Đến nay, thị xã Ngã Bảy có 100% xã (ba xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 848 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước chỉ chiếm 33%, còn lại là nguồn vốn đóng góp của dân (29%), doanh nghiệp và vốn tín dụng. Thu nhập bình quân đầu người trên 30 triệu đồng, tăng gần gấp ba lần so với năm 2010. Hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa ấp... ở các xã nông thôn mới đều được đầu tư khang trang, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng: Hậu Giang là tỉnh thuần nông, có xuất phát điểm thấp, nhưng đã có nhiều cố gắng, nỗ lực vươn lên và đạt thành tích đáng tự hào trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng nông thôn mới nói riêng. Với cách làm sáng tạo, bước đi phù hợp với khả năng và tình hình thực tế, quan tâm cả điểm và diện trong xây dựng nông thôn mới, Hậu Giang đã vươn lên, trở thành một trong những địa phương dẫn đầu vùng đồng bằng sông Cửu Long về thực hiện Chương trình với trên 22% số xã đạt chuẩn.
Đặc biệt, thị xã Ngã Bảy đã biết phát huy nội lực, lợi thế của đầu mối giao thông đường bộ, đường thủy; kiên trì, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả ấn tượng, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 45 triệu đồng năm 2015, toàn bộ 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, là đơn vị cấp huyện đầu tiên của vùng đồng bằng Sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Đây thực sự là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang nói chung, thị xã Ngã Bảy nói riêng, đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước về xây dựng nông thôn mới.
Thay mặt lãnh đạo Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chúc mừng và biểu dương những thành tích, kết quả đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, thị xã Ngã Bảy đã nỗ lực phấn đấu và đạt được trong những năm qua.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Hậu Giang đề ra mục tiêu đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đây là mục tiêu ý nghĩa nhưng cũng đầy thách thức, thể hiện quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hậu Giang. Để đạt được mục tiêu trên, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hậu Giang cần phát huy kết quả đã đạt được, tiếp tục động viên mọi tầng lớp nhân dân chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới bền vững, xây dựng quê hương giàu, đẹp, văn minh, lịch sự, có bản sắc văn hóa riêng của vùng Tây Nam Bộ.
Cần có tổng kết, đánh giá thực tế thực hiện các cơ chế, chính sách, mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn để kịp thời nghiên cứu, bổ sung, sửa đổi và đề ra các chính sách, giải pháp thiết thực, hiệu quả để nông dân yên tâm sản xuất và có cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững trên cơ sở tập trung vào những sản phẩm là tiềm năng lợi thế; khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; tăng cường hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau và liên kết giữa nông dân với nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích, tăng thu nhập cho nông dân.
Trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn, với những đặc thù riêng, Hậu Giang cần tiếp tục vận dụng sáng tạo cơ chế, chính sách chung vào điều kiện cụ thể của địa phương; có lộ trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với khả năng đóng góp nhân dân; cùng với việc phấn đấu hoàn thành các tiêu chí chưa đạt, cần chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng đối với tiêu chí đã đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo.