Lập lại trật tự trong lắp ráp xe tải nhẹ

Thực tế ở hai đơn vị

* Trích Quyết định số 177/2004/QÐ-TTg, ngày 5-10-2004, của Thủ tướng Chính phủ:

... Phát triển ngành công nghiệp ô-tô Việt Nam trên cơ sở tiếp thu và ứng dụng công nghệ tiên tiến của thế giới, kết hợp khai thác và từng bước nâng cao công nghệ và thiết bị hiện có, đáp ứng nhu cầu thị trường ô-tô trong nước, hướng tới xuất khẩu ô-tô và phụ tùng. Sản xuất và lắp ráp ô-tô là một bộ phận quan trọng trong công nghiệp cơ khí chế tạo của đất nước trong thế kỷ 21.

* Thứ trưởng Công nghiệp Ðỗ Hữu Hào:

Nếu doanh nghiệp lắp ráp ô-tô thiếu các yêu cầu cơ bản, dẫn tới không bảo đảm chất lượng xe, như không có hệ thống kiểm tra xuất xưởng, hệ thống sơn điện ly, mà lại không có hợp đồng thuê người khác làm, hoặc đường thử không bảo đảm, sẽ khuyến nghị với Cục Ðăng kiểm không tiến hành đăng kiểm xe đã sản xuất ra, tới chừng nào doanh nghiệp hoàn thành các yêu cầu được nêu ra trong Quyết định số 115/2004/QÐ-BCN của Bộ Công nghiệp.

* Giám đốc Công ty cơ khí ô-tô Việt Hà, Ðỗ Ngọc Khuê:

Doanh nghiệp được chứng nhận đăng ký kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có cơ khí sửa chữa, lắp ráp ô-tô. Nếu thiếu tiêu chuẩn lắp ráp ô-tô, trong thời gian đầu tư bổ sung, để hoàn chỉnh đủ tiêu chuẩn thì tạm ngừng lắp ráp, nhưng doanh nghiệp vẫn hoạt động trên các lĩnh vực khác, không thể đóng cửa được, vẫn bảo đảm nghĩa vụ bảo hành, bảo dưỡng ô-tô đã bán cho khách hàng, theo cam kết.

* Phó Cục trưởng Cục Ðăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải) Ðỗ Hữu Ðức:

Trực tiếp đến những doanh nghiệp một số tỉnh chúng tôi thấy một số doanh nghiệp chưa đầu tư gì, nhưng địa phương đã cấp giấy phép. Ðể đối phó việc bị kiểm tra, họ đã ghi trong quyết định lý do: còn đang di chuyển nhà xưởng...

* Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty công nghiệp ô-tô Việt Nam, Nguyễn Văn Khoa:

Ðầu tư cho công nghiệp ô-tô thì bắt buộc phải quan tâm chiến lược lâu dài, mà một nhân tố quan trọng ảnh hưởng, đó là vấn đề hội nhập kinh tế và thách thức của thị trường cạnh tranh quốc tế, chứ không phải chỉ riêng thị trường trong nước.

Công ty TNHH lắp máy nông nghiệp Việt-Trung (Công ty Việt- Trung) thành lập tháng 6-2001, cơ sở sản xuất, lắp ráp nằm ở huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Công ty là điển hình của mô hình gia đình, có truyền thống kinh doanh, sản xuất cơ khí ngành máy nông nghiệp. Tổ hợp gia đình có năm xưởng sản xuất phụ tùng, linh kiện động cơ, thiết bị. Từ nguồn linh kiện, phụ tùng nhập khẩu của Trung Quốc và sản xuất trong nước, hằng năm, Công ty Việt-Trung sản xuất, tiêu thụ hàng nghìn sản phẩm động cơ, máy làm đất, tạo việc làm cho hàng trăm lao động.

Theo ông Phạm Văn Nhân, thành viên và ông Nguyễn Ngọc Anh, kế toán trưởng Công ty Việt - Trung, năm 2003, đơn vị xây dựng dự án đầu tư nhà  máy lắp ráp ô-tô, bộ linh kiện CKD nhập khẩu, công nghệ chuyển giao từ một đối tác Trung Quốc. Tổng vốn đầu tư dự toán 174 tỷ đồng, chia làm hai giai đoạn, giai đoạn một (2003-2005) đầu tư khoảng gần 30 tỷ đồng, giai đoạn hai (2006-2010) đầu tư tiếp số vốn còn lại. Với những kinh nghiệm và khả năng tài chính, công ty hướng tới mục tiêu sản xuất, lắp ráp ô-tô nông dụng.

