Lịch sử Đại hội thể thao châu Á

Từ đầu tháng 11, tất cả công việc chuẩn bị cho đại hội thể thao châu Á lần thứ 15 – ASIAD 15, thường gọi là ASIAN GAMES - tại Doha, Qatar, đã hoàn tất. Đây là đại hội lớn nhất từ trước tời nay với 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự, tranh tài 39 môn thi đấu với 423 bộ huy chương.

Tiền thân của Đại hội thể thao châu Á là Giải vô địch điền kinh Viễn đông và Đại hội thể thao Tây Á. Năm 1949, tại New Delhi (Ấn Độ) lãnh đạo Liên đoàn thể thao các nước châu Á đã đồng ý thành lập Đại hội thể thao châu Á (Asian Games). Sau đó các nước tham gia đã đồng ý thông qua Hiến chương Asian Games (dựa theo Hiến chương Olympic) và dẫn đến việc thành lập Liên đoàn thể thao châu Á. Xin giới thiếu sơ lược các kỳ Asian Games đã qua.

New Delhi 1951 : Đại hội lần thứ nhất được tổ chức tại Niu Đê-li (Ấn Độ) chỉ có 11 nước và vùng lãnh thổ tham dự với 6 môn thi đấu.

Manila 1954 : Asian Games lần 2 được tổ chức tại Manila (Philippines). Đại hội lần này đã có bước phát triển mới với 19 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Đại hội đã có 8 môn thi đấu, với những môn mới như quyền Anh, bắn súng và vật. Đoàn Nhật Bản dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương.

Tokyo 1958 : Số đoàn dự Asian Games lần thứ ba tăng với số vận động viên đông kỷ lục : 1.422 người. Đại hội có thêm các môn quần vợt, bóng chuyền, bóng bàn, đua xe đạp, khúc côn cầu, nâng số môn thi đấu lên 13. Đây cũng là đại hội đầu tiên, cuộc chạy rước đuốc được tiến hành trong nghi thức khai mạc của đại hội. Nhật Bản - nước chủ nhà đại hội, tiếp tục đứng đầu bảng tổng sắp huy chương.

Jakarta 1962 : Vì những lý do chính trị mà số đoàn tham dự Asian Games lần 4 giảm xuống còn 16. Ấn Độ - nước chủ nhà của Asian Games lần thứ nhất, vươn lên đứng thứ nhì bảng tổng sắp.

Băng-cốc 1966 : Đại hội lần thứ 5 này có 18 nước và vùng lãnh thổ tham dự. Nước chủ nhà Thái-lan lần đầu tiên vươn lên đứng thứ ba bảng tổng sắp huy chương.

Băng-cốc 1970 : Băng-cốc lần thứ hai liên tiếp được tổ chức đại hội vì những lý do chính trị và kinh tế, Hàn Quốc không thể tổ chức đại hội lần 6. Thái-lan giữ được vị trí thứ ba toàn đoàn. Môn đua thuyền buồm lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu.

Teheran 1974 : Lần đầu tiên Asian Games được tổ chức tại Trung Đông. Asian Games lần thứ 7 có số đoàn tham dự đông nhất – 25 đoàn. Môn đấu kiếm và thể dục được đưa vào chương trình thi đấu. Lần thứ bảy liên tiếp, đoàn Nhật Bản dẫn đầu bảng tổng sắp.

Băng-cốc 1978 : Thủ đô Thái-lan lần thứ ba được tổ chức Asian Games. Băng-cốc phải đứng ra “chữa cháy” khi cả Singapore và Islamabad (Pakistan) rút lui việc đăng cai vì lý do chính trị và tài chính. Đại hội lần thứ 8 này có thêm môn bắn cung và bowling. Số vận động viên tham dự lên tới hơn 3.800 người. Đoàn Nhật Bản vẫn dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương (70 HCV).

New Delhi 1982 : Đại hội lần thứ 9 trở về “nguồn” với quy mô lớn nhất từ trước tới lúc đó : hơn 4.500 vận động viên từ 33 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Hai môn đấu kiếm và bowling không nằm trong chương trình thi đấu, trong khi đua ngựa, đua thuyền, bóng ném và gôn là những môn thi mới của đại hội. Đoàn Trung Quốc lần đầu tiên “truất” ngôi đầu của Nhật Bản với 61 HCV so với 57 HCV.

Seoul 1986 : Hàn Quốc chuẩn bị cho Đại hội Ô-lim-pích 1988 bằng việc tổ chức Asian Games lần thứ 10. Đại hội có gần 5.000 vận động viên tham dự và lần đầu tiên do Uỷ ban Olympic châu Á điều hành. Các môn võ thuật như Judo, Taekwondo được đưa vào thi đấu và làm cho đại hội thêm sôi động. Đoàn Trung Quốc vẫn giữ ngôi đầu bảng với 94 HCV, hơn đoàn chủ nhà Hàn Quốc đúng một HCV, đoàn Nhật Bản bị đẩy xuống thứ ba với 58 HCV.

Bắc Kinh 1990 : Lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức một Asian Games và đại hội lần thứ 11 này có 37 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự với 27 môn thi đấu. Trung Quốc tiếp tục khẳng định ưu thế của mình với ngôi vị số một bảng tổng sắp.

Hiroshima 1994 : Lần đầu tiên, Asian Games được tổ chức ở một thành phố không phải thủ đô, với 6.828 vận động viên từ 42 đoàn tham dự, tranh tài 34 môn thi đấu và là đại hội lớn nhất từ trước tới thời điểm đó. Vì Hiroshima bị tàn phá bởi một quả bom nguyên tử trong chiến tranh thế giới thứ hai, cho nên chủ đề của đại hội tập trung vào hoà bình và hoà hợp. Một số nước thuộc Liên Xô (cũ) như Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikstan, Turmenistan và Uzbekistan lần đầu tiên tham dự. Các môn bóng chày, karate, cuộc thi năm môn phối hợp và quần vợt được bổ sung vào chương trình thi đấu của Asian Games 12. Mặc dù là chủ nhà, nhưng đoàn Nhật Bản vẫn không lấy lại được vị trí số một từ đoàn Trung Quốc.

Băng-cốc 1998 : Asian Games trở lại Thái-lan lần thứ tư. Các môn bóng bầu dục, bi-a, bóng quần được bổ sung vào nội dung thi đấu và đại hội lần thứ 13 này hướng theo khẩu hiệu “Tình hữu nghị vượt qua mọi biên giới”. Tuy nhiên, lần này Thái-lan không giành được vị trí thứ ba như các kỳ đại hội lần thứ năm và sáu.

Busan 2002 : Giống như Hiroshima tám năm trước, Asian Games 14 không tổ chức ở thủ đô và có 44 đoàn tham gia với 38 môn thi đấu và 420 bộ huy chương. Đông Ti-mo là thành viên mới nhất của đại hội kể từ khi nước này giành độc lập. Trung Quốc lần thứ sáu liên tiếp, đứng đầu bảng tổng sắp.

Doha 2006 : Đây là đại hội lớn nhất từ trước đến nay với 45 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự,  có 39 môn thi đấu, 423 bộ huy chương. Lần đầu tiên Asian Games được tổ chức ở một nước vùng Vịnh và là lần thứ hai sau Iran (1974) tổ chức đại hội ở Trung Đông. Asian Games lần thứ 15 này chỉ còn vài tuần nữa là khai mạc.