Lộc Thành - Tà Thiết, điểm sáng vùng biên

Tà Thiết mảnh đất thiêng liêng...

 Ngược dòng lịch sử, Tà Thiết được Trung ương Cục chọn làm "Khu rừng Chính phủ" bởi địa thế quan trọng về giao thông và chiến lược. Là điểm cuối trên đường mòn Hồ Chí Minh và đường ống dẫn dầu xuyên Trường Sơn, cũng là nơi tập kết và xuất quân của các binh đoàn bộ đội "Bắc Việt", nhiều đơn vị quân giải phóng tham gia chiến trường Nam Bộ, tại đây tháng 7-1974, Bộ Chỉ huy quân sự Miền quyết định thành lập Quân đoàn 4, Sư đoàn 3 Miền, các sư đoàn của Quân khu 7, Quân khu 8, Quân khu 9, các trung đoàn của Quân khu 6, Sài Gòn- Gia Định, Lữ đoàn 310 Biệt động và Đặc công... Ngày 6-1-1975, kế hoạch giải phóng Phước Long "đòn thăm dò chiến lược" trở thành hiện thực sau 25 ngày đêm chiến đấu anh dũng của quân dân Đông Nam Bộ, mở toang hành lang chiến lược nối Tây Nguyên, Nam Trung Bộ với Đông Nam Bộ, Sài Gòn - Chợ Lớn, xuống miền Tây, tạo đà rút ngắn nửa thời gian cho kế hoạch giải phóng miền nam. Tà Thiết được vinh dự thay mặt cả nước chứng kiến những cuộc họp quan trọng diễn ra từ ngày 3 đến ngày 8-4-1975, nhất là cuộc họp thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, ra mắt Bộ Chỉ huy chiến dịch do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy, các đồng chí Trần  Văn Trà, Lê Đức Anh,  Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện làm Phó Tư  lệnh. Bộ Chỉ huy chiến dịch đề nghị Bộ Chính trị đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là "Chiến dịch Hồ Chí Minh". Tà Thiết cũng là địa danh lịch sử của giây phút  thiêng liêng. Đúng 24 giờ ngày 29-4-1975, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh và Bộ Chỉ huy Miền phát lệnh tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền nam. Cùng với năm cánh quân thẳng tiến vào Sài Gòn, trên khắp miền nam toàn quân, toàn dân nổi dậy: xã giải phóng xã, huyện  giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh, cho đến thời khắc lịch sử 11 giờ 30 phút ngày 30-4-1975 lá cờ đỏ sao vàng kiêu hãnh tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Mọi người dân Việt Nam vui sướng đến trào nước mắt khi Đài phát thanh Sài Gòn phát đi lời đầu hàng của Tổng thống ngụy Dương Văn Minh: "Quân đội Việt Nam cộng hòa buông vũ khí đầu hàng vô điều kiện...".

Bây giờ sóc Tà Thiết khi xưa đã được xây dựng thành khu di tích lịch sử, điểm tham quan hấp dẫn của khách du lịch khi đến Bình Phước trong tuyến Suối Lam - sóc Bom Bo - núi Bà Rá - Thác Mơ - Lộc Ninh - Tà Thiết - hồ Sóc Xiêm - Trảng cỏ Bàu Lạch. Riêng khu di tích lịch sử Tà Thiết rộng 16 km2. Du khách có thể thăm và tìm hiểu các  cụm di tích: Bộ Tư lệnh Miền, Căn cứ Quân ủy chiến trường B2, Bộ Tham mưu, Cục Chính trị, Cục Hậu cần, doanh trại, khu huấn luyện, học tập của chiến sĩ quân giải phóng, hội trường, địa đạo... Xen kẽ các khu hành chính, khu quân sự, doanh trại quân đội là nương rẫy, vườn cây, ao cá như biết bao thôn, sóc của Lộc Thành, Lộc Ninh và của "Miền Đông gian lao anh dũng". Du khách có thể hóa thân anh bộ đội chụp tấm ảnh lưu niệm trước nhà Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền nam Nguyễn Thị Định. Hay ngôi nhà sàn - nơi làm việc của Thượng tướng Trần Văn Trà, Tư lệnh Quân Giải phóng miền nam... Qua sa bàn chiến dịch bạn có thể tưởng tượng những đoàn xe "anh Bộ đội Cụ Hồ" cùng xe tăng, pháo binh hùng dũng từ nhiều hướng tiến vào giải phóng Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh thần tốc...

