Trở lại thăm ông bên căn nhà nhỏ quen thuộc trên đường Nguyễn Tri Phương, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng, đúng dịp kỷ niệm Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23/10/1961 - 23/10/2021), tôi khựng lại khi gặp hình ảnh người lính già, tự giặt tay bộ quân phục năm nào, phơi khô trong nắng chiều. Ông bảo rằng, vừa được mời tham gia một chương trình truyền hình Kỷ niệm 60 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Ông được trở lại Hải Phòng để gặp lại thân nhân của một đồng đội trên tàu không số đã hy sinh trên biển Lý Sơn.
Đau đáu một nỗi niềm
Ông xúc động khi kể cho tôi nghe về những năm tháng đầy tự hào và cả ký ức đau buồn của người lính từng vào sinh ra tử trên hành trình chỉ huy tàu không số. Ông vẫn đau đáu khi nhìn về quá khứ hào hùng của đời người lính, có hạnh phúc, nhưng nhiều mất mát đau thương... Những con tàu không số biểu tượng cho sự gan dạ, mưu trí, dũng cảm của thủy thủ, quân và nhân dân ta - đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử hào hùng của dân tộc. Đường Hồ Chí Minh trên biển là một thiên anh hùng ca bất tử với cả dân tộc Việt Nam. Ký ức những năm tháng hào hùng, gian khó đó, lại một lần nữa dội về day dứt trong trái tim người lính già ở tuổi 91.
Ông sinh năm 1930 tại xã Bình Thới, huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi. 18 tuổi ông nhập ngũ, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 108 hoạt động trên chiến trường Khu 5. Sau khi tập kết ra Bắc, ông được điều sang Trung Quốc học lớp đào tạo thuyền trưởng, rồi tốt nghiệp với quân hàm trung úy, giữ chức thuyền trưởng thuyền 5 (Phân đội 1, Đoàn 130 Hải quân). Năm 1960, với biệt danh “Hầm Hải Chiến”, ông được điều động về chiến trường Khu 5 với nhiệm vụ nắm bắt tình hình hải quân Mỹ ngụy, nghiên cứu chiến trường sông-biển của miền nam. Đồng thời tạo mối quan hệ với các quân khu ven biển để sau đó ra bắc nhận nhiệm vụ mới.
“Hồi đó, anh em chúng tôi ban ngày thì đọc, nghiên cứu tài liệu. Ban đêm thì đi bộ gần 20 km, vai mang ba lô đựng gần 30 kg gạch để rèn luyện đôi chân, vượt đường Trường Sơn cứu nước”, ông nhớ lại.
Đầu năm 1963 ông được Bộ tư lệnh Quân chủng giao nhiệm vụ chỉ huy con tàu sắt thứ 2 của Đoàn 759 vận chuyển vũ khí vào chiến trường miền nam bằng đường biển. Trong chuyến đi ấy, ông làm thuyền trưởng kiêm chính trị viên và Bí thư chi bộ Đội 6. Đêm 12/4/1964, tại Quảng Ninh, 12 cán bộ chiến sĩ tàu sắt thứ 2 được Trung tướng Trần Văn Trà, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam và Trung tá Đoàn Hồng Phước, Đoàn trưởng Đoàn 759 gặp mặt thân mật và tiễn đưa tận bến.
“Lúc bấy giờ, để thực hiện nhiệm vụ bí mật, tàu chúng tôi được ngụy trang là tàu đánh cá, chở 60 tấn vũ khí vượt biển vào miền nam. Vừa hành quân vượt biển, vừa quan sát và dốc hết sức lực để vượt sóng cả, hoàn thành nhiệm vụ”, ông xúc động nhớ lại. Đó là chuyến vượt biển đầu tiên của ông và đồng đội. Sau bao khó khăn, nhiều lúc nghẹt thở giữa sự sống và cái chết, vậy nhưng cuối cùng toàn bộ vũ khí đã được cập bến tại Bạc Liêu trong niềm vu vỡ òa của những người thủy thủ miền bắc.
Câu chuyện về vị truyền trưởng tàu không số Vũ Tấn Ích với 9 lần vượt biển, là chiếc tàu không số “đi sau, về trước” được nhiều người biết đến với những chiến công của ông và đồng đội suốt nhiều tháng ngày thực hiện mệnh lệnh vượt biển chở vũ khí từ miền bắc “tiếp máu” cho chiến trường miền nam.
