Đìu hiu làng mây tre
Nghề mây tre đan truyền thống vốn có ở thôn Phú Vinh, rồi dần dần lan ra cả xã Phú Nghĩa. Vào thời kỳ thịnh vượng, hộ dân nào cũng làm nghề mây tre đan. Theo thống kê của UBND xã Phú Nghĩa, toàn xã có 7.800 nhân khẩu sinh sống bằng nghề này. Sản phẩm mây tre đan Phú Vinh ngày ngày lũ lượt xếp hàng đóng "công" rồi xuống tàu đi nhiều nước trên thế giới. Người Phú Vinh tự hào rằng không có châu lục nào là hàng hóa của họ không có mặt.
Nhưng đó là chuyện của hơn nửa năm trở về trước. Chúng tôi đến Phú Vinh những ngày đầu tháng 3, dấu ấn của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã hằn lên rõ nét. Trái với cảnh tấp nập trước kia, đường sá giờ vắng người đi lại. Tại nhiều gia đình, những mặt hàng đan dở dang chất đống.
Ngay đầu thôn Phú Vinh là khu nhà xưởng của cơ sở sản xuất Trọng Ðức, hầu như để trống. Trước đây khi kinh tế ổn định, các đơn hàng nhiều thì mỗi ngày nhà anh có hàng trăm lao động làm thô ở các cơ sở và hơn chục lao động đến xưởng để hoàn thiện sản phẩm. Nhưng hiện nay, do không có đơn hàng nên mọi người phải chuyển sang làm nghề khác để kiếm sống tạm bợ. Những ngày này, các chủ cơ sở ở mây tre đan Phú Vinh tất bật lo chạy vạy, vay mượn thanh toán các khoản tiền. Kinh tế suy thoái kéo theo việc nhiều lô hàng đã xuất đi, nhưng khách hàng chậm thanh toán.
Chị Nguyễn Thị An, chủ cơ sở mây tre đan An Nghĩa cho biết: "Mây tre đan là mặt hàng thủ công mỹ nghệ, không phải là mặt hàng thiết thân với cuộc sống thường ngày nên khi người ta phải tiết giảm chi tiêu, nó thường là mặt hàng đầu tiên được nghĩ tới. Vì thế, ngay cả những hộ gia đình kinh doanh lớn ở đây cũng làm ăn èo uột. Thậm chí có hộ gia đình phải tạm dừng công việc vì không tìm được nơi xuất".
Mặc dù phần lớn các gia đình tại Phú Nghĩa gặp khó khăn, nhưng tại cơ sở An Nghĩa của gia đình chị công việc vẫn tương đối ổn định do làm hàng cho thị trường nội địa. Khi gặp khó khăn ở thị trường bên ngoài, một số ngành hàng quay sang khai thác thị trường nội địa. Tuy nhiên, khi tham khảo các chủ hộ kinh doanh, được biết thị trường nội địa khá hẹp. Bởi thế, không thể coi là lối ra cho Phú Vinh nói riêng, Phú Nghĩa nói chung. Thị trường thế giới mới là thị trường rộng lớn và tạo được sức bật cho cả một xã nghề.
Đổi mới để vươn lên
Ở xã Phú Nghĩa, các chủ cơ sở mây tre đan đứng ra làm các hợp đồng kinh tế với đối tác nước ngoài, sau đó, hoặc là thuê nhân công đến xưởng trực tiếp làm, hoặc là giao cho các hộ gia đình làm. Bởi thế, một ông chủ lao đao, cả làng cùng khốn đốn. Tết Kỷ Sửu vừa rồi là một thí dụ điển hình. Những năm trước, khi Tết đến, nhiều ông chủ mổ lợn để chia cho người làm, nhưng điều đó đã trở thành dĩ vãng.
Trong cái khó khăn ấy, câu hỏi lớn nhất đặt ra là người dân Phú Nghĩa làm gì? Chúng tôi tìm đến ông Nguyễn Văn Trung - Chủ tịch Hội Nghệ nhân Phú Vinh. Ông Trung là nghệ nhân được nhận nhiều danh hiệu bàn tay vàng nhất của xã Phú Nghĩa. Mặc dù cả xã đang khốn đốn, nhưng cơ sở sản xuất Hoa Sơn của ông cũng không đến nỗi "vườn không, nhà trống". Khó khăn lớn nhất của ông là đối tác thanh toán chậm. Ông Trung khẳng định, mặc dù tình hình hết sức khó khăn, nhưng suy thoái kinh tế không phải lý do duy nhất khiến mây tre đan Phú Vinh tụt dốc trên thị trường.
Theo khảo sát của ông, mây tre đan Phú Vinh đang gặp sự cạnh tranh quyết liệt đến từ Trung Quốc, Thái-lan, In-đô-nê-xi-a... Trong cuộc cạnh tranh này, mây tre đan Phú Vinh đang có dấu hiệu hụt hơi. "So với mặt hàng tương tự của các đối thủ cạnh tranh nhất là Trung Quốc, chúng ta đang yếu thế về chất lượng sản phẩm cũng như giá thành. Nếu không có sự thay đổi từ chính các công đoạn sản xuất, từ giá thành sản phẩm thì sản phẩm của chúng ta khó cạnh tranh nổi, ngay cả khi cuộc khủng hoảng qua đi", ông Nguyễn Văn Trung cho biết.
Qua khảo sát cách làm ăn của Trung Quốc, ông Trung cho biết, mặc dù là mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nhưng hiện nay, các nhà sản xuất mây tre nước này đã áp dụng công nghệ vào khá nhiều công đoạn, nhất là khâu pha chế, xử lý nguyên liệu, do đó tiết kiệm được chi phí, hạ giá thành, nâng sức cạnh tranh. Trong khi đó, ngoài gia đình ông đã đầu tư một số máy móc như máy chẻ, máy tuốt, máy kéo, phun sơn..., phần lớn các cơ sở sản xuất ở Phú Nghĩa vẫn chưa quan tâm việc đổi mới công nghệ trong một số công đoạn sản xuất.
Yếu tố tiếp theo là chất lượng sản phẩm. Bên cạnh những người thợ khéo tay, thì vẫn còn nhiều người chỉ quan tâm đến số lượng sản phẩm. Ðó là lý do nhiều sản phẩm của Phú Nghĩa chưa thuyết phục được thị trường, trong khi sản phẩm của những "đối thủ" cạnh tranh mẫu mã ngày một đẹp hơn. Ðể làm được điều này, theo ông Trung, việc đào tạo thợ lành nghề phải có những bước đổi mới, đào tạo bài bản hơn thay vì truyền tay như trước đây.
Cùng lúc phải đối mặt với suy thoái kinh tế, sự cạnh tranh gay gắt - chưa bao giờ mây tre đan Phú Nghĩa gặp khó khăn đến thế. Song, nhìn từ một khía cạnh khác, đây chính là dịp để Phú Nghĩa phải đổi mới cách nghĩ, cách làm, từ bỏ những cách làm cũ, để vươn tới việc làm ăn quy củ hơn, để bước những bước vững chắc hơn.
CHÍ DŨNG