Mối nước bí mật

Nước chảy ào ào không bằng hao lỗ mối (*)

(Thành ngữ)

Nhiều lần tôi ước mơ có một số tiền lớn, khi đó tôi sẽ tha hồ thực hiện những dự tính. Không lần nào giống lần nào, những dự tính cứ dày lên trong trí tưởng tượng, đến nỗi tôi đã định lấy giấy ra viết lại theo thứ tự ưu tiên. Nhỡ một lúc nào đó tiền tới bất ngờ, còn nhớ ra việc phải làm.

Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN
Minh họa: VŨ ĐÌNH TUẤN

Thế mà sáng nay, tôi đã khác. Tôi không cần đến tiền nữa.

“Không có tiền mày thì mày... uống nước lã mà sống à?”.

Nước lã thì đã sao. Tốt quá đi chứ. Tôi từng đọc một tài liệu nào đó nói rằng trong nước lã có đủ năng lượng để con người sống bình thường. Nước lã như sữa của mẹ thiên nhiên ban tặng cho trái đất. Những nhà khoa học cũng cho rằng, nước là yếu tố quan trọng nhất cho sự sống và phát triển. Khi khám phá ra một hành tinh mới, chỉ cần có nước, thì đó là hành tinh có sự sống.

Giả sử tất cả mọi người đều chỉ uống nước lã mà sống, thế giới này chắc sẽ có những thay đổi tích cực. Khi đó, môi sinh không bị tàn phá. Cá dưới sông, chim trên rừng tha hồ tung tăng bay nhảy không lo bị săn bắt hay tiệt diệt vì chất độc hóa học. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh đều phải hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước. Vì tất cả đều dùng chung một thứ thực phẩm là nước lã.

Không có những bữa tiệc thừa mứa. Không lo thực phẩm bẩn. Người nghèo khổ không đôn đáo chạy ăn từng bữa. Thế giới không còn chiến tranh bởi lòng tham bị triệt tiêu. Thay vào đó, họ để thời gian và công sức vào việc cải tạo quang cảnh đất nước thật sạch và đẹp.

Tôi viết những suy nghĩ của mình vào cuốn sổ nhật ký. Nếu tôi thử nghiệm chỉ sống bằng nước lã thành công, tôi sẽ công bố những suy nghĩ này lên mặt báo. Biết đâu, đến lúc đó mọi người học theo và tạo thành một cộng đồng có chung cách thức tiếp nhận năng lượng sống. Rồi cả một đất nước, cả thế giới nữa chứ, sẽ không cần đến thức ăn, chỉ dùng nước lã. Đồng tiền khi ấy thật vô nghĩa làm sao.

Chỗ trọ của tôi là một căn nhà cấp bốn cũ. Người chủ vốn chẳng có ý định cho thuê cho mướn vì chẳng được bao tiền mà bị người ta quấy quá bẩn thỉu. Trước đã có mấy người đến ở, lúc trả nhà thì bức tường bị trẻ con vẽ bậy bạ. Từ đó ông chủ bảo thà để hoang còn hơn cho người dưng ở. Chỉ vì thấy tôi khá thư sinh nên có chút cảm tình, ông chủ nghĩ lại, bảo thôi cho cậu ở tạm và dặn thêm không được đưa gái về ngủ. Tôi cười bảo bác khỏi lo, cháu mới ra trường, chưa có người yêu. Ông chủ nhếch mép: “Tôi thừa biết các cô cậu bây giờ. Nhưng nhớ đấy. Còn tiền thuê tùy cậu, đưa bao nhiêu lấy bấy nhiêu, không vấn đề”.

Tôi ra nhặt cỏ, xới khóm đất trước nhà, tính chuyện trồng ít hoa.

Cũng đã lâu mới cầm lại cái cuốc, một cảm giác ngần ngại, tôi phải nắn xoay vòng cán tre một lúc mới đúng. Thứ này đâu có lạ lẫm gì, mình vốn con nông dân cơ mà. Nhưng không đơn giản như tôi nghĩ, mới cuốc được chục nhát tôi đã thấy mỏi hai tay, ngực bị nhồi khó thở. Gắng thêm được năm nhát nữa, tay tôi rệu rã.