9 lần vượt biển, xé dọc huyết mạch của đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển, ông vẫn chưa thể nguôi ngoai tâm sự khi nhớ lại một chuyến vượt biển không thành. Đó là chuyến đi ngày 6/7/1967, sau 11 ngày trên biển, con tàu do ông làm thuyền trưởng gặp máy bay và tàu chiến địch bao vây. Trước tình thế đó, ông và đồng đội vừa đánh trả vừa cơ động vào bến Ba Làng An, tỉnh Quảng Ngãi. Trận đánh diễn ra ác liệt, nhưng ta chỉ cầm cự được một thời gian vì lực lượng không cân sức, cuối cùng Chính trị viên Huỳnh Ngọc Trạch và Phó thuyền trưởng Phạm Chuyên Nghiệp ở lại hủy tàu, thuyền trưởng Vũ Tấn Ích và số thủy thủ còn lại lên bờ thoát khỏi vòng vây địch.
Hôm đó, đồng chí Trạch và đồng chí Nghiệp ở lại hủy tàu, nhưng do bộc phá không nổ, 2 đồng chí đã chiến đấu với địch và anh dũng hy sinh, còn con tàu thì bị rơi vào tay địch. Là người thẳng thắn, trung thực, sau sự kiện ấy ông luôn day dứt trong lòng và nhận trách nhiệm về mình.
Ông nghẹn giọng: “Chuyện đã xảy ra khá lâu rồi, buồn đau thì đã buồn đau rồi. Lúc đó chi bộ họp kiểm điểm, phê bình nghiêm khắc, tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến thất bại cay đắng. Không có hình thức kỷ luật nào, nhưng thất bại ấy luôn là nỗi đau đè nặng suốt cuộc đời tôi. Đau vì thất bại, mất tàu là một chuyện, nỗi đau lớn hơn chính là sự hy sinh của đồng đội, mình trở về, còn anh em mãi mãi nằm lại. Đối với những người lính trên những con tàu không số. Trên chiến trường, một mình tác chiến độc lập. Nhưng tôi trước sau vẫn trọn chữ trung hiếu, được sống và chiến đấu hết mình cho Tổ quốc, là niềm vinh quang cả cuộc đời”.
Thủy chung trọn vẹn
Ở tuổi 91, người lính già Vũ Tấn Ích vẫn minh mẫn lạ thường. Chừng như, nguồn “sức mạnh ngầm” tiếp sức cho ông vượt qua những tháng năm gian khó thực thi mệnh lệnh chỉ huy tàu không số và đến tận bây giờ chính là cuốn sổ nhỏ đóng cẩn thận 35 lá thư tình của vợ viết cho ông. Những lá thư viết tay bằng bút mực kim tinh trên giấy pơluya trắng vẫn còn nguyên vẹn sau ngần ấy tháng năm. Như nhật ký của hai vợ chồng ông. Ông nói rằng, đời ông may mắn khi có được một người vợ thủy chung, son sắt và hết mực thương yêu ông, dù chiến tranh có ngàn lần cách trở.
Vợ ông là bà Cao Xuân Lan, quê ở Sơn Tịnh, Quảng Ngãi tập kết ra Bắc, lúc bấy giờ bà là nữ sinh Trường Kinh tế Trung ương. Làm vợ thuyền trưởng tàu không số, bà Lan đã phải tự mình “vượt cạn” sinh con trong chiến tranh, rồi một mình lo lắng chu toàn mọi việc khi ông nhận nhiệm vụ bí mật trên chiến trường mà mãi sau này bà mới được biết.
Cuộc tình đẹp của họ được thể hiện vẹn toàn với 36 bức thư tình bà đã gửi cho ông trong khoảng thời gian từ năm 1964-1965, trong đó lá thư thứ nhất đã bị thất lạc. Nhưng vì nhiệm vụ bí mật của thuyền trưởng tàu không số, nên những bức thư này đến năm 1968 tổ chức mới trao lại cho ông.
Hơn 23 năm trôi qua kể từ ngày vợ mất, những bức thư này được ông gìn giữ và trân trọng. Suốt bao năm tháng qua, ông thói quen đọc lại những lá thư, như niềm an ủi trong lặng yên tuổi già.
Với ông, gia tài của một người lính, đến cuối cuộc đời, ngoài ký ức không thể nguôi quên với đồng đội từng vào sinh ra tử trên chiến trường máu lửa, là cách ông “sống thêm một phần đời” cho những đồng đội tàu không số đã hy sinh. Có những chiến công đã ghi vào lịch sử, có những mất mát đau thương không thể biện giải và cả những nỗi niềm đau đáu chưa một lần tự mình lên tiếng.
Ông đúc kết, là người lính, đã rèn luyện cả cuộc đời để sống xứng đáng với phẩm chất người lính Cụ Hồ, đó là hạnh phúc.