Sáng 12/1, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021” và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì. Đồng chí Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng, Trưởng Ban Chỉ đạo đề án, chủ trì hội nghị.
Báo cáo hội nghị nêu rõ: triển khai đề án, các địa phương củng cố, phát triển, duy trì hơn 2.000 Câu lạc bộ pháp luật và Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý; 1.084 Trung tâm tư vấn pháp luật; hơn 1.100 Tổ tuyên truyền pháp luật; 9.828 Tổ hòa giải. Các cơ quan, đoàn thể phối hợp tổ chức hàng nghìn đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại cơ sở, gần 145 nghìn cuộc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thu hút hơn 6,8 triệu lượt người nghe.
Nhất là, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, bộ đội biên phòng thông qua các cuộc tuyên truyền đã nâng cao ý thức cho nhân dân trong việc nhận thức, chấp hành nghiêm quy định về phòng, chống dịch, tích cực tham gia cùng địa phương, bộ đội biên phòng đấu tranh, tố giác người xuất, nhập cảnh trái phép, góp phần ngăn chặn, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập, lây lan qua biên giới vào nội địa.
Các đồn biên phòng phối hợp địa phương xây dựng 1.084 tủ sách ở các địa phương, hơn 1.000 tủ sách ở các đơn vị quân đội, công an đứng chân trên địa bàn phục vụ nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân. Bình quân mỗi tủ sách có từ một đến 3.000 cuốn sách, báo, tạp chí.
Quá trình triển khai xuất hiện các mô hình, phong trào tiêu biểu, với nhiều nội dung phong phú, đa dạng gắn các phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”, “Toàn dân tham gia phòng, chống dịch Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép”, chương trình “Hải quân nhân dân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi bám biển”, “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, các mô hình “Hợp sức toàn dân tấn công tội phạm”, “Thôn, xóm, bản, làng bình yên không có tội phạm, tệ nạn ma túy”, “Dân vận khéo”.
Các mô hình, cách làm hay góp phần đưa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trở thành việc làm thường xuyên của các cấp, các ngành, các lực lượng vùng biên giới hải đảo. Tiêu biểu là các địa phương, đơn vị: Điện Biên, Lạng Sơn, Nghệ An, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đắk Nông, Bộ đội Biên phòng, Hải quân, Cảnh sát biển…
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương đánh giá: Đề án góp phần xây dựng tinh thần thượng tôn pháp luật, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, nâng cao nhận thức, hiểu biết, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo. Góp phần ổn định, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kiềm chế tội phạm; ý thức quốc gia, chấp hành các quy chế, quy định về bảo vệ biên giới, trách nhiệm tố giác tội phạm của nhân dân được nâng lên.
Hiệu quả từ Đề án đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ở khu vực biên giới, biển đảo. Đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo không ngừng được cải thiện, nhiều khởi sắc. Nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân được củng cố vững mạnh. Thời gian tới, phát huy kết quả đạt được, cần có sự tham gia trách nhiệm, tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương trong cả nước, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
Dịp này, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Trung tướng Lê Đức Thái, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Bộ Trưởng Quốc phòng trao Bằng khen tặng 72 tập thể, 139 cá nhân.