Món quà xuân hương sắc của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn

Mùa xuân này, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vừa tròn 82 tuổi. Tuy tuổi cao, sức yếu, nhưng sức sáng tạo nghệ thuật của ông vẫn như thuở nào.
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (đứng giữa) trong đêm nhạc biểu diễn các tác phẩm của ông. (Ảnh VGP/HUY PHẠM)
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn (đứng giữa) trong đêm nhạc biểu diễn các tác phẩm của ông. (Ảnh VGP/HUY PHẠM)

Mới đây nhất, ông đã giới thiệu đến công chúng yêu âm nhạc hai ca khúc “Hành quân nghe O hát Xa khơi” và “Nụ cười thành phố”.

Những sáng tác mới đã cho thấy tài năng, nhiệt huyết, và tình yêu thắm thiết với cuộc sống của người nhạc sĩ - tác giả của những ca khúc sống mãi với thời gian như: “Qua sông”, “Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn” và nhất là “Đất nước”, “Bài ca không quên”... từng theo bước những đoàn quân ra trận trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, vang vọng trên các chiến hào của những người lính tình nguyện Việt Nam làm nghĩa vụ quốc tế ở đất bạn Campuchia hay bảo vệ biên cương phía bắc.

Cho đến bây giờ, những ca khúc của ông vẫn được các ca sĩ trẻ hát trên các sân khấu đương đại, làm lay động lòng người và dâng trào cảm xúc về quê hương, đất nước, về những thế hệ đi trước để chúng ta thêm trân quý.

Ở tuổi 82, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tiếp tục có nhiều sáng tác âm nhạc mới cống hiến cho đời và xuân này là hai ca khúc “Nụ cười thành phố” hưởng ứng cuộc thi âm nhạc “Đất nước trọn niềm vui” của báo Người Lao động phát động và bài hát “Hành quân nghe O hát Xa khơi” mới được Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức thu thanh với tiếng hát nam ca sĩ Võ Thành Tâm để giới thiệu đến đông đảo công chúng yêu âm nhạc.

Nhớ lại năm 1963 của thế kỷ trước, một tốp ca nữ lừng danh nhất bấy giờ của Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, bao gồm các nghệ sĩ: Ngọc Dậu, Tân Nhân, Chu Tứ, Thiên Nga, Hoàng Anh, Mai Lan, Phương Thảo, Đàm Nọc, Thu Phương… với chiếc khăn rằn khoác vai, vừa hát, vừa đệm đàn thập lục đã mang ca khúc “Qua sông” của ông đi khắp các miền đất nước, theo bước chân chiến sĩ vượt Trường Sơn, theo họ trong từng trận đánh khốc liệt và đến nhiều nước trên thế giới.

Ở nơi đâu, các nghệ sĩ cũng được hoan nghênh nhiệt liệt khi giai điệu bài hát “Qua sông” với hình ảnh những cô gái chèo xuồng đưa đoàn quân ra trận trong cuộc chiến đấu của quân dân miền nam kiên cường chống Mỹ, cứu nước: “Hò khoan, chúng em khua mái chèo/ Ðưa các anh qua dòng sông lạnh lẽo/ Ðường hành quân các anh đi khắp nẻo/ Vì quê hương mà anh chẳng ngại gian lao/ Hò khoan hỡi khoan hò khoan hỡi khoan hò khoan...”.

Mọi người lại càng hoan nghênh nhiệt liệt hơn khi biết đây là một bài hát được sáng tác từ chiến trường miền nam gửi ra và của một nhạc sĩ rất trẻ mới 21 tuổi của Đoàn Văn công giải phóng là nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. Trong đạn lửa và gian lao, bài hát vừa trữ tình lãng mạn, vừa phơi phới một niềm lạc quan cuả tuổi trẻ miền nam tham gia kháng chiến: “Dòng sông, dòng sông rọi ánh trăng thanh/ Long lanh in hình đoàn giải phóng ớ qua sông/ Qua sông ra chiến trường/ Nơi miền quê khói lửa tràn lan/ Vì tương lai tay súng em sẵn sàng/ Bảo vệ xóm làng để tiếng hò ngân vang”.

Với bài hát này, tốp ca nữ của Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương biểu diễn cũng nhận được niềm yêu mến. Năm 1965, bài hát được Giải thưởng văn học nghệ thuật cao quý mang tên Nguyễn Đình Chiểu của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền nam. Bên cạnh những văn nghệ sĩ giải phóng “cây đa cây đề” thâm niên, Phạm Minh Tuấn là tác giả trẻ nhất được nhận giải thưởng này.

Năm ấy, chàng trai trẻ Phạm Minh Tuấn đang là nhạc công của Đoàn Văn công giải phóng, ngày đêm tay súng, tay đàn đi chiến đấu và biểu diễn phục vụ quân và dân đánh giặc “gạo hẩm cầm hơi và điếu thuốc cũng chia đôi”. Tài năng sáng tác của Phạm Minh Tuấn cũng bộc lộ từ đây, trong khói lửa chiến tranh của miền nam anh dũng, trong ánh sáng lý tưởng cách mạng, từ trái tim rất giàu tình yêu quê hương, đồng đội của người nghệ sĩ-chiến sĩ giải phóng quân.