Năm 2004, công ty mới được chứng nhận đăng ký kinh doanh, sản xuất, lắp ráp xe tải nhẹ, trong khoảng thời gian ngắn, đã xây dựng, tạo lập mặt bằng sản xuất là 40 nghìn m2. Ðơn vị mới đầu tư  lắp đặt một số thiết bị nâng hạ, hệ thống sơn tĩnh điện, thiết bị kiểm tra sản phẩm hoàn chỉnh, xây dựng đường thử loại bằng phẳng, chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật kiểm tra chất lượng xe trên các loại địa hình sỏi đá, gồ ghề, ngập nước, dốc lên, xuống, cua, trơn ướt. So với yêu cầu cơ bản quy định về đường thử, dây chuyền công nghệ lắp ráp, công nghệ sơn, tại quyết định của Bộ trưởng Công nghiệp về việc ban hành quy định tiêu chuẩn DN sản xuất, lắp ráp ô-tô, số 115/2004/QÐ-BCN, ngày 27-10-2004 (QÐ 115) thì Công ty Việt-Trung còn thiếu nhiều nội dung. Tuy vậy, ngày 16-8-2005, UBND tỉnh Hải Dương vẫn có văn bản xác nhận Công ty Việt-Trung đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo QÐ 115. Cuối tháng 9 vừa qua, kết luận kiểm tra của Ðoàn kiểm tra liên ngành khẳng định, công ty thiếu đường thử hoàn chỉnh cho các loại địa hình, thiếu khâu sơn nhúng điện ly (mạ điện ly) và một số trang, thiết bị của dây chuyền công nghệ lắp ráp.      

Công ty TNHH cơ khí ô-tô Việt Hà (Công ty Việt Hà), trụ sở tại khu vực Cầu Bươu, thị xã Hà Ðông, tỉnh Hà Tây, có mặt bằng lắp ráp ô-tô 30 nghìn m2, thuê của một đơn vị tại thị xã Sơn Tây. Công ty có bề dày nhiều năm (1991-2000), hoạt động trên lĩnh vực cơ khí sửa chữa, lắp ráp, sản xuất xe công-nông, hoán cải ô-tô thành xe chuyên dùng, xe công trình. Từ năm 2001 đến nay, bên cạnh các hoạt động dịch vụ cơ khí sửa chữa, lắp ráp, công ty đầu tư dự án lắp ráp ô-tô tải nhẹ bộ linh kiện CKD, nhập khẩu từ Trung Quốc. Dự án có tổng vốn đầu tư 97 tỷ đồng, chia làm ba giai đoạn đầu tư, đang triển khai giai đoạn một, đã thực hiện 11 tỷ đồng. Theo kết luận của cơ quan chức năng, công ty đã thực hiện nội địa hóa sản xuất, lắp ráp ô-tô, đạt tỷ lệ 20%, bao gồm các nội dung: Hàn ráp sát-xi và ca-bin, sử dụng săm, lốp, ắc-quy,  kính chắn sản xuất trong nước. Mỗi năm, Công ty Việt Hà cung cấp cho thị trường hơn một nghìn xe tải nhẹ, chủ yếu đáp ứng nhu cầu vận chuyển của khu vực nông thôn cả nước.

 Công ty đã thực hiện đầu tư một số thiết bị nâng hạ, gá lắp, hàn, dịch chuyển của dây chuyền công nghệ, xây dựng hoàn chỉnh đường thử, liên doanh với các đối tác, đầu tư, xây dựng hệ thống sơn điện ly. Kết luận của Ðoàn kiểm tra liên ngành, cuối tháng 9 vừa qua, đã xác nhận những điều này. Tuy nhiên, so với yêu cầu của QÐ 115 về đất làm nhà xưởng thuộc quyền sử dụng hợp pháp của DN hoặc có hợp đồng thuê sử dụng đất trong thời gian ít nhất là 20 năm thì công ty không bảo đảm yêu cầu, do đó, bố trí dây chuyền công nghệ sản xuất không hợp lý. Kiến nghị của đoàn: Công ty cơ khí ô-tô Việt Hà đã có kinh nghiệm và thời gian dài sản xuất, lắp ráp ô-tô nông dụng, do đó, đề nghị UBND tỉnh Hà Tây và Bộ Công nghiệp quan tâm giải quyết, để doanh nghiệp có mặt bằng lâu dài và thực hiện Dự án xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp ô-tô phù hợp quy hoạch chung và QÐ 115 của Bộ Công nghiệp. Ngày 5-9-2005, UBND tỉnh Hà Tây có văn bản chấp thuận cho Công ty Việt Hà đầu tư dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô-tô tại cụm công nghiệp Cam Thượng, huyện Ba Vì, nhưng chưa hoàn tất thủ tục tại thời điểm kiểm tra, làm cho đơn vị vẫn thiếu điều kiện về mặt bằng sản xuất.

