuất của các chủ thể còn nhỏ, công nghệ lạc hậu, mẫu mã, kiểu dáng, bao bì chậm đổi mới, gặp khó khăn khi vay vốn. Các sản phẩm đăng ký thương hiệu và sở hữu trí tuệ còn ít. Các sản phẩm xuất khẩu trực tiếp đạt tỷ lệ thấp. Công tác tổ chức triển khai chu trình OCOP chưa đồng bộ, chủ yếu hỗ trợ các sản phẩm đã hình thành, tập trung vào công tác xây dựng hồ sơ, đánh giá và phân hạng sản phẩm. Thiếu các giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm mới, thúc đẩy sản phẩm chế biến, ngành nghề truyền thống với lợi thế và tiềm năng của các địa phương.

Hoạt động xúc tiến thương mại tuy được các địa phương triển khai, nổi bật nhất là TP Hà Nội với việc tổ chức các hội chợ, hội nghị kết nối, nhưng nhìn chung còn manh mún, thiếu đồng bộ. Các địa phương chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP, trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực, tạo động lực cho các chủ thể tham gia vào chương trình. Nam Định đã thành lập Hiệp hội Nông nghiệp sạch của tỉnh, tạo được kênh giới thiệu, phân phối các sản phẩm nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, gian hàng này mới chỉ xuất hiện ở TP Nam Định, chưa phổ biến tại các huyện. Ngay ở Hà Nội cũng thiếu địa điểm lưu giữ, quảng bá tinh hoa nghệ thuật của các làng nghề Việt Nam tới du khách trong nước và quốc tế. Mới đây, doanh nhân Hà Thị Vinh đã đầu tư xây dựng Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt ở khu vực gần làng gốm Bát Tràng, trong đó dành 50 gian hàng cho các làng nghề quảng bá sản phẩm OCOP miễn phí.

Để chương trình đạt kết quả cao hơn

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của Chương trình OCOP, giúp chương trình đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương (Bộ NN và PTNT) Nguyễn Minh Tiến cho rằng, các địa phương cần xác định Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm, gắn với xây dựng NTM bền vững. Cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đưa việc chỉ đạo và tổ chức triển khai chương trình vào các Nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp, chương trình hành động và kế hoạch của cấp ủy, chính quyền địa phương. Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng về Chương trình OCOP, nhất là cần hiểu đúng và đầy đủ về quan điểm, định hướng của chương trình, gắn với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ đặc sắc, truyền thống và có lợi thế ở mỗi địa phương, theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị, gắn với cộng đồng.

Các địa phương cần nghiên cứu, ban hành các chính sách để hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, trên cơ sở phát huy được điều kiện, lợi thế để nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất và phát triển. Các giải pháp hỗ trợ cần trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào hai nhóm sản phẩm chính. Trong đó, đối với các sản phẩm OCOP đã hình thành, đã được đánh giá, phân hạng OCOP cần tập trung vào hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ các chủ thể phát triển thị trường, kênh phân phối sản phẩm OCOP. Với các sản phẩm tiềm năng: ưu tiên các ý tưởng sản phẩm mới, nhất là sản phẩm chế biến, chế biến sâu, sản phẩm truyền thống gắn với lợi thế, tiềm năng của địa phương; tập trung hỗ trợ hình thành các phương án kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị; phải có sự tham gia của cấp xã, cấp huyện để hỗ trợ từ khi hình thành ý tưởng, xây dựng và triển khai phương án kinh doanh, hỗ trợ chủ thể tiếp cận tín dụng, ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề… để các chủ thể nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm OCOP. Tổ chức triển khai chương trình, chu trình OCOP một cách đồng bộ, nhất là vai trò của cấp xã trong việc định hướng, xây dựng kế hoạch của địa phương; và hỗ trợ chủ thể, người dân tham gia chương trình, phát triển sản phẩm OCOP.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là ở cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành phố, trong thời gian tới cần tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách của chương trình, nhất là các chính sách hỗ trợ trực tiếp trong triển khai chương trình, giúp các địa phương, chủ thể OCOP có thể tiếp cận, áp dụng đồng bộ và hiệu quả. Tập trung xây dựng và ban hành bộ tài liệu tập huấn, hướng dẫn triển khai chương trình theo đúng quan điểm, định hướng về tiếp cận sản phẩm, nội dung hỗ trợ, giúp các địa phương, doanh nghiệp và người dân hiểu rõ và hiểu đúng về chương trình. Tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, bao gồm cả đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực cho các chủ thể OCOP; cán bộ quản lý, hệ thống tư vấn OCOP chuyên nghiệp và có chất lượng cao. Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí về sản phẩm OCOP theo hướng nâng tầm sản phẩm OCOP gắn với lợi thế, tiềm năng sản phẩm địa phương. Hình thành tiêu chuẩn sản phẩm để giúp các địa phương, chủ thể OCOP xây dựng định hướng, giải pháp phát triển sản phẩm. Xây dựng hệ thống quản lý, giám sát và hỗ trợ sản phẩm OCOP gắn với phát triển công nghệ số, làm cơ sở thúc đẩy hoạt động giám sát sản phẩm OCOP, quảng bá và giới thiệu sản phẩm, hệ thống kết nối cung - cầu đồng bộ và hiện đại. Tập trung vào các giải pháp xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP, xây dựng hệ thống các sự kiện, chương trình hằng năm, đồng bộ và kết nối từ Trung ương đến địa phương; xây dựng hệ thống nhận diện và thương hiệu OCOP để nâng cao hình ảnh, giá trị sản phẩm OCOP trên thị trường và người tiêu dùng; ưu tiên các hoạt động quảng bá gắn với phát triển du lịch NTM.

Từ kết quả bước đầu, thời gian tới, TP Hà Nội và các tỉnh phía nam đồng bằng sông Hồng cần phát huy những thế mạnh, kinh nghiệm đã có, khắc phục bất cập, hạn chế, để hoàn thành những mục tiêu cao hơn của Chương trình OCOP, góp phần xây dựng vùng đồng bằng sông Hồng trở thành địa bàn phát triển kinh tế năng động của cả nước.

----------------------------

(*) Xem Báo Nhân Dân từ số ra ngày 11-8-2020.