"Chim đầu đàn" gãy cánh
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (Tisco), được thành lập từ năm 1959, được coi là "con chim đầu đàn", "cái nôi" của ngành công nghiệp luyện kim Việt Nam. Sau khi dự án cải tạo kỹ thuật nhà máy giai đoạn I hoàn thành và đi vào sản xuất hiệu quả, lãnh đạo Tisco vội vã tính ngay đến việc cải tạo, mở rộng giai đoạn II. Dự án Tisco-II được khởi động từ năm 2005, do Tisco là chủ đầu tư, Tổng Công ty Thép Việt Nam (VnSteel) có vai trò tổ chức thẩm định và xem xét phê duyệt. Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 3.843 tỷ đồng, được chia thành hai gói thầu, trong đó gói thầu chính là dây chuyền công nghệ luyện kim có giá trị 160,9 triệu USD, do Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) là nhà thầu thực hiện. Ðây là hợp đồng thực hiện theo phương thức hợp đồng Tổng thầu EPC (hợp đồng thiết kế, cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình), có hiệu lực từ tháng 9-2007, thời gian thực hiện trong 30 tháng. Sau khi ký hợp đồng, do bối cảnh chung là giá nguyên vật liệu đầu vào tăng quá cao dẫn đến nếu duy trì hợp đồng như cũ thì không khả thi, cho nên nhà thầu MCC đề nghị tách phần C (phần xây lắp) để cho bên Việt Nam đảm nhiệm. Năm 2009, Tổng công ty cổ phần xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) được chọn đảm nhiệm phần việc này.
Tuy nhiên, mặc dù phía Việt Nam đã trực tiếp phụ trách phần C nhưng công việc không vì thế mà thuận lợi, trôi chảy hơn. Vì vậy, đến tháng 5-2013, VnSteel và Tisco đã trình các cấp có thẩm quyền, nâng tổng mức đầu tư lên hơn 8.100 tỷ đồng, tăng hơn 4.200 tỷ đồng với thời gian thực hiện đến hết năm 2014. Hiện tại, cả ba hợp phần của dự án đều còn dang dở, mặc dù 93% thiết bị đã ở công trường. Hậu quả là một số thiết bị sau nhiều tháng dầm mưa dãi nắng đã bị xuống cấp, gây lãng phí, còn tổng thể nhà máy thì chưa biết đến khi nào hoạt động được. Cũng theo kết luận thanh tra, đến tháng 2-2017, tức là thời điểm bắt đầu thanh tra, Tisco đã thanh toán cho nhà thầu MCC hơn 4.400 tỷ đồng và dự án mặc dù "đắp chiếu" từ năm 2013 đến nay nhưng hằng tháng Tisco vẫn phải trả khoảng 40 tỷ đồng tiền gốc và lãi. Dự án trở thành gánh nặng khiến cho VnSteel và Tisco lao đao trong nhiều năm. Ðể xảy ra tình trạng này, theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm chính thuộc về Tisco và VnSteel. Ngoài ra, Bộ Công thương cũng có sai phạm khi đề xuất tăng gấp hơn hai lần tổng mức đầu tư dự án nhưng lại không yêu cầu Tisco, VnSteel lập thiết kế cơ sở để thẩm định theo quy định; thiếu kiểm tra, giám sát trong việc thẩm định báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ khi chưa bảo đảm các điều kiện để triển khai dự án như nguồn vốn, nguồn nguyên liệu, cơ sở xác định tổng mức đầu tư; chấp thuận chọn nhà thầu phụ không đúng quy định, thẩm quyền,...
