Sau khi chỉ huy Tiểu đoàn vượt sông 4 (Lữ đoàn Công binh 513) kiểm tra mực nước, điều kiện bến vượt và các yếu tố an toàn khác đều bảo đảm, buổi huấn luyện thực hành lắp ghép cầu phao trên dòng sông Luộc được bắt đầu. Dưới sự điều hành của chỉ huy đơn vị, lần lượt từng chiếc xe đặc chủng chở đốt cầu PMP 60 tấn từ từ tiếp cận mép nước để “hạ thủy đốt cầu”.
Những đốt cầu PMP sau khi hạ thủy sẽ tiếp tục được cán bộ, chiến sĩ di chuyển sang khu vực gần đó để luyện tập lắp ghép, tháo dỡ cầu nối. Thời tiết nắng nóng cộng thêm việc liên tục phải di chuyển đốt cầu với trọng lượng lớn và thực hiện các thao tác lắp ghép nặng nhọc khiến mồ hôi thấm đẫm lưng áo cán bộ, chiến sĩ đơn vị.
Bám sát hoạt động và tích cực sửa tập cho bộ đội, Thiếu tá Nguyễn Văn Thành, Phó Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn vượt sông 4 cho biết: Ghép cầu PMP bảo đảm cho các phương tiện vượt sông trong điều kiện chiến tranh là nhiệm vụ thường xuyên, khó khăn, vất vả và quan trọng của bộ đội công binh. Yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi hành động của cán bộ, chiến sĩ đơn vị phải hết sức bí mật, khẩn trương.
Do đó việc tổ chức luyện tập tại thực địa là bắt buộc và thường xuyên, sẽ giúp từng người nắm chắc công việc của mình, thuần thục thao tác lắp ghép đốt cầu, đồng thời nâng cao khả năng hiệp đồng giữa các bộ phận, bảo đảm cho đơn vị có thể hoàn thành nhiệm vụ ngay cả trong điều kiện đêm tối hay khi thời tiết xấu.
Nhờ thường xuyên tập luyện cho nên chỉ trong thời gian ngắn, cây cầu phao dài hơn 200 m được cán bộ, chiến sĩ đơn vị lắp ghép hoàn thiện dọc theo bờ sông Luộc, sẵn sàng đợi lệnh quay cầu nối bến vượt với bến lên. Tranh thủ phút nghỉ giải lao, trò chuyện cùng các chiến sĩ trên cầu phao, binh nhất Nguyễn Ðức Sơn thuộc Tiểu đội 2 (Trung đội 11, Ðại đội 13, Tiểu đoàn vượt sông 4) tâm sự: Kỹ thuật lắp ghép cầu tuy không phức tạp nhưng đòi hỏi chúng tôi phải phối hợp nhịp nhàng và có sức khỏe tốt mới đảm nhiệm được.
Ngoài ra, quá trình thực hành lắp ghép có thể phát sinh một số lỗi kỹ thuật, cho nên chúng tôi phải biết cách tự khắc phục để không ảnh hưởng đến tiến độ công việc chung của toàn đơn vị.
Không chỉ luyện tập lắp ghép cầu phao, sông Luộc còn được Lữ đoàn Công binh 513 sử dụng làm thao trường để huấn luyện một số nội dung khác như: Luyện tập lái xuồng, ca-nô; lái và tác nghiệp xe-máy đặc chủng; lắp ghép phà... Ðây đều là những nội dung khó, phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện trọng tải lớn với quy trình triển khai vận hành phức tạp.
Do vậy công tác bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi tham gia huấn luyện trên sông được các đơn vị đặc biệt quan tâm; ngoài việc cần nắm chắc tình hình thời tiết và điều kiện thủy văn, một số quy định khi huấn luyện trên sông như cán bộ, chiến sĩ phải mặc áo phao, tổ chức lực lượng cứu đuối trên bờ và dưới nước cũng được đơn vị quán triệt, thực hiện nghiêm túc.
Trước khi luyện tập ở ngoài thực địa, các đơn vị phải huấn luyện bộ đội nắm chắc nội dung lý thuyết và tập luyện thành thạo động tác thực hành trên cạn. Khi thực hành huấn luyện trên sông, đơn vị phải quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ nắm và chấp hành nghiêm quy tắc an toàn; tổ chức luyện tập chặt chẽ, chia thành từng kíp thay nhau tập, có cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn trực tiếp theo dõi, hướng dẫn.
Trung tá Ðàm Minh Tuyên, Phó Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 513
Lữ đoàn thường xuyên phân công chỉ huy kiểm tra, giám sát các đơn vị huấn luyện, kiên quyết dừng huấn luyện đối với những đơn vị không chấp hành đúng quy tắc an toàn. Nhờ đó mà nhiều năm qua, Lữ đoàn luôn bảo đảm an toàn tuyệt đối khi tổ chức huấn luyện trên sông.
Những năm gần đây, chất lượng huấn luyện, khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lữ đoàn Công binh 513 liên tục được nâng cao, đi vào thực chất và ngày càng vững chắc. Hằng năm đơn vị luôn hoàn thành tốt nội dung diễn tập có sử dụng thực binh tham gia làm công tác bảo đảm vượt sông cho các đơn vị trong Lực lượng vũ trang Quân khu 3.
Ðại tá Nguyễn Trọng Tiến, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Công binh 513 khẳng định: Kết quả nêu trên có được là nhờ quá trình huấn luyện đơn vị bám sát phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; tăng cường huấn luyện thực hành, sát thực tế; tập trung huấn luyện bộ đội thành thạo kỹ, chiến thuật chuyên ngành công binh và làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện mới; gắn huấn luyện với tổ chức hội thi, hội thao đánh giá thực chất kết quả, từ đó kịp thời rút kinh nghiệm để đẩy khá, xóa kém sau từng nội dung, khoa mục.
Những kết quả nêu trên đã góp phần giúp Lữ đoàn Công binh 513 ba năm liên tục (từ năm 2020 đến nay) đạt danh hiệu Ðơn vị huấn luyện giỏi; năm 2021 đơn vị được tặng Cờ thi đua của Bộ Quốc phòng và năm 2022 đạt danh hiệu Ðơn vị quyết thắng, qua đó giữ vững thành tích là đơn vị vững mạnh toàn diện, mẫu mực, tiêu biểu.