Tác giả của báo cáo, ông Wulf Killmann, chuyên gia lâm nghiệp của Tổ chức Nông nghiệp và lương thực thế giới (FAO) nói: “Nạn chặt phá rừng vẫn tiếp diễn và nó sẽ tiếp tục với một tốc độ nhanh, tuy nhiên đã có một vài dấu hiệu thay đổi khả quan”.
Tàn phá rừng không chỉ làm giảm môi trường sống của nhiều động vật hoang dã mà còn làm tăng hiệu ứng nhà kính do lượng khí thải carbon trong khí quyển gia tăng.
Theo tính toán, mỗi năm nạn phá rừng sẽ làm tăng khoảng 18% lượng carbon dioxide trong không khí, là mức mà các nhà khoa học cho là nguyên nhân khiến trái đất nóng lên và gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như cháy rừng, lũ lụt và sâu bệnh.
Báo cáo cho rằng, nhu cầu đất nông nghiệp là một trong những lý do chính để rừng tiếp tục bị thu hẹp.
Tuy nhiên, cũng theo báo cáo, những động thái tích cực của một số nước trong việc tái tạo rừng đã khiến cho tỉ lệ này giảm xuống hàng năm, từ mức 9 triệu ha vào những năm 90 xuống còn 7,3 triệu ha.
Ví dụ, chương trình trồng rừng lớn ở Trung Quốc đã làm tăng tỉ lệ che phủ của rừng ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong suốt 5 năm đầu của thập kỷ này và bù đắp cho số diện tích rừng bị chặt phá trên quy mô lớn ở một số nước trong khu vực như Indonesia.
Ông Killmann cho rằng, việc tăng trưởng kinh tế quá nhanh cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ gỗ. Chính vì vậy, Trung Quốc đã ban hành chính sách trồng rừng nhằm không chỉ làm giảm phụ thuộc vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu mà còn nhằm bảo vệ đất khỏi bị xói mòn, đặc biệt là khu vực gần sa mạc Gobi.
Tương tự, ở châu Phi và châu Mỹ Latin cũng đã có nhiều nỗ lực tích cực hơn trong việc bảo vệ rừng.
Ở châu Mỹ Latin, lớn nhất là khu rừng rậm nhiệt đới Amazon – lá phổi của hành tinh – đã bị giảm xuống chỉ còn gần một nửa diện tích của lục địa này. Theo số liệu tính toán, đến năm 2005, diện tích che phủ rừng ở khu vực này chỉ còn 47% tổng diện tích toàn lục địa, so với con số 51% trong những năm 90.
Báo cáo cho biết, trong giai đoạn 2000-2005, hơn một nửa diện tích rừng bị tàn phá đều ở châu Phi. Điều này cho thấy, nghèo đói và chiến tranh cũng là những tác nhân tàn phá rừng nhiều nhất.
Mặc dù tăng trưởng kinh tế thường góp phần làm gia tăng việc đốn gỗ trái phép, nhưng FAO vẫn cho rằng, sự phát triển nói chung làm lợi cho rừng vì khi các nước đã giàu có hơn, họ có thể “quan tâm” đến rừng nhiều hơn thông qua các chính sách bảo tồn thiên nhiên.
Chứng minh cho kết luận này, FAO cho biết, những nền kinh tế tăng trưởng nhanh như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn ưu tiên và dành nhiều điều kiện cần thiết để giảm mức độ chặt phá rừng.