Năm 2019, cùng với việc tiếp tục duy trì, phát huy các mô hình có hiệu quả, các cấp, các ngành đã coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII và các nghị quyết, quy định, chỉ thị, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nghiêm túc, bài bản, đúng kế hoạch với nhiều nội dung sáng tạo, cụ thể, lựa chọn nhiều nội dung đột phá, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị. Hầu hết các cấp ủy đã phân công, phân nhiệm cụ thể đối với các đồng chí ủy viên ban thường vụ phụ trách để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị.
Việc đưa nội dung Chỉ thị vào sinh hoạt chi bộ hằng tháng, sinh hoạt định kỳ của cơ quan, đơn vị được các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm chú trọng, đi vào thực chất hơn. Việc lãnh đạo, chỉ đạo mang lại kết quả rõ rệt, nhất là việc xây dựng phong cách, tác phong công tác, ý thức tôn trọng nhân dân của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị.
Có thể thấy dấu ấn đổi mới sáng tạo trong xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hành động, kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Chính phủ và nhiều ban, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực. Như phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động; Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, mô hình: “Tự soi, tự sửa”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng” của Quân ủy T.Ư; Cuộc vận động “Xây dựng phong cách người Công an nhân dân bản lĩnh, nhân văn, vì nhân dân phục vụ” của Đảng ủy Công an T.Ư; phong trào “Dân vận khéo” của Ban Dân vận Trung ương; phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ở các địa phương trong cả nước; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam; mô hình “Nhân dân đăng ký ba nội dung: Treo ảnh Bác nơi trang nghiêm trong nhà, gia đình không vi phạm pháp luật, gia đình không vi phạm an toàn giao thông”; “Sư cả và Ban quản trị chùa học tập và làm theo Bác” của tỉnh Vĩnh Long…
Việc giáo dục lý luận chính trị, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên, đoàn viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân được tăng cường. Trong đó có nội dung về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa vào giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các trường dạy nghề từ năm học 2019-2020.
Việc thực hiện Chỉ thị gắn với thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI, XII góp phần thiết thực vào xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình được các cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Trong từng đợt kiểm điểm tập thể, cá nhân và đánh giá phân loại chất lượng tổ chức cơ sở đảng, đảng viên định kỳ, cấp ủy các cấp đã tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đúng tiến độ và chất lượng. Ban Thường vụ cấp ủy cấp trên đã chủ động gợi ý kiểm điểm đối với những nơi có vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc, có biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành quy định về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ được giao.Tỉnh ủy Bắc Giang, Tỉnh ủy Phú Thọ chỉ đạo việc xây dựng và nhân rộng điển hình trong học tập và làm theo Bác. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang yêu cầu, cứ ba đơn vị phải lựa chọn để xây dựng điển hình là một cán bộ lãnh đạo. Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức cho cấp trưởng và cấp phó các ngành, địa phương thuộc Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý ký bản cam kết trong đó nhấn mạnh việc nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tỉnh ủy Bến Tre, Gia Lai đã thực hiện chủ trương công khai bản cam kết thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII và Chỉ thị 05-CT/TW của Bí thư Tỉnh ủy, bí thư cấp ủy cấp huyện, bí thư, chủ tịch UBND cấp xã trên phương tiện thông tin đại chúng để cán bộ, đảng viên, nhân dân giám sát…
Qua đó, hầu hết cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nêu cao ý thức gương mẫu bằng những hành động thiết thực, cụ thể; khắc phục hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm theo Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII; tăng cường đoàn kết nội bộ, thể hiện trách nhiệm cao hơn với công việc được giao. Nhiều cơ quan, đơn vị thiết lập đường dây nóng thông qua các số điện thoại của lãnh đạo, cán bộ lắng nghe người dân phản ánh thông tin mang tính bức xúc để kịp thời giải quyết. Nhiều địa phương đã nhận diện và xác định rõ những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, phát huy tinh thần đấu tranh bảo vệ cái đúng, phản bác, loại trừ cái sai, biểu hiện lệch lạc trong cán bộ, đảng viên.
