Cần làm rõ việc phá rừng ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray

NDO -

Khoảng 40 cây trắc hơn 20 năm tuổi và nhiều cây khác bị đào bới, tàn phá trái phép tại khoảnh 8, tiểu khu 605 và khoảnh 5, tiểu khu 606, Vườn quốc gia Chư Mom Ray, thuộc địa giới hành chính xã Sơn Sơn, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Vụ việc trên do chính Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray chỉ đạo thực hiện.

Những nhánh, cành cây ngổn ngang tại hiện trường vụ chặt hạ, di dời cây.
Những nhánh, cành cây ngổn ngang tại hiện trường vụ chặt hạ, di dời cây.

Theo phản ánh của người dân tại xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy, những ngày cuối tháng 2, đầu tháng 3, trên địa bàn xã có nhiều xe cơ giới chở những cây trắc to được di thực đến nơi khác. Số xe cơ giới trên đi lại thoải mái giữa ban ngày mà không nhận bất cứ sự kiểm tra, kiểm soát nào của lực lượng chức năng.

Ngang nhiên phá rừng

Dọc theo đường Tỉnh lộ 674, xe chúng tôi đến Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gook, Vườn quốc gia Chư Mom Ray. Vì đường xấu, chúng tôi chuyển qua phương tiện di chuyển là xe máy để tiếp tục hành trình, đi hơn 1 km đến nơi rừng bị đào bới. Chỉ cách mặt đường Tỉnh lộ 674 chưa đầy 15 m, các đối tượng phá rừng thể hiện sự ngang nhiên khi không hề có sự che đậy, chỉ cần nhìn sơ vào là đã thấy được ngay vết tích của vụ tàn phá rừng.

Lực lượng bảo vệ rừng… phá rừng?! -0
Một nhánh con cây trắc. 

Tại hiện trường, một khu vực với bán kính khoảng 300 m, có thể dễ dàng đếm được khoảng 40 hố đường kính từ 1, 2 đến 3 m, gốc và thân không còn ở hiện trường, ước tính đường kính cây từ 20 đến 30 cm; dưới hố còn trơ rễ của các gốc cây trắc đã bị đào bới, lấy ra khỏi hiện trường. Chung quanh chỉ còn lại ngổn ngang cành, nhánh của cây trắc bị đào đi, có những nhánh to với đường kính từ 10-15 cm, có phần lõi lớn 5-6 cm chứng tỏ là cây lâu năm và đang phát triển tốt.

Bên cạnh những cây trắc bị đốn hạ, còn có những gốc cây lâu năm bị cưa ngang với thân cây nằm la liệt để thực hiện việc vận chuyển các cây gỗ trắc ra ngoài. Dấu vết hiện trường còn sót lại cho thấy cây trắc được đào bằng máy đào, việc cắt gọn cây thì dùng cưa lốc.

Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Văn Nghĩa, Trạm trưởng Trạm quản lý bảo vệ rừng Bar Gook, cho biết, số cây gỗ trắc trên được trồng từ năm 2002 đến nay. Trạm được thông báo sẽ có việc di thực cây từ tháng 2/2022 và việc di dời bắt đầu từ ngày 6/3. Trạm chỉ có chức năng quản lý, bảo vệ rừng chứ việc di dời cây là do lãnh đạo Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray chỉ đạo. Tổng cộng có 37 cây trắc bị di thực ra huyện để trồng cách đây hơn nửa tháng và đã được san lấp những gốc cây được đào bới để mặt bằng trở nên bằng phẳng. Sau khi vụ việc xảy ra khoảng 3 ngày, có Tổ công tác liên ngành lên kiểm tra hiện trường nhưng không lập biên bản hay có bất cứ yêu cầu gì với trạm.

Lực lượng bảo vệ rừng… phá rừng?! -0
Cây rừng chung quanh bị chặt, phá để vận chuyển các cây trắc ra ngoài. 

Khi được chúng tôi yêu cầu đưa đến địa điểm cây được di thực đến thì anh Lê Văn Nghĩa nói không biết chỗ. Chúng tôi liên hệ với đồng chí Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray thì được cho biết, số cây trắc trên là do Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray trồng từ năm 2002 (nhưng không có hồ sơ nguồn gốc lâm sản?!) và nay di thực về trong khuôn viên trụ sở Ban Quản lý. Thế nhưng, khi chúng tôi yêu cầu đến trụ sở Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray để xác thực số cây trên có di dời về đây thì đồng chí Đào Xuân Thủy lại kêu không có ai ở tại trụ sở để mở cửa.

Sự tiếp tay của cơ quan chức năng?

Lực lượng bảo vệ rừng… phá rừng?! -0
 Dấu vết những hố sâu với đường kính từ 1, 2 đến 3 m đã được lấp.

