Lần đầu tiên kinh tế Việt Nam tăng trưởng không phụ thuộc vào ngành khai khoáng

NDO -

NDĐT - “Lần đầu tiên nền kinh tế của Việt Nam tăng trưởng không phụ thuộc vào sự tăng trưởng của ngành khai khoáng. Như vậy tăng trưởng tích cực và khá đồng đều ở cả ba khu vực (nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ); đồng thời chất lượng tái cơ cấu nền kinh tế đã đạt được những kết quả ban đầu rất quan trọng”.

Lần đầu tiên kinh tế Việt Nam tăng trưởng không phụ thuộc vào ngành khai khoáng

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong phiên giải trình những vấn đề đại biểu Quốc hội ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, sáng 2-11.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ, trong quá trình thực hiện mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đã đề ra, bên cạnh những thuận lợi thì không ít những khó khăn, đặc biệt là tình hình thiên tai diễn ra liên tiếp và diễn biến phức tạp. Và kết quả tăng trưởng đạt được không phải chỉ phụ thuộc vào một số ngành, lĩnh vực… mà tăng trưởng đồng đều ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm của nền kinh tế cả ba khu vực và có đóng góp của các sản phẩm; đặc biệt là ngành khai khoáng giảm mạnh như vậy mà chúng ta vẫn đạt được tăng trưởng.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận, tăng trưởng kinh tế đạt cao song chất lượng tăng trưởng còn thấp, thể hiện ở hiệu quả đầu tư chưa cao đặc biệt là hệ số ICOR. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ vẫn còn ít, công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, giá trị gia tăng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực còn thấp. Việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với việc lựa chọn mô hình tăng trưởng phù hợp còn chậm và lúng túng.

Thực hiện các chỉ đạo, Chính phủ đã, đang và sẽ tiếp tục chỉ đạo để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng hợp lý ở các ngành, các lĩnh vực, các sản phẩm. Đặc biệt là tái cơ cấu nền nông nghiệp phát triển kinh tế nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đã đề ra, trong đó phải tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, trước hết, phải tiếp tục hoàn thiện thể chế liên quan đến các lĩnh vực tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn như Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, Luật Đất đai... và các luật liên quan đến thuế, phí, ngân sách. Cùng với đó, cần rà soát điều chỉnh, bổ sung các chiến lược, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm. Gắn quy hoạch với thị trường, lấy thị trường để quy hoạch những sản phẩm mềm, những sản phẩm mà Việt Nam xuất khẩu. Lấy thị trường thế giới, thị trường quốc tế làm mục tiêu, nhưng coi trọng thị trường nội địa.

“Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là phải tập trung để cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh nhằm huy động tối đa các nguồn lực cả bên trong và bên ngoài cho đầu tư phát triển. Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ phải lấy doanh nghiệp làm động lực, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân để tháo gỡ những khó khăn trong đầu tư, trong sản xuất kinh doanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.