Năm 1968, trong chiến dịch Mậu Thân, Phạm Minh Tuấn đã cùng nhà thơ Lê Anh Xuân sáng tác nên ca khúc “Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn” rất đặc sắc và tiếp tục được tốp ca nữ Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương ở miền bắc làm tiết mục chủ lực đi biểu diễn khắp nơi, được phát trên làn sóng đài vào tận Sài Gòn, động viên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân dân ta...

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Phạm Minh Tuấn vẫn là người nhạc sĩ năm xưa, trong trẻo, giàu ánh sáng lý tưởng. Ông vẫn là nhạc sĩ của khát vọng, của tình yêu và của “Bài ca không quên” đậm đà tình nghĩa đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp: “Bài ca tôi không quên, tôi không quên/ Tháng ngày vất vả/ Bài ca tôi không quên, tôi không quên/ Gót mòn hành quân hối hả/ Làm bạn cùng trăng và ôm súng ngắm sao khuya”.

Có lẽ bởi ân tình sâu đậm ấy, ông không bao giờ quên những đồng đội cùng mình chiến đấu năm xưa, là em gái giao liên “chỉ một lần gặp thôi mà nỗi nhớ mênh mang” và những đồng đội, đồng nghiệp tay súng, tay đàn những năm cùng ông tham gia kháng chiến. Và càng không quên các nghệ sĩ miền bắc đã hát những bài ca chiến đấu của miền nam, của chính ông mà ngày ấy chỉ được nghe từ những chiếc đài bán dẫn nhỏ xíu giữa cánh rừng Tây Ninh còn khét lẹt mùi đạn bom.

Những người nghệ sĩ ấy đã hát các ca khúc của ông, của đồng nghiệp như: “Qua sông”, “Bài ca nữ tự vệ Sài Gòn”, đã hát “Xuân chiến khu”, “Cây chông tre” và đã hát cả “Xa khơi”, “Câu hò bên bến Hiền Lương”... vì một khát vọng thống nhất nước nhà, động viên miền nam chiến đấu.

Trong ca khúc mới nhất “Hành quân nghe O hát Xa khơi”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã thể hiện tình cảm in đậm một thời trong lòng mỗi người lính giải phóng: “Dừng chân bên bờ suối, lắng nghe O hát Xa khơi/ Nắng tỏa chiều nay.../ Đường đêm lạnh buốt chân không giày/ Thương thương lắm những chàng trai ra trận/ Hướng về Nam nên O hát Xa khơi...”.

Bài hát của người nghệ sĩ tuổi 82 thật sự rất xúc động. Nó gợi nhớ lại tháng năm, những người nghệ sĩ mang theo tiếng hát có sức mạnh của một binh đoàn ra trận. Trong binh đoàn ấy, có Phạm Minh Tuấn và vợ ông Hồng Cúc, có những nghệ sĩ văn công Giải phóng giữa rừng sâu muỗi vắt, có những nghệ sĩ của cả nước như Tân Nhân, Tường Vi, tốp ca nữ Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương đi suốt hai cuộc kháng chiến.

Bài hát của Phạm Minh Tuấn mang giai điệu hào hùng như tiếng kèn xung trận, nhưng sâu thẳm trong đó là những dạt dào tình cảm của người nghệ sĩ, dù là nam hay bắc, nhưng cùng đứng chung một chiến hào, cùng chung một lý tưởng và khát vọng thống nhất nước nhà như ông và các nghệ sĩ đã từng hát: “Bài ca tôi đã hát/ Với quê hương, với bạn bè, với cả cuộc đời/ Tôi không thể nào quên... Bài ca tôi đã hát/ Với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình/ Tôi không thể nào quên”.

Cảm ơn nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tiếp tục tận hiến cho đời những sáng tác rất có giá trị, lay động trái tim và mang nhiều ý nghĩa cho cuộc sống hôm nay... Nó nối dài thêm những sáng tác bất hủ của anh: “Đất nước”, “Bài ca không quên”, “Dấu chân phía trước”, “Đường tàu mùa xuân”, “Thành phố tình yêu và nỗi nhớ”, “Khát vọng” ...

Cũng xin được nói thêm, cùng với “Hành quân nghe O hát Xa khơi”, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn có thêm ca khúc rất ý nghĩa “Nụ cười thành phố” được ông viết để tham gia cuộc thi âm nhạc “Đất nước trọn niềm vui” do báo Người Lao động tổ chức. Đó là một góc nhìn đầy tự hào, kiêu hãnh về chặng đường vẻ vang 50 năm bảo vệ, xây dựng, phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mà nhạc sĩ là một người trong cuộc. Theo đánh giá của giới chuyên môn, tác phẩm này có giai điệu dạt dào, lời ca rất rung động lòng người...

Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn mùa xuân này là như vậy. Càng có tuổi, sáng tác của ông càng thêm sâu sắc và đó là niềm vui chung với công chúng yêu nhạc.