Mỹ la-tinh đối mặt nhiều thách thức

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều khía cạnh đời sống xã hội trên toàn thế giới. Chính phủ các quốc gia Mỹ la-tinh đang gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết nạn thất nghiệp và bảo đảm an ninh lương thực, những vấn đề được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp.

Xếp hàng chờ xin việc tại Xao Pao-lô, Bra-xin. Ảnh EFE
Xếp hàng chờ xin việc tại Xao Pao-lô, Bra-xin. Ảnh EFE

Khép lại ba quý đầu năm 2020, dịch Covid-19 đã khiến khu vực Mỹ la-tinh mất tới 34 triệu việc làm, trong đó ảnh hưởng đặc biệt nặng nề tới lao động trẻ và nữ giới. Tại chín quốc gia lớn nhất khu vực, gồm Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê, Cô-lôm-bi-a, Cô-xta Ri-ca, Mê-hi-cô, Pa-ra-goay, Pê-ru và U-ru-goay, tỷ lệ lao động có việc làm chỉ đạt 51,5% trong nửa đầu năm 2020, mức thấp nhất trong lịch sử.

Theo Ủy ban Kinh tế Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê thuộc Liên hợp quốc (CEPAL), GDP của khu vực sẽ suy giảm tới 9,1% trong năm 2020, mức thấp lịch sử kể từ năm 1900. CEPAL dự báo, tỷ lệ thất nghiệp sẽ lên mức 13,5% vào cuối năm nay, tương đương 44 triệu người trong tổng số 313 triệu người trong độ tuổi lao động của khu vực. Tại Ác-hen-ti-na, Viện thống kê và điều tra quốc gia (INDEC) cho biết, tỷ lệ đói nghèo trong nửa đầu năm 2020 ở mức 40,9%, tăng hơn 5% so mức ghi nhận cuối năm 2019, trong đó tác động trực tiếp tới 56,3% số trẻ em trên cả nước. GDP trong bảy tháng đầu năm giảm 12,6% so cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong quý II-2020 cũng chạm mốc 13,1%, cao nhất trong vòng 15 năm qua.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, tỷ lệ thất nghiệp trong quý II-2020 ở Bra-xin đã chạm mức kỷ lục 13,8%, tăng 2% so cùng kỳ năm 2019. Bra-xin có tổng số ca nhiễm cao thứ ba thế giới sau Mỹ và Ấn Ðộ, song số người chết do Covid-19 lại đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ. Khoảng 50 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch phải đóng cửa, cùng 481 nghìn việc làm liên quan chỉ trong sáu tháng. Ngân hàng trung ương Bra-xin dự báo, GDP nước này sẽ giảm 5,04% trong năm 2020. Theo Viện địa lý và thống kê Bra-xin (IBGE), trong tháng 7 vừa qua, có tới 13,1 triệu người đang tìm việc làm. Tuy nhiên, mong muốn tìm kiếm việc làm trở nên rất khó khăn, do các biện pháp hạn chế để phòng, chống dịch.

Giám đốc phụ trách khu vực Mỹ la-tinh và Ca-ri-bê thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) V.Pi-nhây-rô nhận định, cuộc khủng hoảng lao động sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng tại hầu hết các nước trong khu vực. Việc thị trường lao động đang dần được khôi phục trong quý III vừa qua là tín hiệu tích cực hiếm hoi, trong bối cảnh các quốc gia vẫn đối mặt nhiều thách thức, tính bất ổn cao, bất bình đẳng trong thu nhập và cơ hội tìm kiếm việc làm phù hợp.

Nhằm từng bước tái thiết thị trường việc làm, ILO khuyến khích các quốc gia Mỹ la-tinh đưa ra kế hoạch phục hồi kinh tế dựa trên an toàn y tế trong hoạt động kinh doanh và ưu tiên tạo việc làm bền vững. Bên cạnh đó, chính phủ các nước cần chú trọng củng cố cơ chế đối thoại xã hội để tạo sự hài hòa và đồng thuận; quá trình khôi phục kinh tế diễn ra đồng thời với chuyển dịch sản xuất và tiến tới các mô hình phát triển bền vững, phổ quát hơn.

CEPAL cũng khuyến cáo, để vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch, chính phủ các nước trong khu vực cần duy trì các chính sách kích thích kinh tế, mở rộng chi tiêu tài khóa, đồng thời huy động nhiều hơn những nguồn lực bên ngoài.

Chính phủ Ác-hen-ti-na đã triển khai nhiều gói trợ cấp trực tiếp cho hơn chín triệu dân, song song thúc đẩy các sáng kiến tăng cường hỗ trợ người nghèo. Hiện 25% dân số quốc gia này được chính phủ hỗ trợ thực phẩm miễn phí. Chính phủ nước láng giềng Bra-xin cũng được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá cao khi đưa ra nhiều chính sách mạnh mẽ nhằm ngăn chặn đà suy thoái sâu nền kinh tế, giúp ổn định thị trường tài chính và giảm bớt tác động của đại dịch tới người nghèo. Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB) mới đây đã thông qua khoản vay trị giá 750 triệu USD để hỗ trợ khoảng 11 nghìn doanh nghiệp Bra-xin đối phó tình trạng thiếu vốn và thúc đẩy phục hồi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế.

HUY VŨ