Quá trình thực hiện Chỉ thị góp phần thúc đẩy công tác cải cách hành chính. Các địa phương, ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị đã gắn việc thực hiện Chỉ thị với thực hiện nhiệm vụ chính trị, chọn việc đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với nâng cao đạo đức công vụ làm khâu đột phá, là chủ đề hành động. Tỉnh Quảng Trị lựa chọn chủ đề năm: “Kỷ cương trách nhiệm, tăng tốc, phát triển”. Qua đó tỉnh đã nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI), đạt thứ 6 trong tổng số 63 tỉnh, thành phố. Đồng Nai gắn cải cách thủ tục hành chính với chấn chỉnh lề lối, tác phong công tác của cán bộ, đảng viên. Long An xây dựng nghị quyết chuyên đề về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, phong cách công tác, lề lối làm việc; nâng cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm. An Giang tập trung giải quyết, xử lý có hiệu quả các vấn đề bức xúc được dư luận quan tâm, như: giải tỏa đền bù đất đai; khai thác khoáng sản; giải quyết thủ tục hành chính; giải quyết khiếu nại, tố cáo; sắp xếp tổ chức bộ máy. Đảng ủy Công an T.Ư gắn việc thực hiện Chỉ thị đã thu được nhiều kết quả tích cực trong thực hiện kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; chủ động giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội…
Cũng thông qua nội dung trên, nhiều cơ quan, đơn vị chấn chỉnh lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tăng cường kỷ cương hành chính; đổi mới phong cách công tác; chống nhũng nhiễu, tiêu cực. Bên cạnh đó, các cơ quan hành chính, quản lý nhà nước quan tâm tổ chức thực hiện các chuẩn mực về đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ... Nhiều địa phương, tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền. Theo đó, cán bộ đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện việc định kỳ trao đổi, đối thoại với nhân dân, doanh nghiệp, nhằm kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân, giúp cho việc lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền các cấp sát đời sống, gần dân, góp phần xây dựng chính quyền liêm chính, vững mạnh. Qua đó, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, mang lại sự thống nhất và đoàn kết trong nội bộ, đồng thuận trong nhân dân, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương, đơn vị.
Tuy nhiên, khảo sát thực tế như từ kết quả đánh giá của các đoàn kiểm tra Trung ương tại nhiều địa phương, bộ, ngành cho thấy, việc chọn nội dung đột phá, giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm của một số cấp ủy, địa phương, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, còn lúng túng. Có biểu hiện thiếu quyết tâm, chưa thật sự gương mẫu ở một số cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị; có nơi còn biểu hiện tính “hình thức” trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện; công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị chưa thường xuyên; tác dụng hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế. Việc phát hiện, xây dựng, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình nhiều nơi chưa hiệu quả; tinh thần tự phê bình và phê bình vẫn còn yếu; chất lượng công tác kiểm tra, giám sát còn hạn chế, việc cảnh báo, phòng ngừa sai phạm thiếu kịp thời. Một số cán bộ, đảng viên bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” không được phát hiện sớm để kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh, dẫn đến phải kỷ luật Đảng, hoặc xử lý theo quy định của pháp luật…
Cùng sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Trung ương, các cấp ủy, vai trò của cấp ủy, của đồng chí bí thư cấp ủy và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị có tính quyết định trên cả hai mặt: trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức việc thực hiện phải quyết tâm, kiên trì; mặt khác, tự mình gương mẫu, đi đầu, tự giác nêu gương làm theo Bác trong từng công việc cụ thể và trong cuộc sống.
Năm 2020, đặt ra yêu cầu tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chỉ thị 05 gắn với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Trung ương, nhất là thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp của Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, các nghị quyết Trung ương về công tác tổ chức, cán bộ.
Thực hiện nghiêm Quy định về những điều đảng viên không được làm, các Quy định về trách nhiệm nêu gương, Quy định về công tác kiểm tra của tổ chức đảng đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, Quy định về giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục trong toàn Đảng và toàn xã hội về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và ý thức trách nhiệm cá nhân của cán bộ, đảng viên trong việc học tập và làm theo Bác. Tăng cường phát hiện, bồi dưỡng, khen thưởng, tuyên truyền và nhân rộng các tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu. Đồng thời, kiên quyết xử lý theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với những cán bộ, đảng viên có sai phạm, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nói và làm trái quan điểm, đường lối, nghị quyết của Đảng.
Kế thừa kinh nghiệm, phát huy những kết quả đã đạt được, các cấp, các ngành đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Khắc phục những hạn chế, khuyết điểm; phát huy tính chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng. Đổi mới nội dung, hình thức chỉ đạo và tổ chức thực hiện bảo đảm thiết thực, phù hợp, hiệu quả với từng địa phương, đơn vị, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của nhiệm kỳ Đại hội XII, tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng.