Trước ngày diễn ra lễ cầu mưa, dân làng cùng tới địa điểm làm lễ, thường là một bãi đất rộng ở đầu bản, dựng một cây nêu. Những vật trang trí trên cây nêu thể hiện sự khó khăn của cuộc sống do thiếu nước, do thời tiết không thuận lợi... như con chim, con ve đan bằng nan, bên cạnh những cái lồng nhỏ đặt trứng gà, vỏ ốc, vỏ trai...
Người già trong bản kể rằng: Sở dĩ phải là bà góa bởi vì câu chuyện ban đầu xuất phát từ việc trời khô hạn, mọi người muốn làm lễ cầu mưa nhưng lại e ngại, sợ ông trời nổi giận sẽ phạt. Khi đó, một bà góa đã tình nguyện đứng ra làm người hy sinh, cùng thầy mo đi cầu mưa, bà nói rằng nếu ông trời phạt, bắt phải chết, thì chỉ mong dân bản hãy làm lễ cúng cho bà hằng năm. Và cứ như thế kéo dài đến ngày nay, khi bắt đầu làm lễ lúc mặt trời mọc, thầy cúng dẫn một bà góa cùng các chị em trong bản, thường là những người đã có gia đình và ở tuổi trung niên, ra mó nước thực hiện nghi lễ đầu tiên của lễ cầu mưa, cúng tại mó nước và xin phép gánh nước về.
Sau khi cúng thổ địa và thần linh ở mó nước xong, đoàn làm lễ sẽ múc nước đem về. Khi đoàn đi lấy nước trở về tới địa điểm diễn ra lễ cầu mưa, một người đại diện cho ông Then ngồi phía trên, hướng mặt về phía lễ. Thầy mo ngồi phía dưới, cùng với những người vừa đi lấy nước về, dân bản ngồi chung quanh phía sau. Nước lấy về được dựng quanh cây nêu. Thầy mo đọc bài cúng kể cho ông Then biết nỗi khổ của dân làng khi không có mưa. Kết thúc bài cúng, ông Then sẽ tuyên bố ban nước và cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, sau đó ông Then bưng chậu nước đi vòng quanh, vừa đi vừa vẩy nước vào tất cả những người dự lễ. Kết thúc lễ hội cầu mưa, dân bản cùng nhau ca hát, múa xòe và chơi trò chơi dân gian truyền thống...