Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đối thoại với nông dân

NDO - Ngày 25/11, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã có buổi đối thoại với nông dân trên địa bàn tỉnh theo hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh với 13 điểm cầu tại các huyện, thị xã, thành phố.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu kết luận tại buổi đối thoại trực tuyến với nông dân trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền phát biểu kết luận tại buổi đối thoại trực tuyến với nông dân trong tỉnh.

Tại buổi đối thoại, đại diện nông dân các huyện, thị xã, thành phố đã chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và kiến nghị, đề xuất nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc liên quan đến đời sống, sản xuất, việc làm như: việc đầu tư hạ tầng ở nông thôn, nhất các đường giao thông và hệ thống thủy lợi; chính sách vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất và đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho các lao động nông thôn; tình hình giá cả vật tư đầu vào tăng cao làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp; tình trạng ô nhiễm môi trường ở nhiều vùng nông thôn; hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng công tác khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân; chuyển đổi số trong nông nghiệp; vấn đề thiếu nước sinh hoạt trầm trọng vào mùa khô và khó khăn trong việc khai thác cát trắng ngoài biển để phục vụ sản xuất hành, tỏi ở Lý Sơn…

Những ý kiến, kiến nghị của bà con nông dân đều được lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan trực tiếp giải đáp và trả lời một cách rõ ràng, dễ hiểu; nêu rõ các giải pháp, cơ chế chính sách mà tỉnh Quảng Ngãi đã và đang thực hiện nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế-xã hội lâu dài và bền vững theo đúng chủ trương chính sách của Đảng và Chính phủ.

Phát biểu kết luận buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong đời sống của bà con nông dân; hoan nghênh tinh thần thẳng thắn, nêu lên những kiến nghị xác đáng tại buổi đối thoại.

Đồng chí nhấn mạnh, thời gian qua, bà con nông dân Quảng Ngãi bằng sự cần cù lao động, chịu thương, chịu khó, không ngừng học hỏi, tìm tòi những mô hình, cách làm hay để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Nhờ đó, nông nghiệp tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được mức tăng trưởng và ổn định trong một thời gian dài, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.

Trong năm 2022, giá trị sản xuất toàn ngành (giá so sánh năm 2010) ước đạt 18.265 tỷ đồng, tăng 2,6% so với năm 2021, trong đó nông nghiệp tăng 2,16%, lâm nghiệp tăng 4,5%, thủy sản tăng 2,5%. Khu vực nông, lâm và thủy sản tăng 2,66% so với tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP).

Kết quả trên minh chứng cho sự đóng góp rất lớn của bà con nông dân và doanh nghiệp. Nông thôn có những chuyển biến căn bản, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, kết cấu hạ tầng xã hội; mô hình sản xuất tập trung bước đầu được hình thành, nhận thức của người nông dân được thay đổi, vai trò chủ thể của nông dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được người dân hưởng ứng tích cực và đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ; các nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sản xuất tạo điều kiện người dân có cơ hội khắc phục khó khăn đẩy mạnh sản xuất, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông thôn, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Đối với những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị chính đáng của bà con nêu ra tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền giao nhiệm vụ cho các sở, ban, ngành trên cơ sở các ý kiến đã trao đổi, tiếp tục tổng hợp, rà soát, giải quyết những vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Trong đó, lưu ý tập trung giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất; thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất phù hợp, theo quy định; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc khai thác cát trắng ngoài biển của bà con nông dân huyện Lý Sơn.

Chú ý giải quyết vấn đề nước sạch ở nông thôn, thường xuyên tổ chức kiểm tra, bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp các công trình nước sạch; tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn tại các xã, thôn khó khăn; triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án hỗ trợ xi-măng để xây dựng đường giao thông nông thôn, miền núi. Hỗ trợ đào tạo nghề, hỗ trợ giải quyết việc làm trong nước, hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…