Phải nghỉ ngơi chút, có lẽ mình làm sai tư thế, hoặc do nôn nóng cuốc nhát quá to. Tôi rót một cốc nước lọc, nốc một hơi rồi nằm vật ra thềm hiên. Nước đã giúp tôi khỏe trở lại. Tôi cảm nhận được sự mát lành đi qua cổ họng khô khát. Rồi những mạch nước li ti chảy đều khắp cơ thể, phục hồi dần dần những tế bào bộ phận.

Đến trưa trời nắng lên. Chỗ đất cuốc xong để phơi nắng ít nhất hai ngày mới có thể gieo tỉa. Chí ít kinh nghiệm làm nông tôi còn nhớ, hồi đó cha dạy như thế. Kinh nghiệm của người nông dân canh tác đất khô từ xưa nay, mình không làm khác được.

Mồ hôi tôi tóa ra ướt đẫm cái áo. Sáu cốc nước uống từ sáng giờ có lẽ đã thoát ra gần hết. Tôi đứng ngắm thành quả của một buổi sáng làm nông dân. Toàn thân mỏi nhừ, thế nhưng tinh thần lại sảng khoái, nhẹ nhàng...

*

Bữa ăn đầu tiên khi tôi bắt đầu thực hành sống không cần tiền, như đã nói, chỉ một món duy nhất: nước. Như vậy đâu phải bữa ăn. Phải nói là bữa uống mới đúng.

Tôi đã đưa một lít nước đi qua cổ họng khá dễ dàng. Phần còn lại là việc của các cơ quan trong cơ thể. Hệ tiêu hóa tiếp nhận một chất quen thuộc. Chỉ khác, giờ này mọi lần lẽ ra hệ tiêu hóa phải đón được thức ăn mặn ngọt chua cay nào đó chứ không chỉ thuần khiết. Hệ tiêu hóa không ngờ rằng nó phải bắt đầu thích nghi và điều chỉnh cơ chế làm việc ngay từ lúc này. Các cơ quan nội tạng cũng phải chấp nhận sự thật này. Và quan trọng nhất là bộ não phải tư duy khác đi.

Ăn kỹ no lâu. Uống kỹ mới giúp cơ thể tiếp thu năng lượng tối ưu nhất. Tôi nuốt từng ngụm nước nhỏ và đều đặn.

Một dòng chảy đang lưu thông và tôi cảm giác được sự lan tỏa của nước trong cơ thể. Mỗi ngụm nước như một đợt sóng biển tràn vào bờ, nước ào ạt liếm mơn man vào cát trắng. Cuối cùng của đợt sóng là mớ bọt trắng. Rồi cũng chỉ trong tích tắc, bọt thấm vào cát sạch trơn. Nhưng cát đã nhận được năng lượng từ khơi xa truyền vào.

Bọt tạo ra từ các dao động cơ học của sóng nước khi ma sát với bờ cát. Trong tôi giờ đây, nước cũng đã ma sát với các tế bào để tạo ra năng lượng.

Tôi quán tưởng rất kỹ từng ngụm nước. Cứ như vậy, đầu tôi tiếp nhận được nhiều tín hiệu nhất của nước. Và kỳ lạ thay, người tôi khỏe dần ra.

Những dòng sông khởi từ thượng nguồn len lỏi trong rừng sâu. Những con suối róc rách len qua khe đá. Nước nuôi cây rừng và muông thú. Thiên nhiên hùng vĩ bắt đầu từ nước. Tôi không còn thấy cô đơn khi chỉ uống nước. Bởi vì cả thiên nhiên đang hòa vào trong cơ thể mình. Tôi thấy tôi là con nai đang chập chững nhấc những bước chân đầu tiên. Tôi thấy tôi là cây thông mới nảy mầm hôm qua, và nhờ nước mà cây thông đã có tán để reo cùng gió.