... Đến Lộc Thành đổi mới

Chiến tranh đã lùi xa, Lộc Thành - Tà Thiết sau 29 năm đã trở thành "điểm sáng" vùng biên. Trong số 1.622 hộ, số dân 7.127 người, Lộc Thành với hơn 50% là đồng bào dân tộc Khmer, Xtiêng, Tày, Nùng... "Dẫu là xã biên giới, còn nghèo, nhưng người dân Lộc Thành  sống bên nhau đoàn kết, cùng nhau chia sẻ khó khăn, cùng nhau giữ gìn truyền thống cách mạng". Già làng Lâm Um, sóc Tà Thiết đã nói như vậy, cũng như cuộc đời của già đi theo cách mạng đến cùng. Trước kia cùng người Kinh, người Xtiêng đánh Pháp, đánh Mỹ, nay cùng nhau đoàn kết xây dựng thôn, sóc văn minh.

Từ nguồn vốn Chương trình 135, Lộc Thành đã có đường điện trung thế, hạ thế, đường giao thông về tận thôn, sóc. Hồ nước thủy lợi Tà Tê chính là "dòng sữa" để dân Lộc Thành chuyển đổi diện tích 533 ha lúa một vụ thành ba vụ chắc ăn. Còn nữa, nhờ nguồn nước Tà Tê và nhiều hồ thủy lợi nhỏ tự dân bỏ vốn ra làm, Lộc Thành có thêm 183 ha vườn tiêu, 75 ha cao-su tiểu điền, 558 ha điều, 12 ha cà-phê, 70 ha rừng tiểu điền cây gỗ, 75 ha cây ăn trái, 170 ha rau màu... Đàn trâu bò 2.775 con, đàn heo 1.997 con và 20.000 con gà, vịt... Đời sống văn hóa Lộc Thành cũng đã tiến xa. Với 28 phòng học, được xây dựng đàng hoàng, học sinh Lộc Thành không còn phải học ba ca, hoặc trong các phòng học tạm. Trạm y tế được nâng cấp bảo đảm công tác khám, chữa bệnh thường xuyên cho nhân dân. Đến nay, toàn xã có 541 hộ nhà xây kiên cố, 867 hộ có xe máy, 13 hộ có ô-tô, 952 hộ có phương tiện nghe nhìn và 692 hộ được dùng điện lưới quốc gia. Tà Thiết còn được bộ đội Quân khu 7 giúp đỡ xây dựng sóc định canh, định cư kiểu mẫu gồm 62 căn nhà ngói, trường học, trạm y tế, sân bóng đá, khu vui chơi giải trí, cửa hàng bách hóa... kinh phí gần 10 tỷ đồng do Công ty xây dựng Miền Đông thi công, như một thị tứ nổi giữa đại ngàn đang bừng  sáng sức sống mới.

"Cú hích" từ Chương trình 135 làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của người Lộc Thành. Lấy gia đình anh Lâm Tơ, dân tộc Khmer ấp Kaliêu, gia đình anh Điển Chon, người Xtiêng, ấp Lục Bình làm thí dụ: Cách làm ăn của anh Lâm Tơ thật căn cơ. Anh dành thời gian đi học cách trồng tiêu, nuôi bò. Bằng đồng vốn vay xóa đói, giảm nghèo, anh Lâm Tơ đầu tư trồng tiêu. Chỉ sau hai năm anh đã trả hết nợ, còn dành dụm được vốn nuôi bò. Bò mẹ đẻ bò con, phân bò để bón cho tiêu. Hiện vườn tiêu nhà anh Tơ có hơn 1.000 gốc, bò đã có tám con. Nhờ thế mà kinh tế gia đình anh từ nghèo khó trở nên khá giả. Có người hỏi: "Làm thế nào mà khá lên nhanh vậy?". Anh Tơ trả lời rất vui: "Mình làm nhiều, lại xài ít thì sẽ mau giàu thôi". Ai cũng biết nhà anh Điển Chon trước đây nghèo lắm, nay mọi người nhìn cơ ngơi anh đang ở và số tài sản 5 ha ruộng lúa, 4 ha vườn điều, 500 nọc tiêu cùng đàn bò 16 con, mỗi năm thu nhập 50-60 triệu đồng đều nể phục. Bà con nể phục anh Chon không chỉ vì anh chịu khó, tính toán làm ăn giỏi, mà còn vì anh luôn sẵn lòng giúp đỡ mọi người vốn và hướng dẫn cung cách làm ăn...

Đi liền với phát triển kinh tế là những biến đổi sâu sắc về nhận thức cũng như chất lượng cuộc sống của người dân nơi đây. Từ chỗ rất ít gia đình quan tâm đầu tư  chuyện học hành của con em, người Lộc Thành hôm nay đã lo cho con em ăn học, bồi bổ tri thức. Trường phổ thông nay có cả nghìn học sinh, 40% là học sinh dân tộc thiểu số, thêm vào đó còn 350 học sinh Lộc Thành, Lộc Thiện, Lộc Hưng, lên học Trường PTDTNT huyện, tỉnh và hơn 50 sinh viên người Lộc Thành đã tốt nghiệp hoặc đang theo học các trường đại học, cao đẳng,... Đường đi lối lại trong thôn, ấp được giữ gìn sạch sẽ, không có bò,  lợn thả rông, cảnh thanh niên rượu chè cờ bạc... Chủ tịch UBND xã Đỗ Minh Hưng cho biết: Năm nay toàn xã có 1.535 hộ đăng ký gia đình văn hóa, 9/9 ấp đăng ký xây dựng ấp văn hóa xuất sắc. Qua cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, từng hộ dân đều tự giác thực hiện tốt các hương ước, quy ước của địa phương đề ra. Phong trào xây dựng thôn ấp sạch đẹp thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục lạc hậu được nhân dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình... Chủ tịch Đỗ Minh Hưng tâm sự:  Là một xã biên giới, Lộc Thành có nhiệm vụ quan trọng là "xây dựng thế trận lòng dân". Lực lượng dân quân du kích xã luôn kết hợp với đồn biên phòng, đơn vị D208 đóng trên địa bàn thường xuyên kiểm tra tuyến biên giới và nội địa, phát hiện ngăn chặn kịp thời các hành vi vi  phạm pháp luật, giữ gìn vùng biên ải. Lộc Thành có 21 đảng viên, 4/8 bí thư chi bộ người dân tộc thiểu số và đội ngũ già làng, trưởng bản sốt sắng với  công việc, có uy tín với dân làng, với vai trò cầu nối truyền tải đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào. Đó là vốn quý của Lộc Thành trên đường phát triển. Theo cách nói của Chủ tịch UBND xã Đỗ Minh Hưng thì thường đồng bào "nói với nhau" vẫn dễ dàng hơn.

Sự phát triển đi lên của Lộc Thành hôm nay so với khi xưa rõ là "một trời một vực", cụ thể như Tà Thiết là một sự đổi thay về chất, mà ai đến Lộc Thành đều nhận ra: Không chỉ là điện - đường - trường - trạm, hồ nước, nhà ngói mới xây, tiếng máy cày, máy xay xát, nghiền thức ăn gia súc rộn ràng mà bởi người dân nơi đây đã biết gắn bó cuộc sống gia đình mình với những việc làm vì lợi ích của cả cộng đồng và lo cho mai sau bằng con đường nâng cao dân trí.