Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN TP Hải Phòng, trong trưa và chiều 9/10, ở vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) đã có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; từ chiều 9/10, do ảnh hưởng kết hợp của hoàn lưu cơn bão số 7 với không khí lạnh tăng cường nên gió đã mạnh lên cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 2-4m, biển động rất mạnh. Tại thời điểm 13 giờ ngày 9/10 tại đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh cấp 8.
TP Hải Phòng đã có thông báo đình chỉ hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa, phà sông, phà biển từ 11 giờ trưa 9/10.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, hiện trên vùng biển Hải Phòng vẫn còn 143 phương tiện với 393 lao động hoạt động đang được đôn đốc khẩn trương về bờ tránh trú.
Trong đó có 58 phương tiện ở vùng lộng, 85 phương tiện ở ven bờ. Hơn 2.000 phương tiện đã về neo đậu tại các bến.
Thái Bình cấm tàu thuyền ra khơi, lên phương án di dân vùng nguy hiểm
Ngày 9/10, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình ra công điện khẩn ứng phó với bão số 7 đang đi vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng ảnh hưởng đến địa phương. Nhiều biện pháp mạnh đã được đưa ra nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản cũng như hoạt động sản xuất.
Theo đó, tỉnh yêu cầu các địa phương, cơ quan chức năng khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên sông, biển nhanh chóng về nơi tránh trú an toàn. Nghiêm cấm các phương tiện ra khơi bắt đầu từ 9 giờ sáng nay đến khi có thông báo mới của cơ quan có thẩm quyền.
Thông tin từ các huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy, 2 địa phương hiện có tổng cộng 1.128 tàu thuyền với 3.344 lao động. Phần lớn lượng phương tiện đang hoạt động trên biển, trên sông đã di chuyển vào nơi tránh trú bão, thực hiện nghiêm lệnh cấm biển của tỉnh.
Đối với diện tích lúa mùa, hoa màu, tỉnh Thái Bình yêu cầu huy động tối đa nhân lực, phương tiện để thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”, giảm thiểu tới mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Bên cạnh đó, các công ty thủy nông tranh thủ mở các cống tiêu nước, nhất là cống Trà Linh và cống Lân để hạ thấp mực nước trên các trục tiêu của toàn hệ thống, kịp thời tiêu nước đệm, phòng, chống úng ngập cho lúa mùa, hoa màu và ao nuôi thủy sản do mưa lớn.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đề nghị các địa phương có phương án cụ thể di dời số lao động nuôi trồng thủy, hải sản và các hộ dân sinh sống ngoài đê chính; số ngư dân trên các phương tiện làm ăn trên sông, biển vào trong đê chính. Đồng thời có phương án di chuyển các hộ dân ở những khu nhà cao tầng đã xuống cấp đến nơi an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
Được biết, tỉnh Thái Bình hiện có khoảng 4.300 lều, chòi canh với hơn 4.000 lao động nuôi trồng thủy, hải sản tập trung chủ yếu ở 2 huyện ven biển Tiền Hải và Thái Thụy. Trao đổi với phóng viên đầu giờ chiều 9/10, Ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn huyện Thái Thụy cho hay, địa phương đã vận động được toàn bộ hơn 1.300 lao động từ các lều, chòi canh coi trên biển, sông vào nơi tránh trú an toàn.
Theo thông tin từ Trung tâm Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, do ảnh hưởng của bão số 7, từ trưa và chiều 9 đến 12/10, trên địa bàn tỉnh Thái Bình sẽ xảy ra mưa lớn diện rộng. Trong đó mưa to đến rất to tập trung từ đêm 9 đến trưa 11/10, lượng mưa phổ biến cả đợt khoảng 200-300mm.