Tiếp nhận máy bay thế hệ mới
Ngày 12-5, tại TP Hải Phòng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ khánh thành dự án xây dựng, mở rộng Cảng hàng không (CHK) Cát Bi. Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã công bố quyết định chuyển CHK Cát Bi thành CHK quốc tế, chính thức đón các chuyến bay quốc tế từ ngày 11-5. Hiện nay, CHK Cát Bi có tần suất trung bình 36 lượt chuyến/ngày; sản lượng hành khách năm 2015 đạt gần 1,3 triệu lượt, tăng 35,6% so với năm 2014. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ GTVT, TP Hải Phòng và các đơn vị liên quan phát triển dịch vụ, du lịch, đầu tư và đặc biệt là cơ sở hạ tầng liên quan để kết nối với sân bay, chú trọng công tác bảo đảm an toàn bay, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sử dụng hiệu quả công trình.
Tại lễ khánh thành dự án, Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã đưa máy bay hiện đại thế hệ mới Boeing 787 Dreamliner thực hiện hai chuyến bay khai trương đi/đến sân bay Cát Bi. Chiếc máy bay Boeing 787 Dreamliner (số hiệu VN-A861) đã thực hiện thành công chuyến bay VN1182 từ TP Hồ Chí Minh, hạ cánh tại Cát Bi lúc 9 giờ 25 phút và chuyến bay VN1183 khởi hành từ Cát Bi đi TP Hồ Chí Minh lúc 10 giờ 45 phút. Chuyến bay khai trương được thực hiện thành công đã bước đầu đánh dấu năng lực và hiệu quả khai thác của CHK quốc tế mới Cát Bi, cho phép cất hạ cánh các máy bay hiện đại thế hệ mới của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam.
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Phạm Ngọc Minh cho biết: “Nhân dịp khánh thành CHK quốc tế Cát Bi, Vietnam Airlines vận hành, khai thác thành công và hạ cánh an toàn máy bay thế hệ mới Boeing 787 Dreamliner như một món quà chúc mừng của Hãng hàng không Quốc gia tới CHK Cát Bi nói riêng và TP Hải Phòng nói chung. Cùng với việc triển khai các dịch vụ đồng bộ tại sân bay với chất lượng bốn sao theo tiêu chuẩn quốc tế, việc đưa máy bay thế hệ mới Boeing 787 đến Cát Bi nhằm hiện thực hóa cam kết của Vietnam Airlines luôn đồng hành với các CHK trong nước, khẳng định năng lực khai thác, phát triển mạng bay nội địa và quốc tế, nâng cấp chất lượng dịch vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của hành khách”.
Vietnam Airlines đã khai thác đường bay đi/đến Hải Phòng từ những năm 1990, đến nay vẫn đang tiếp tục duy trì, phát triển để TP Hải Phòng cùng với Hà Nội trở thành trung tâm trung chuyển của khu vực Bắc Bộ. Dự kiến, trong thời gian tới, hãng sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để khảo sát, đánh giá nhu cầu tăng tần suất, mở mới các đường bay đi/đến Hải Phòng, nhất là các đường bay quốc tế, cũng như chính thức đưa vào khai thác các máy bay thế hệ mới như Boeing 787 Dreamliner và Airbus 350-900 XWB nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của hành khách. Hiện Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đang khai thác khoảng 100 chuyến/tuần trên các đường bay đi và đến sân bay Cát Bi, trong đó Vietnam Airlines khai thác ba đường bay từ Hải Phòng đi TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang và Jetstar Pacific khai thác hai đường bay Hải Phòng đi TP Hồ Chí Minh và Buôn Ma Thuột. Hải Phòng cũng là điểm đến trọng tâm, nằm trong chương trình “thương hiệu kép” giữa Vietnam Airlines và Jetstar Pacific để phục vụ nhu cầu đa dạng của hành khách đi và đến khu vực duyên hải Bắc Bộ của Việt Nam.