Một số kiến nghị

Mỗi đơn vị thực hiện việc sản xuất, lắp ráp ô-tô tải nhẹ, thường trước đó và hiện tại vẫn đăng ký kinh doanh hoạt động cơ khí dịch vụ sửa chữa, chế tạo, lắp ráp linh kiện, phụ tùng, máy móc. Tại thời điểm kiểm tra, đánh giá mức độ đầu tư, tiêu chuẩn DN theo QÐ 115, khi chưa có quyết định có hiệu lực của cơ quan có thẩm quyền về việc ngừng sản xuất, lắp ráp ô-tô, DN vẫn thực hiện lắp ráp, tiêu thụ ô-tô đối với những linh kiện, phụ tùng đã nhập khẩu và làm các dịch vụ đã cam kết với khách hàng như: bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, cung cấp linh kiện, phụ tùng... Thậm chí khi đã bị ngừng sản xuất, lắp ráp ô-tô, do chưa đủ tiêu chuẩn, DN cũng chỉ ngừng lắp ráp ô-tô, còn lĩnh vực cơ khí sửa chữa, chế tạo linh kiện, máy móc vẫn hoạt động bình thường như trong đăng ký kinh doanh. Như vậy DN vẫn tồn tại, với những ngành nghề kinh doanh hợp pháp theo đăng ký. Nội dung công việc này, cho thấy, DN hoàn toàn đủ điều kiện, tiếp tục thực hiện những nghĩa vụ sau bán hàng, đối với những cam kết còn hiệu lực thời gian với khách hàng, về sản phẩm ô-tô. Ðáng tiếc, thời gian qua, do không thấy hết tính nhạy cảm, một số nguồn tin thiếu thực tế, không đầy đủ, vội vàng áp đặt, rằng DN lắp ráp ô-tô phải đóng cửa, ngưng hoạt động, không thực hiện nghĩa vụ sau bán hàng, đã làm cho khách hàng mua xe tải nhẹ hoang mang, lo không được bảo hành, bảo dưỡng; còn khách hàng có nhu cầu thì không dám mua nữa. Dẫn đến, một số DN từ tiêu thụ bình thường, sang tồn đọng sản phẩm ô-tô, mỗi đơn vị số tồn đọng trị giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng, làm ngưng trệ luân chuyển vốn, thiệt hại cho DN và ngân hàng cấp vốn, giảm hiệu quả đồng vốn xã hội. Ðây là vấn đề thực tế, cần được các cấp, ngành, cơ quan liên quan quan tâm xử lý.

Theo một số chuyên gia, phần lớn DN sản xuất, lắp ráp ô-tô ở nước ta có quy mô vừa và nhỏ, theo thông tin ban đầu, qua kiểm tra 12 đơn vị ở các tỉnh phía bắc, chỉ có ba đơn vị đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe tải nhẹ, trong đó một DN tư nhân, hai DNNN. Ðiều này cho thấy, để phát huy tốt năng lực của từng DN, các đơn vị cần đẩy mạnh sự hợp tác, phân công, liên doanh, liên kết, thực hiện chuyên môn hóa, trong việc đầu tư, tổ chức dây chuyền công nghệ đột dập, lắp ráp, sơn... qua đó, nhanh chóng đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất, lắp ráp xe tải nhẹ, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư.

Thời gian thực hiện Quyết định 115  đến nay đã được một năm, nhưng chưa phải là đủ đối với việc thực hiện dự án đầu tư hàng trăm tỷ đồng của một DN. Vì vậy, đối với những đơn vị có chiến lược đầu tư sản xuất, lắp ráp xe tải nhẹ, cần có quy định về lộ trình  đầu tư cụ thể, trợ giúp, tạo điều kiện cho DN nhằm thực hiện đầu tư, sản xuất có hiệu quả. Ðồng thời, đối với những đơn vị không có năng lực trong việc đầu tư sản xuất, lắp ráp ô-tô mà chỉ tranh thủ cơ hội nhu cầu thị trường, thực hiện theo kiểu chụp giựt, cần kịp thời có biện pháp xử lý kiên quyết.

Những địa phương có những xác định không đúng quy định về DN sản xuất, lắp ráp ô-tô, cần rút kinh nghiệm và chịu trách nhiệm về những sai phạm. Qua đó, nâng cao sự phối hợp, hiệu lực quản lý nhà nước, giữa cơ quan quản lý ngành, địa phương và vùng lãnh thổ.