Trăn trở tìm Lối thoát
Tìm một lối thoát cho đại dự án này là mong mỏi của không chỉ cán bộ, công nhân viên Tisco, mà còn là trăn trở của tất cả những ai quan tâm đến "người anh cả" một thời của ngành gang thép. Tuy nhiên, muốn giải bài toán hóc búa này thì phải xác định rõ nguyên nhân để xảy ra tình trạng trên. Là một dự án nằm trong chiến lược phát triển ngành thép, được manh nha nhắc đến từ lâu, đến năm 2005 dự án Tisco II mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Tiếp sau đó là các bước triển khai với quy trình thực hiện chặt chẽ (ở mức cao nhất là theo Nghị quyết của Chính phủ) kể cả với những phát sinh cần điều chỉnh về mức đầu tư cũng như đầu mối thực hiện. Nhưng vì sao dự án lại rơi vào tình trạng đáng tiếc như hiện nay? Vấn đề nằm ở khâu giám sát, quản lý hay thực thi? Thiết tưởng những câu hỏi này không quá khó. Nếu nhìn vào diễn biến của dự án, có thể thấy rõ, vấn đề cốt lõi là do hạn chế về năng lực của doanh nghiệp. Với tinh thần trao sự chủ động cho doanh nghiệp để kịp thời thích ứng với thị trường, Tisco đã được trao quyền tự quyết trong phần lớn công việc, tuy nhiên, ban lãnh đạo Tisco đã không làm tròn vai trò với tư cách là chủ đầu tư. Ðiều này thể hiện rất rõ, xuyên suốt từ khâu xây dựng dự toán, điều chỉnh dự toán cho đến điều chỉnh tổng mức đầu tư cũng như hàng loạt vấn đề thanh toán liên quan nhà thầu nước ngoài. Trên thực tế, đây là những công việc trọng yếu nhất làm nên sự thành bại của dự án, và mặc dù được những cơ quan quản lý nhà nước phối hợp rất sát sao, nhưng Tisco vẫn liên tiếp để xảy ra những sai sót. Nhìn vào toàn bộ dự án, có thể nhận thấy có nhiều sai sót, nhưng chỉ đơn cử một chi tiết để thấy, trong quá trình thực hiện, các phương án tăng vốn đầu tư đã được các cơ quan liên quan cân nhắc rất kỹ lưỡng mới cho ý kiến chấp thuận về chủ trương, tuy nhiên, ban lãnh đạo Tisco dường như không ý thức được đầy đủ tầm quan trọng của sự việc mà vẫn trượt dài với những sai phạm hết sức khó hiểu.
Ðâu là lối ra cho Tisco hiện nay? Một dự án được triển khai trong thời điểm giá cả biến động quá lớn vì khủng hoảng kinh tế luôn để lại hệ quả khôn lường. Tuy nhiên, với những gì hiện có, việc tìm tòi hướng xử lý tốt nhất cho Tisco đang được các cơ quan chức năng hết sức quan tâm. Vài năm gần đây, Tisco đã nỗ lực vượt qua khó khăn hiện tại, sản xuất bước đầu có hiệu quả, trong năm 2013 còn lỗ hơn 161 tỷ đồng, hai năm tiếp theo bắt đầu có lãi, đến năm 2016 lãi hơn 200 tỷ đồng, năm 2017 lãi gần 110 tỷ đồng. Hằng năm, công ty vẫn nộp ngân sách từ 350 đến 400 tỷ đồng, bảo đảm việc làm ổn định cho gần 4.500 cán bộ, công nhân với mức thu nhập bình quân hơn bảy triệu đồng/người/tháng. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, mấu chốt vấn đề là tiếp tục đàm phán với nhà thầu MCC để nối lại việc triển khai dự án. Xét trên nhiều bình diện, khó có phương án nào khả thi hơn về tất cả các mặt ngoài phương án này, từ tài chính đến pháp lý hay hiệu quả tổng thể. Nếu dự án đình trệ kéo dài, thời gian tới Tisco có nguy cơ phải dừng sản xuất, phá sản, dẫn tới hệ quả hàng chục nghìn lao động, cả trực tiếp và gián tiếp sẽ mất việc, tài sản Nhà nước bị thất thoát, không có khả năng trả nợ vốn vay ngân hàng, thiệt hại rất khó lường. Nhưng đây cũng chỉ là bước đầu, điều quan trọng là với ban lãnh đạo Tisco hiện tại, nếu tiếp tục thực hiện thì cái giá đắt phải trả trong quá khứ chắc chắn là những bài học luôn phải được nhắc đến.