Đầu tư đồng bộ, hiện đại
Nằm trong mạng lưới hàng không quốc gia, CHK Cát Bi có vai trò quan trọng trong hệ thống CHK Việt Nam; trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP Hải Phòng và các tỉnh khu vực vùng đồng bằng Bắc Bộ. Được xây dựng và khai thác từ thời Pháp thuộc, sau giải phóng được tiếp tục cải tạo và nâng cấp, CHK Cát Bi chính thức mở cửa cho hoạt động dân dụng từ năm 1985. Tuy nhiên, với hiện trạng khu bay chưa hoàn chỉnh, kết cấu các công trình xuống cấp, lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu khai thác các loại máy bay hiện đại, như: B747, B777...; năng lực đạt 4.000 - 5.000 lần hạ - cất cánh/năm, tương đương khoảng 650 - 700 nghìn lượt khách/năm. Các công trình dịch vụ nhà ga hành khách, ga hàng hóa, hệ thống sân đỗ ô-tô, đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước, cấp nhiên liệu... rất nhỏ bé, lạc hậu, đầu tư không đồng bộ, không bảo đảm yêu cầu.
Những năm qua, sản lượng hành khách, hàng hóa bưu kiện thông qua CHK Cát Bi tăng rất nhanh. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015, sản lượng hành khách thông qua đạt mức tăng trưởng bình quân hơn 30%/năm. Theo Quy hoạch tổng thể được Thủ tướng phê duyệt, CHK quốc tế Cát Bi đạt cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) và sân bay quân sự cấp I, sân bay dự bị cho CHK quốc tế Nội Bài, đáp ứng hoạt động các loại máy bay hiện đại như Boeing 747, Boeing 777 và tương đương. TP Hải Phòng đã thống nhất Bộ GTVT, báo cáo và được Thủ tướng cho phép UBND thành phố Hải Phòng là cấp quyết định đầu tư và là chủ đầu tư dự án xây dựng mở rộng khu bay, Tổng công ty CHK Việt Nam (ACV) là chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam là chủ đầu tư dự án xây dựng Đài Kiểm soát không lưu của CHK quốc tế Cát Bi. Sau hơn ba năm tích cực triển khai, việc xây dựng, mở rộng CHK Cát Bi đã hoàn thành, đạt tiêu chuẩn quốc tế theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt.
Khu bay có tổng mức đầu tư 3.660 tỷ đồng, gồm đường cất hạ cánh xây mới dài 3.050 m, rộng 45m, các đường lăn chờ, hai sân quay đầu; xây dựng mới sân đỗ máy bay bảo đảm tám vị trí đỗ cho máy bay A321/giờ cao điểm; hệ thống dẫn đường hạ cánh chính xác, hiện đại,… bảo đảm máy bay có thể hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam cũng đã xây dựng, đưa vào khai thác Đài Kiểm soát không lưu với tổng mức đầu tư gần 80 tỷ đồng. Dự án xây dựng nhà ga hành khách có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, được thiết kế hiện đại, hai cao trình với tổng diện tích sàn hơn 15.600 m2, hai ống lồng đôi, trang thiết bị hiện đại,… công suất khai thác thực tế có thể đạt bốn triệu hành khách/năm, đáp ứng 1.000 hành khách giờ cao điểm. Đến nay, công trình đã hoàn thành, vượt tiến độ so kế hoạch ban đầu.
Cảng hàng không quốc tế Cát Bi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thu hút vốn đầu tư vào thành phố và các địa phương trong vùng, tạo bước phát triển đột phá không chỉ cho Hải Phòng mà còn khai thác tối đa tiềm năng lợi thế khu vực duyên hải Bắc Bộ trong thời gian tới. Cùng với các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng như cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng,… sẽ tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, đẩy nhanh thực hiện mục tiêu CNH, HĐH, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh trong khu vực.