Tham dự hội thảo có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương cùng đông đảo các học giả, nhà khoa học.
Phát biểu chào mừng, Quyền Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật (Nhà xuất bản) Phạm Chí Thành khẳng định, trong quá trình Đảng ta lãnh đạo cách mạng Việt Nam, sách lý luận, chính trị luôn là vũ khí đấu tranh cách mạng sắc bén, có vai trò định hướng, hướng dẫn sự nghiệp đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam vì lý tưởng cao cả.
Trong hành trình 75 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã có những đóng góp xứng đáng vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, công cuộc đổi mới đất nước và hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xứng đáng là "đơn vị sự nghiệp Trung ương của Đảng, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Ban Bí thư, có chức năng là cơ quan xuất bản chính trị của Đảng và Nhà nước".
Việc tổ chức hội thảo là hoạt động quan trọng và có ý nghĩa nhân dịp Kỷ niệm 75 Ngày truyền thống Nhà xuất bản (5-12-1945 – 5-12-2020) và chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, đất nước ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới trong bối cảnh thế giới và khu vực biến động rất nhanh, phức tạp, khó dự đoán.
Trong lĩnh vực tư tưởng, lý luận xuất hiện nhiều vấn đề thực tiễn, nhiều quan điểm, tư tưởng lý luận mới, phức tạp cần được nhận thức, tổng kết, luận giải và đánh giá để có định hướng xử lý đúng đắn, kịp thời. Trong khi đó, các thế lực phản động, thù địch, các phần tử cơ hội chính trị với nhiều thủ đoạn tinh vi thường xuyên chống phá, xuyên tạc nền tảng tư tưởng, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước ta.
Bên cạnh nhiều kết quả rất quan trọng đã đạt được, cần thẳng thắn nhìn nhận, chất lượng, hiệu quả công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị còn những hạn chế. Nội dung nhiều cuốn sách lý luận, chính trị còn thiếu sức thuyết phục, hấp dẫn, lôi cuốn người đọc. Công tác thẩm định, rà soát, biên tập còn để sai sót.
Công tác phát hành sách lý luận, chính trị vẫn còn bất cập, mạng lưới phát hành phát triển chậm. Sách lý luận, chính trị phục vụ nhiệm vụ tuyên truyền ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và người Việt Nam ở nước ngoài còn ít, chưa phù hợp với các đối tượng người đọc.
Công tác xuất bản các ấn phẩm sách điện tử còn chậm; cơ chế, chính sách cho công tác xuất bản theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa đồng bộ. Một số chế độ, chính sách về đầu tư, thuế, nhuận bút, bản quyền tác giả, phí phát hành chưa phù hợp với tính đặc thù của sách lý luận, chính trị.
Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý các vi phạm chưa kịp thời, nhất là tình trạng in lậu sách vẫn diễn ra rất phức tạp. Nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền về vị trí, vai trò của sách chính trị, lý luận, pháp luật chưa đầy đủ. Ý thức, văn hoá đọc sách lý luận, chính trị trong cán bộ, đảng viên và nhân dân có chiều hướng giảm sút.
Tình hình đó đòi hỏi sách lý luận, chính trị phải đổi mới mạnh mẽ về nội dung, thuyết phục về lập luận, tiếp tục là vũ khí sắc bén, tiên phong trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác có hiệu quả các quan điểm sai trái, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị.
Công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị phải được đổi mới toàn diện, đồng bộ để thật sự nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động. Các nhà xuất bản lý luận chính trị nói chung và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật nói riêng phải phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, đã nỗ lực phải nỗ lực hơn nữa vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Đặc biệt, cần quán triệt sâu sắc Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư về việc xác định nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, đảng viên, là một trong những hoạt động chính trong sinh hoạt định kỳ của các tổ chức cơ sở đảng; phát triển phong trào đọc sách lý luận, chính trị sâu rộng nhằm giáo dục nhận thức, nâng cao trình độ lý luận, củng cố lập trường, rèn luyện bản lĩnh của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ.
Do đó, hội thảo vừa là dịp để ôn lại và tôn vinh truyền thống vẻ vang của Nhà xuất bản, đồng thời cũng là dịp để nhận thức sâu sắc hơn vai trò rất quan trọng của sách lý luận, chính trị và công tác xuất bản sách lý luận, chính trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi các ý kiến, đề xuất các định hướng, giải pháp nhằm đổi mới công tác xuất bản sách lý luận, chính trị theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sát hợp với thực tiễn mới của đất nước; phát huy hơn nữa vai trò to lớn của các nhà xuất bản lý luận chính trị trong bối cảnh mới với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật là nòng cốt.
Hội thảo đã nhận được 70 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các nhà khoa học. Các tham luận đã tập trung phân tích, đánh giá làm sáng tỏ, sâu sắc những vấn đề cơ bản hiện nay trong công tác xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị.
Đó là đánh giá những đóng góp quan trọng của sách lý luận, chính trị và công tác xuất bản sách lý luận, chính trị đối với việc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xây dựng Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật trở thành trung tâm xuất bản, phát hành sách lý luận, chính trị; giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với các cơ quan liên quan về xuất bản sách lý luận, chính trị theo Chỉ thị số 44-CT/TW ngày 16-4-2020 của Ban Bí thư.
Nhận diện bối cảnh, điều kiện mới và phương hướng, giải pháp đổi mới công tác xuất bản, phát hành, nghiên cứu, học tập sách lý luận, chính trị phục vụ sự nghiệp đổi mới và hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Sách lý luận, chính trị có vị trí, vai trò rất quan trọng, trực tiếp truyền bá, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, nâng cao trình độ nhận thức, bản lĩnh chính trị của các tổ chức và cá nhân trong xã hội, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng và các tầng lớp nhân dân đối với mục tiêu, lý tưởng và con đường cách mạng mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trích tham luận gửi tới hội thảo của Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Quốc phòng