Đem sự việc đến trao đổi với đồng chí Nguyễn Khắc Sương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sa Thầy, chúng tôi được thông tin, việc số cây trắc bị đào bới, di dời thì lãnh đạo Hạt Kiểm lâm đã được đồng chí kiểm lâm địa bàn thông báo qua điện thoại từ ngày 10/3 nên chưa nắm được chi tiết cụ thể.

Khi được hỏi kiểm lâm địa bàn đã có biên bản hay báo cáo nào liên quan đến vụ việc hay chưa, đồng chí Nguyễn Khắc Sương cho biết đã có Biên bản kiểm tra nhưng biên bản đơn giản, không có cây hay tang vật nào khác tại hiện trường. Việc đào bới, đốn hạ, di dời số cây trắc trên Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray không thông báo với Hạt Kiểm lâm huyện.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Khắc Sương, Vườn quốc gia Chư Mom Ray có lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng riêng, còn lực lượng kiểm lâm trên địa bàn thì mỏng. Khi có các vụ việc vi phạm lâm luật trên Vườn quốc gia, được Vườn quốc gia thông báo thì lực lượng chuyên trách của Vườn quốc gia và lực lượng kiểm lâm sẽ phối hợp để bảo vệ nghiêm ngặt rừng.

“Việc lãnh đạo Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray nói số cây trắc trên là do trồng thì Hạt Kiểm lâm Sa Thầy không được báo cáo. Nguyên tắc cây trồng trên vườn hay rừng của Nhà nước thì không được di dời vì đó là tài sản Nhà nước. Muốn di dời phải có sự cho phép của lực lượng chức năng chứ không phải tự ý di dời. Với chức năng của mình, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thực tế như thế nào, tùy mức độ sẽ có biện pháp xử lý phù hợp”, ông Nguyễn Khắc Sương nhấn mạnh.

Lực lượng bảo vệ rừng… phá rừng?! -0
Mặc dù đã được dọn dẹp, lấp hố nhưng vẫn còn tại hiện trường là các cây khô, dấu vết của việc phá rừng. 

Thế nhưng trái với lời khẳng định kiểm tra của đồng chí Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sa Thầy, mặc dù sự việc xảy ra đã lâu nhưng phải sau khi có văn bản số 353/CCKL-TTPC ngày 23/3 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum, ngày 24/3, Hạt Kiểm lâm Sa Thầy mới làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray để “Xác minh thông tin kiến nghị, phản ánh của công dân về việc khai thác gỗ trắc tại khoảnh 1a, tiểu khu 606, lâm phần Vườn quốc gia Chư Mom Ray”.

Đáng chú ý, tại Biên bản làm việc của Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray và Hạt Kiểm lâm Sa Thầy ngày 24/3 thành phần của Hạt Kiểm lâm Sa Thầy có ghi ông Đinh Trọng Đức với chức vụ Kiểm lâm địa bàn. Thế nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, ông Đinh Trọng Đức không phải là kiểm lâm địa bàn xã Sa Sơn, nơi xảy ra vụ việc trên!

Theo Báo cáo số 127/BC-CCKL ký ngày 26/3 của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Kon Tum: Vào thời gian tháng 2 năm 2022, Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray có tiến hành hoạt động di dời các cây trắc từ khoảnh 5, tiểu khu 606 thuộc khuôn viên Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và Du lịch sinh thái về trồng tại Trụ sở Ban Quản lý. Hoạt động di dời thực hiện theo kế hoạch số 03/KH-TrT ngày 14/2 của Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học và du lịch sinh thái về việc tạo cảnh quan khu vực khuôn viên chung quanh nhà lan để phục vụ du lịch sinh thái. Tổng cộng số cây đã di dời về trồng tại trụ sở là 21 cây trắc. Nguồn gốc của các cây trắc được Vườn quốc gia Chư Mom Ray tự tổ chức trồng vào thời gian các năm từ 2002 đến năm 2004.

Lực lượng bảo vệ rừng… phá rừng?! -0
Cây khô với đường kính hơn 30 cm bị chặt hạ để vận chuyển cây trắc ra ngoài. 

Khác với thực tế chúng tôi chứng kiến tại hiện trường là hơn 40 hố to, dấu vết cây gỗ trắc bị đào và di dời đi, thì Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Hạt Kiểm lâm Sa Thầy kiểm tra, xác nhận chỉ có 21 cây được di thực về và 3 cây trắc đã đào nhưng chưa vận chuyển tại khoảnh 5, tiểu khu 605. Số chênh lệch thực tế này do đâu? Hay do việc lấp các hố cây, san phẳng mặt bằng nên các cơ quan trên tìm không ra?

Vấn đề mà dư luận tỉnh Kon Tum hiện nay đang rất quan tâm là việc Ban Quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray tự ý di thực số cây gỗ trắc trên (chưa xác minh nguồn gốc lâm sản) mà không thông báo với cơ quan chức năng là đúng hay sai? Và số các cây gỗ trắc bị đào nhưng không được di thực về khuôn viên Vườn quốc gia  hiện đang ở đâu?