Sâu trong lòng trái đất cũng là nước. Tôi thấy mình đang lặn giữa một lớp nước mầu xanh bao la. Rồi tôi ngoi lên được giữa đại dương. Nhìn quanh cũng chỉ toàn nước. Tôi vút lên trên cao. Bầu trời đón tôi như chấp nhận một cánh chim. Và tôi ngắm quả đất, bây giờ nó thật đúng là một... quả nước.

Những ảo giác tương tự xảy đến với tôi trong bữa tối. Vẫn rừng sâu nước chảy, vẫn sóng biển, vẫn bầu trời cao xanh. Tôi nghe được tiếng những con chim cùng bay rằng bầu trời cũng là nước đấy thôi. Không thế thì làm sao dưới mặt đất có mưa. Mưa làm cho cây cối nảy mầm tốt tươi, mưa gội mát những ngày hè nóng nực, mưa làm cho con người giảm nhiệt và bớt nóng nảy cộc cằn. Mưa đã lấy năng lượng siêu nhiên truyền cho quả đất.

Hóa ra vũ trụ này là một khối năng lượng khởi đi từ nước, và cứ luân chuyển trong sự sống của muôn loài mà thôi.

*

Qua một tháng không động đến tiền bạc, không ăn một cái gì, người tôi vẫn không hề đau ốm. Bằng chứng nữa là tôi vẫn lao động ngon lành. Trước đây tôi lười vận động vì nghĩ xã hội đã phân công rất rõ ràng, có người dùng trí óc, sẽ có người khác dùng chân tay lao động.

Năm giờ sáng, tôi chạy theo con đường trong hẻm, tuốt thêm một chặng nữa là đến bờ sông. Tôi múc từng xô nước lên tưới vào những luống rau. Gì chứ nước với tôi không thành vấn đề.

Buổi sáng, mặt sông bình lặng, trong vắt. Những con cá lia thia quẫy nhẹ khi tôi nhấn cái xô xuống sông. Dường như chúng biết tôi không phải là một kẻ thù. Đúng thế, vì tôi cũng sống bằng nước, rời nước tôi sẽ chết, như cá. Lát sau, khi quay lại bờ sông múc xô nước khác, cũng một đám cá lia thia quấn tới. Tôi cẩn thận dùng tay xua chúng đi trước khi lấy nước. Làm sao tôi có thể tách đàn cá nhỏ này khỏi mặt nước cơ chứ, trong khi cả tôi và nó đang dùng chung một thứ thiên nhiên quý giá.

Năm ngoái, chỗ bờ sông này có một nhóm người thả bộc phá tự chế để đánh cá. Bộc phá ném xuống, ùm một tiếng kinh náo, mặt sông bị chọc thủng như một cái hố, bọt nước tung lên. Sông chưa kịp tĩnh nước, cả một vạt cá ễnh bụng trắng phơ nổi đơ trên mặt thoáng.

Người ta nhào xuống vớt những con cá to cỡ hai ngón tay. Còn những con cá lia thia bị đánh chết rồi bị vứt bỏ.

Những đôi mắt cá tròn xoe như bi thật đẹp chiếu thẳng lên bầu trời. Tôi nhớ tới những đôi mắt cá nằm trên bãi biển miền trung sau thảm họa môi trường do công ty thép gây ra hồi tháng tư. Những con cá chết tức tưởi vì môi sinh bị tàn phá một cách không thương tiếc.

Tôi hiểu, con người đã độc ác với thiên nhiên như thế nào. Và con người, trong cuộc kiếm sống của mình đã làm lãng phí thiên nhiên không ít.

*

Chùa Sắc Tứ, nơi tôi thường tìm đến những lúc căng thẳng mệt mỏi. Lần nào cũng phải tâm trạng lắm tôi mới tìm đến ngôi chùa ở ngoại ô thành phố, lọt thỏm giữa một thung lũng lúa. Đến nỗi, hễ cứ gặp tôi, sư thầy lại hỏi có chuyện chi bất an hả con.

Sáng nay tôi lại lên chùa. Nhưng thầy không hỏi câu đó nữa.

