Làm rõ địa vị pháp lý Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

NDO -

NDĐT - Chiều 24-5, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế và nhất trí với nội dung cơ bản của dự án Luật do Chính phủ trình, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến cho dự án Luật.

Làm rõ địa vị pháp lý Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Cần tiếp tục rà soát bảo đảm tính thống nhất

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật gồm 10 chương và 121 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Về phạm vi điều chỉnh, thảo luận tại phiên họp, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La), Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) và một số ý kiến cho rằng dự thảo luật được xây dựng đã đáp ứng được các yêu cầu, bảo đảm điều tiết các quan hệ hoạt động cạnh tranh. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát để bảo đảm tính thống nhất của luật trong hệ thống pháp luật nói chung, làm rõ hơn tính khả thi của việc mở rộng phạm vi điều chỉnh trong dự thảo Luật, điều chỉnh cả hành vi thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhất là trong trường hợp không có điều ước quốc tế giữa Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ khác.

Báo cáo giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày cho biết, theo quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành, việc xác định thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan chỉ căn cứ vào doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào. Tuy nhiên, thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh cho thấy trong một số lĩnh vực như viễn thông, hàng không, vận tải biển, du lịch…, nhiều trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách doanh thu, doanh số trên thị trường liên quan. Do vậy, dự thảo Luật đã bổ sung phương pháp xác định thị phần của doanh nghiệp dựa theo số đơn vị hàng hóa, dịch vụ bán ra, mua vào của doanh nghiệp. Cơ quan cạnh tranh căn cứ vào đặc điểm, tính chất của thị trường liên quan để lựa chọn áp dụng phương pháp tính thị phần phù hợp.

Ông Nguyễn Khắc Định cũng cho rằng, về tập trung kinh tế trong nền kinh tế thị trường, việc tập trung kinh tế là hoạt động bình thường của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc một doanh nghiệp có tiềm lực tài chính và sức mạnh thị trường có thể mua lại hoặc kết hợp với bất kỳ doanh nghiệp nào khác để trở thành thống lĩnh hoặc độc quyền trên thị trường, dẫn đến nguy cơ gây hạn chế cạnh tranh trên thị trường. Nếu ngưỡng thông báo tập trung kinh tế chỉ căn cứ vào doanh thu, giá trị tài sản của doanh nghiệp đối với ngành nghề tham gia tập trung kinh tế sẽ không kiểm soát được việc tập trung kinh tế của các doanh nghiệp có năng lực tài chính và sức mạnh thị trường. Mặt khác, trong hầu hết các trường hợp tập trung kinh tế hỗn hợp, giao dịch sẽ bao gồm toàn bộ các lĩnh vực, ngành nghề của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế. Hình thức này ngày càng phổ biến cần phải kiểm soát, do các doanh nghiệp tham gia đều là các doanh nghiệp lớn và có sức mạnh thị trường.

Đối với tố tụng cạnh tranh, cần quy định chặt chẽ, khoa học, rõ trách nhiệm, thẩm quyền của các chủ thể tiến hành tố tụng cạnh tranh để bảo đảm tính độc lập trong quá trình xử lý vụ việc cạnh tranh. Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện quy trình xử lý vụ việc, xử lý vi phạm cạnh tranh, bảo đảm tính công bằng, minh bạch khách quan, bảo hộ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp.

Về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh cần quy định về xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh giống như một hình thức xử phạt mới chưa có trong hệ thống pháp luật. Đề nghị rà soát lại, không nên quy định một loại trách nhiệm pháp lý mới mà chưa từng được quy định. Xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh về bản chất giống như một hình thức xử lý vi phạm hành chính. Tuy nhiên, các vụ việc vi phạm pháp luật về cạnh tranh có khả năng gây tác động lớn đến môi trường cạnh tranh, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế, lợi ích người tiêu dùng, do đó, mức độ xử lý phải tương xứng với mức độ tác động, ảnh hưởng do hành vi vi phạm gây ra. Quy định về xử lý đối với các vi phạm pháp luật về cạnh tranh có sự khác biệt so với các quy định trong pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo Luật quy định mức phạt tiền đối với các vi phạm liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế được xác định theo doanh thu của các bên vi phạm trên thị trường liên quan. Ngoài hình thức phạt tiền, dự thảo Luật còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả. Quy định tại Điều 114 của dự thảo Luật kế thừa quy định của Luật Cạnh tranh 2004, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tranh luận đơn vị chủ quản của cơ quan quản lý cạnh tranh

Nhiều ý kiến tán thành quy định Cơ quan cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương, nhưng cần quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan này trong Luật vì cơ quan này vừa thực hiện chức năng tham mưu trong quản lý nhà nước về cạnh tranh, vừa thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh. Một số ý kiến đề nghị quy định Cơ quan quản lý cạnh tranh thuộc Chính phủ hoặc Quốc hội để bảo đảm tính độc lập, khách quan trong xử lý vụ việc cạnh tranh.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn điều 52 về “Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh” do ai thành lập?

Liên quan đến quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh tại điều 85, đại biểu Nguyễn Thành Công (Ninh Bình) đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính; đồng thời làm rõ hơn nữa địa vị pháp lý Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia

Còn đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần có có cơ chế kiểm soát, giám sát quyền lực của cơ quan này; việc giao quá nhiều quyền lực cho cơ quan này sẽ tạo ra cơ chế xin-cho, tiêu cực.

Cho rằng thực tiễn thời gian qua, hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra khá đa dạng, phổ biến và thường xuyên; đây là các hành vi thể hiện sự vi phạm các chuẩn mực thông thường về đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp, gây thiệt hại cho đối thủ cạnh tranh và người tiêu dùng, một số ý kiến đề nghị dự luật cần có những quy định cụ thể về hành vi cạnh tranh không lành mạnh; quy định các nguyên tắc áp dụng hoặc làm cơ sở để các luật chuyên ngành quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong một ngành, lĩnh vực cụ thể.