Lập lại trật tự trong vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng

Tháp tách Profrylene do ALE vận chuyển về Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh Vietnamnet)
Tháp tách Profrylene do ALE vận chuyển về Nhà máy lọc dầu Dung Quất. (Ảnh Vietnamnet)

Vận tải thiết bị cho các dự án, có những đặc thù riêng, do hàng hóa vận chuyển là những thiết bị siêu trường, siêu trọng, đồng bộ, có giá trị lớn, yêu cầu năng lực, trình độ công nghệ và lao động vận tải phải có chất lượng cao, mức độ cạnh tranh quyết liệt. Do đó, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng vươn lên để đáp ứng những yêu cầu này.

Ngay sau khi Việt Nam gia nhập WTO, cũng là lúc việc vận tải thiết bị phục vụ dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất khởi động. Ngày 9-5-2007, kiện hàng siêu trường, siêu trọng đầu tiên (tháp tách Propylene) nặng 431 tấn, dài 81 m được vận chuyển đến công trình. Ðiều đáng quan tâm là một số phương tiện thông tin nêu tin Công ty Vận tải đa phương thức (Vietranstimex) thuộc  Bộ Giao thông vận tải vận chuyển kiện hàng này, nhưng thực tế lại do hãng vận tải của thành viên WTO ALE thực hiện.

Vì sao một hãng vận tải thành viên WTO vận chuyển thiết bị cho công trình Nhà máy lọc dầu Dung Quất, lại lấy thương hiệu của một doanh nghiệp Việt Nam?

Trao đổi ý kiến với chúng tôi, Tổng giám đốc Công ty Vận tải đa phương thức Nguyễn Ðăng Sâm cho biết: Khi Chính phủ quyết định triển khai dự án xây dựng Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công ty đã được nhà thầu Technip mời bảo vệ phương án và báo giá vận chuyển toàn bộ thiết bị của dự án. Từ năng lực phương tiện, trang thiết bị vận tải hiện có cũng như thực tế hàng loạt công trình, dự án mà Công ty Vận tải đa phương thức đã thực hiện tốt cho các ngành dầu khí, điện, đạm, xi-măng, thép... trên cả nước, nhà thầu Technip đã thống nhất chọn công ty làm nhà thầu phụ vận tải trong nước và yêu cầu Công ty SDV - nhà tổng thầu vận tải (doanh nghiệp thuộc thành viên WTO) làm việc, hợp đồng cụ thể với công ty. Sau đó SDV đã có văn bản gửi Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất giới thiệu Công ty Vận tải đa phương thức là nhà thầu vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng của dự án và đề nghị Ban quản lý giúp đỡ trong việc làm đường tránh cầu Cửa Ðầm cũng như các công việc khác phục vụ quá trình vận chuyển thiết bị an toàn.

Thế nhưng khi mọi công việc chuẩn bị cho vận chuyển đã được Công ty Vận tải đa phương thức thực hiện cơ bản hoàn tất thì hãng SDV chỉ ký hợp đồng với Công ty vận chuyển những kiện thiết bị nặng từ 20 tấn đến 300 tấn, còn hơn 300 tấn họ giao cho hãng vận tải ALE thực hiện. Công ty Vận tải đa phương thức đã không đồng tình cách làm này với lập luận là năng lực công ty đã vận chuyển hàng loạt kiện thiết bị nặng từ 1.000 tấn đến 1.600 tấn, dài gần 100 m, đang chuẩn bị vận chuyển cấu kiện giàn khoan dầu khí nặng 2.100 tấn, đã được nhà thầu Technip (TPC) đánh giá cao và chọn hợp tác với SDV, không có lý do gì lại đưa nhà thầu vận tải khác vào thực hiện.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, theo các văn kiện cam kết gia nhập WTO của Việt Nam về dịch vụ vận tải đường bộ quy định: "Kể từ ngày gia nhập, các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài được cung cấp dịch vụ vận tải hàng hóa và vận tải hành khách thông qua hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh, trong đó tỷ lệ vốn góp của phía nước ngoài không quá 49%... 100% số lái xe của liên doanh phải là công dân Việt Nam".

Ngày 12-5-2007 Công ty Vận tải đa phương thức đã gửi văn bản tới Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất khẳng định: Hãng vận tải ALE - đơn vị vận tải thuộc thành viên WTO - trực tiếp vận chuyển kiện hàng tháp tách Propylene ngày 9-5-2007 nói trên, cũng như Hãng SDV không có hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với công ty, mà công ty chỉ có hợp đồng làm thuê cho SDV; ALE chưa có các thủ tục cho phép được hoạt động vận tải ở Nhà máy lọc dầu Dung Quất theo quy định của cam kết Việt Nam gia nhập WTO. Ðồng thời lưu ý Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất, nhà thầu TPC và Hãng vận tải SDV là thương hiệu của mình đã bị nhà thầu vận tải thành viên WTO lợi dụng.

Trong công văn trả lời gửi Công ty Vận tải đa phương thức, nhà thầu TPC và SDV ngày 15-5-2007, ông Trương Văn Tuyến, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - Giám đốc Ban quản lý dự án Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nêu: "Trong hợp đồng cung cấp thiết bị ký kết với TPC có những ràng buộc nêu rõ việc sử dụng tối đa thầu phụ trong nước"; "đối với lĩnh vực vận chuyển hàng hóa nội địa bằng đường bộ, sự tham gia của các nhà thầu phụ thuộc thành viên WTO được quy định bằng những điều kiện cụ thể như việc thỏa thuận hợp tác kinh doanh với một đơn vị vận tải trong nước, quốc tịch của lái xe"; "Chúng tôi yêu cầu TPC, với tư cách là nhà thầu cung cấp thiết bị, thận trọng xem xét những vấn đề chưa giải quyết xong để nhanh chóng xử lý, bảo đảm lợi ích của dự án và đáp ứng các yêu cầu của hợp đồng cũng như pháp luật Việt Nam".

Gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã vươn ra biển lớn, có nhiều thời cơ, thuận lợi và không ít khó khăn, thách thức. Qua sự việc nêu trên, đòi hỏi các ngành cần tăng cường quản lý và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng trang bị công nghệ hiện đại để đáp ứng yêu cầu cao của vận tải thiết bị phục vụ các dự án; nắm vững pháp luật để yêu cầu các nhà thầu ngoài nước phải nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như các cam kết của nước ta với WTO về vận tải: Nếu có thực hiện hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh với các  đối tác trong nước phải bảo đảm thực chất, không làm hình thức để lách luật, bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ công bằng lợi ích của các doanh nghiệp. Khắc phục tình trạng biến các doanh nghiệp trong nước chỉ là người làm thuê cho doanh nghiệp ngoài nước. Các cơ quan chức năng cần kiểm tra chặt chẽ việc  chấp hành pháp luật, không để các nhà thầu ngoài nước vi phạm, lách luật và chèn ép các doanh nghiệp trong nước. Có như thế, trật tự trong dịch vụ vận tải   hàng siêu trường, siêu trọng nói riêng, vận tải thiết bị đồng bộ cho dự án nói chung mới được giữ vững, bảo đảm công bằng lợi ích cho cả các loại hình doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.