- Hình như hôm nay con khác mọi lần.

- Có lần nào giống lần nào đâu thầy. Thầy dạy con sự đời vô thường mà. Không ai có cùng khuôn mặt khi gặp lại.

- Đó, đó. Chính là chỗ khác biệt với mọi ngày.

Nói đến đó, thầy ngồi xuống thềm hiên. Tôi ngồi xuống theo, thấp hơn thầy một cấp. “Lận đận cả đời ri cũng khổ/ Thong dong tấc dạ rứa mà vui”. Hai câu này thầy từng đọc cho tôi nghe mấy lần. Nhưng lúc này nghe lại, tôi có cảm nhận khác.

Cây lá trong vườn chùa xao động nhẹ. Thi thoảng rớt vài chiếc lá mà người ta có thể ngắm được đường rơi một cách từ tốn.

- Đến lá cũng không thèm rơi nhanh. Và chúng ta không cần vội vàng điều gì cả.

Thầy chỉ nói một sự thật hiển nhiên mà như đang giảng pháp. Tôi nhờ những cuộc ghé thăm chùa đã tập cho mình cách sống chậm hơn. Cứ như mỗi lần vào chùa là được tiếp thêm một liều thuốc an thần. Khoảng dăm ba ngày sau, công việc hối thúc, thuốc an thần hết tác dụng, tôi lại lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền.

- Chúng ta không thể đạt tới sự vô ngã như các ngài tiền bối. Nhưng chúng ta có cách để làm cho cuộc sống của mình có mà như không, không mà như có. Ấy gọi là tu tập vậy. Cả thầy, cả con đều rất cần.

Buổi trưa, thầy nhủ tôi ở lại ăn bữa cơm chay. Gạo từ đất công quả nhà chùa. Rau trong vườn thầy và các chú tiểu tự trồng. Thầy nói toàn là những thứ đất ban tặng cho ta, ấy là chay vậy.

- Có công sức lao động nữa chứ thầy?

- Tất nhiên. Đất từ thuở xưa đến nay vẫn vậy. Phải có sức người cuốc xới gieo tỉa mới có cái mà ăn. Nhưng mình khỏi phải mất tiền đi mua. Đó là hạnh phúc.

Thầy chỉ tay vào dãy thất phía sau chùa rồi bảo lúc nào có tiếng khánh là giờ báo cơm, con hãy vào đó ăn cùng chúng điệu, còn thầy đang mùa an cư và phát tâm nhịn ăn.

Thầy bảo vì mình khai thác đất đai để ra thức ăn nên đất nó cũng mệt nhoài. Vậy thì làm sao. Mỗi năm cần cho đất nghỉ ngơi một thời gian. Đó là lúc các bậc tu hành phải thực hành nhịn ăn tùy theo công lực. Thầy thường phát nguyện nhịn ăn nửa tháng. Thời gian đó chỉ uống nước và tham thiền để tiệt diệt cơn đói, chính xác là tiệt diệt ý nghĩ về cái ăn. Như có lần thầy nói, người ta có thể sống không ăn gì khi đưa mình về trạng thái vô tướng. Vô tướng tức là không vướng bận về đời sống.

Tôi đã định thưa với thầy là mình cũng đang nhịn ăn. Nhưng có thể thầy sẽ cho rằng tôi vì thầy mà giả vờ.

Tôi nói, vậy con cũng muốn nhịn bữa trưa hôm nay, để tạ ơn trời đất đã nuôi sống ta.

Hai thầy trò vào phòng. Thầy không pha trà như mọi lần, chỉ rót ra hai cốc nước lọc trong veo.

*

Trong những ngày không dùng tiền thì tài khoản thẻ ngân hàng của tôi vẫn có biến động. Nó biến động theo hướng tích cực, tức là tăng thêm. Từ lương tháng cơ quan, nhuận bút của vài tờ báo quen gửi đến.

Hơn bốn chục triệu đồng một chút. Đối với nhiều người nó quá nhỏ bé, thậm chí với những người trẻ như tôi, chừng đó không nghĩa lý gì. Nhưng với tôi, nó khá lớn. Từ năm ngoái trở về trước tài khoản chưa bao giờ vượt bảy chữ số trước dấu thập phân. Và tôi luôn phải băn khoăn khi nó rớt xuống mức sáu số, dưới một triệu đồng là một số tiền mong manh, chẳng hạn bước ra đường và gặp một sự cố nào đó.

Bây giờ thì tôi có hơn bốn chục triệu đồng, cũng làm được nhiều thứ lắm chứ. Nhưng tôi chẳng làm gì cả, bởi chỉ cần tập trung suy nghĩ việc xử lý bốn chục triệu cho thật có ích là việc không hề dễ.

Ta ước có một đồng để làm việc gì đó, đến khi có một đồng lại nghĩ chắc phải mười đồng mới đủ nhu cầu. Sau đó, thậm chí có cả gấp trăm gấp ngàn lần như thế vẫn không bao giờ đủ cả. Nghĩa là dù ít hay nhiều, đồng tiền khó làm ta thỏa mãn, và ta luôn cảm thấy thiếu.

Nên chiều nay, khi tin nhắn báo số tiền hiện lên, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất, rằng tôi đang rất giàu. Tôi đang rất giàu. Bởi tôi không cần phải dùng đến nó nữa mà vẫn sống hạnh phúc.

*

Đất mệt nhoài vì phải gồng sức lên nuôi tất cả sinh vật. Đất cần phải nghỉ. Tôi cũng đã quá mệt mỏi bởi phải rán sức ra kiếm sống, chạy đua với mọi người. Sức người có hạn, có nhiều khi tôi đưa tay đầu hàng cuộc đời. Nhưng cái đói, cái mặc, cả nhu cầu về danh dự bản thân đã lôi tôi dậy, ném tôi vào cuộc vật lộn với những ngày sống vội vã.

Nước đã giúp tôi lấy lại thế cân bằng và sát trùng những vết thương tuổi trẻ trong trái tim tôi. Nếu một ngày nào đó bạn mệt mỏi vì kiếm tiền, hoặc mỏi mệt vì đang hết tiền, bạn có thể dừng lại và uống nước để qua bữa, thậm chí qua ngày, qua tháng. Thử đi.

Nhưng tôi không khuyên bạn kéo dài tình trạng này như tôi đã và đang làm. Vì thứ nước lã tôi đang dùng thực chất được lấy từ một khe mối do tôi phát hiện ra. Thứ nước lã đó đủ cung cấp năng lượng cho tôi sống tốt mà không phải dùng đến tiền. Cho phép tôi bí mật vị trí mối nước.

___________

(*) Mối nước (phương ngữ): nơi nước rỉ ra, ít người thấy. 

LỜI BÌNH CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN QUANG THIỀU

Câu chuyện về một mối nước bí ẩn. Mối nước đó giúp con người không cần ăn và cũng không cần tiền nhưng vẫn sống, vẫn tìm thấy hạnh phúc trong lòng mình. Sẽ rất nhiều người muốn lao đi mọi nơi mọi chốn để truy tìm cái mối nước ấy. Mà sự thật là con người đã và đang đi tìm cái mối nước bí ẩn kia bao đời nay rồi. Nhưng thật phí công và họ sẽ chẳng bao giờ tìm thấy. Bởi cái mối nước ấy nằm trong chính con người họ. Tìm cái bên ngoài thì mãi mãi chỉ tìm thấy cái vô vọng. Tìm về cái bên trong mới tìm thấy được sự huyền diệu của đời sống.

Tư tưởng của truyện ngắn này không mới. Nhưng thế gian này cũng có gì mới hơn nữa đâu. Nó chỉ mới khi con người thay đổi cách nhìn. Và cách nhìn của nhà văn Hoàng Công Danh chính là nghệ thuật để viết truyện ngắn này. Chính thế mà tôi đã hồi hộp theo suốt câu chuyện để truy tìm cái mối nước ấy. Và tôi đã tìm thấy.